Mỹ điều B-52 tới châu Âu hòng 'dằn mặt' Nga

Mỹ điều B-52 tới châu Âu hòng 'dằn mặt' Nga
TPO - Không quân Mỹ gần đây điều 6 chiếc máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới châu Âu để tập trận cùng với các đồng minh khu vực và đối tác NATO, trong bối cảnh Nga kỷ niệm 5 năm sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, CNN đưa tin ngày 21/3.

Phi đội B-52 Stratofortresses cùng các thiết bị hỗ trợ đã tới Anh vào cuối tuần trước và đang tham gia nhiều bài huấn luyện khác nhau ở nhiều nước châu Âu. Hôm thứ Hai, 4 chiếc B-52 “bay tới nhiều địa điểm ở châu Âu, bao gồm biển Na Uy, biển Baltic, Estonia, Địa Trung Hải, Hy Lạp”, Không quân Mỹ tuyên bố.

Các máy bay ném bom cũng tiến hành các bài tập ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bay tới khu vực phía đông bán đảo Kamchatka gần Nga. “Các chuyến bay từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác thông qua việc triển khai các lực lượng quân sự trên phạm vi toàn cầu”, Không quân Mỹ tuyên bố.

Nặng 84 tấn, B-52 được phiên chế trong quân đội Mỹ vào những năm 50 của thế kỷ trước trong thời kỳ căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Loại máy bay này ban đầu được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân xuyên lục địa tầm xa, bay cao để có thể tấn công sâu trong lãnh thổ Liên Xô. Phiên bản B-52 mới nhất được phiên chế năm 1962 và loại máy bay dài 48,5 m đã trở thành một biểu tượng của Chiến tranh Lạnh.

Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, B-52 được sửa đổi nhiều, được nâng cấp với cảm biến công nghệ cao, điện tử và tên lửa dẫn hướng chính xác. Mỗi máy bay có thể mang tới 35 tấn bom, tên lửa mà mìn, theo số liệu của Không quân Mỹ.

Mỹ điều B-52 tới châu Âu hòng 'dằn mặt' Nga ảnh 1 Một chiếc B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen ở Guamhôm 18/3. Ảnh: US Air Force.

Căng thẳng với Nga

Căng thẳng giữa Mỹ và Nga tăng trong những tháng gần đây sau khi Nga bắt giữ một số tàu và thủy thủ Ukraine sau một cuộc đối đầu ở eo biển Kerch hồi tháng 11/2018. Hành động của phía Nga khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân dịp hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina hồi năm ngoái.

Nga tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, khiến Mỹ cũng có động thái tương tự. Nhưng chỉ huy cấp cao nhất của Mỹ trong khu vực nói rằng, biện pháp đó dường như không hiệu quả.

“Tôi không thoải mái với các động thái răn đe mà chúng ta hiện có ở châu Âu”, tướng Curtis Scaparrotti, Chỉ huy Bộ tư lệnh Tối cao quân đồng minh NATO, nói hồi đầu tháng này. Ông cảnh báo rằng, bộ tư lệnh của ông hiện thiếu hụt nhiều mặt, cả về lực lượng bộ binh, hải quân, trang thiết bị do thám, giám sát và tình báo.

“Tôi quan tâm đến năng lực tình báo, giám sát và do thám trong bối cảnh nguy cơ đến từ Nga ngày càng tăng. Tôi cần thêm trang thiết bị do thám, giám sát và tình báo. Cần tăng lực lượng đồn trú và luân phiên để tăng khả năng răn đe”, tướng Scaparrotti nói.

Tuần này, hai vị tướng của Nga nói rằng Mátxcơva có kế hoạch điều máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm trung tới bán đảo Crime, nhưng sau đó nhanh chóng rút lại tuyên bố của họ. NATO chỉ trích Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Crimea và Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ hôm thứ Hai nói rằng việc Nga sáp nhập Crimea “tiếp tục là mối đe dọa đối với các đồng minh khu vực của Mỹ”.

Trong khi ông Trump vẫn chỉ trích NATO về việc chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự của liên minh quân sự gồm 29 thành viên, Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu vì Mỹ và châu Âu muốn tìm cách đối phó các hành động của Nga trong khu vực.

Tổng thống Trump vẫn lưỡng lự trong việc công khai chỉ trích Nga nhưng Quốc hội Mỹ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga và hành động nhằm vào ông Putin. Tuần này ông Putin tới Crimea và nói trước đám đông rằng một nước Nga mới hùng mạnh đã xuất hiện và sẽ đứng lên bảo vệ các lợi ích của mình. Mátxcơva luôn khẳng định Crimea thuộc về Nga một cách hợp pháp.

Mỹ điều B-52 tới châu Âu hòng 'dằn mặt' Nga ảnh 2 Máy bay B-52 Stratofortress thả bom mìn thật tại khu huấn luyện và thử nghiệm Nevada . Ảnh: US Air Force,

Không có giải pháp quân sự

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Ukraine Kurt Volker hôm thứ Hai nói rằng “không có giải pháp quân sự” để Ukraine có thể lấy lại Crimea. “Nếu động binh thì đó sẽ một thảm họa. Nó sẽ dẫn tới hàng ngàn, hàng ngàn người vong mạng”, ông Volker nói nhân dịp 5 năm Nga sáp nhập Crimea.

“Vì vậy, không thể lấy lại Crimea bằng vũ lực”, ông Volker nói tại một cuộc họp báo truyền trực tiếp từ Brussels, Bỉ. Ông nói rằng, Mỹ sẵn sàng bán thêm vũ khí “để giúp họ (Ukraine) nâng cao năng lực quốc phòng bền vững”. Có thể Mỹ sẽ cung cấp thêm hệ thống chống tăng, phòng không và phòng thủ bờ biển, ông nói.

Về khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần, ông Volker nói ông không thể dự đoán. Ông cho rằng, điều đó phụ thuộc vào việc Ukraine có nhanh chóng đạt được tiến bộ trong nhiều vấn đề hay không, như dân chủ, chống tham nhũng… cũng như phụ thuộc vào NATO quyết định khi nào là thời điểm thích hợp để gửi lời mời chính thức. Ông Volker nói rằng, ông hy vọng Nga sẽ không phản ứng quá mạnh khi điều đó xảy ra.

MỚI - NÓNG