Mỹ làm gì trong năm đầu ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’?

Mỹ làm gì trong năm đầu ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’?
TPO – Sách lược “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” của Mỹ được Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu lần đầu tiên trong tuần báo Foreign Policy số ra tháng 10-2011 trong bối cảnh khu vực đang nổi lên thành trung tâm địa, chính trị toàn cầu.

Theo giới phân tích, sự chuyển hướng của nước Mỹ là “kịp thời” và “có lợi cho nước Mỹ”. Trong thập niên đầu thế kỷ 21, châu Á - Thái Bình Dương nổi lên để trở thành một động lực của chính trị thế giới với những cỗ máy kinh tế trọng yếu của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng có nhiều nước phát thải khí lớn nhất.

“Đã đến lúc Mỹ giúp xây dựng các cấu trúc và thể chế như từng làm ở châu Âu sau thế chiến 2, cấu trúc đã và đang đem lại vô vàn lợi ích cho Mỹ. Và giờ đây, Mỹ cần làm như vậy ở châu Á, với tư cách là một quốc gia châu Á Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh trong bài viết.

Theo đó, Mỹ sẽ ưu tiên phát triển quan hệ với các đồng minh truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Thái Lan… tiếp cận và xây dựng quan hệ đối tác tốt với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Mông Cổ, Việt Nam, Brunei và các nước hải đảo ở Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Mỹ tăng cường sự hiện diện tại ASEAN, APEC, EAS… xem đó như là những công cụ giúp Mỹ có thể can dự một cách sâu rộng về mặt kinh tế cũng như quân sự.

Tuy nhiên, như nhận định của giới phân tích và truyền thông toàn cầu, một trong những lý do quan trọng khiến Mỹ chuyển dịch trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương là sự gia tăng mạnh mẽ phát triển của Trung Quốc.

Các nước trong danh sách “ưu tiên thiết lập quan hệ” mà Ngoại trưởng Mỹ nêu trong bài viết, trên thực tế là một vòng cung kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mỹ làm gì trong năm đầu ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’? ảnh 1

“Mục đích của học thuyết này là nhằm đối phó với sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của nước này. Đây không chỉ nói về mục đích quân sự, mặc dù việc chuyển đổi quyền lực kinh tế sang quyền lực quân sự cũng có ý nghĩa. Đây không phải là lần đầu tiên Washington nói rằng họ cần củng cố vị thế ở châu Á, và Bắc Kinh luôn theo dõi vấn đề này”, Giáo sư Yakov Berger, Chuyên gia Viện Viễn Đông - Nga, nhận định.

Phải chăng, Mỹ công khai chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc Mỹ khơi mào cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh?

Củng cố đồng minh, xây dựng liên minh mới

Năm 2012 đã ghi những dấu ấn đậm nét trong chiến lược chuyển dịch ngoại giao của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó nổi bật vai trò của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Năm 2012, đánh dấu chuyến công du thứ 100 trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đặt gần như toàn bộ trọng tâm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 5 nước châu Á trong tổng số 8 mà bà đặt chân tới trong 12 ngày, bao gồm: Pháp, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Lào, Campuchia, Ai Cập và Israel.

Mỹ làm gì trong năm đầu ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’? ảnh 2

Đan xen với các chuyến đi của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng tiến hành hàng loạt chuyến thăm quan trọng tới các quốc gia đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Philippines…) và những quốc gia nằm trong “trọng tâm” của Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Chỉ hai tuần sau khi thắng cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Barack Obama cũng đã chọn đi thăm ba nước châu Á gồm Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Tất cả các cuộc thăm viếng chính thức ấy đều nhằm mục đích chính: khẳng định quyết tâm tăng cường ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo giới phân tích, các chuyến thăm này không chỉ giúp Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh cũ, tìm kiếm thêm các đồng minh mới, mà còn tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, chính trị và quân sự.

Những động thái này một mặt giúp Washington bảo vệ vị thế lãnh đạo ở châu Á nói riêng, trên thế giới nói chung; mặt khác giúp kiềm chế, nếu không muốn nói là bao vây, Trung Quốc, điều không được nói ra một cách công khai.

Đúng một năm sau ngày ra đời “Kỷ nguyên Thái Bình Dương”, trả lời trên báo Stars and Stripes người đứng đầu Lầu Năm Góc tái khẳng định, đến năm 2020 Mỹ sẽ đưa 60% lực lượng hải quân đến châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ làm gì trong năm đầu ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’? ảnh 3

Ngoài ra, Washington sẽ bố trí tại Nhật Bản các căn cứ tấn công mới của lực lượng Không quân Mỹ, bằng việc tăng cường triển khai tại các căn cứ Nhật Bản máy bay chiến đấu mới F-22 và MV-22 Osprey. Năm 2017, tại căn cứ ở Iwakuni sẽ bố trí máy bay tấn công F-35, radar X-band để nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa

Mỹ cũng lên kế hoạch điều một số tàu chiến và vũ khí mới nhất tới các cảng, căn cứ quân sự tại châu Á trong những năm tới, bao gồm: máy bay chống tàu ngầm P-8 Poseidon, tên lửa hành trình, tàu chiến lớp Virginia…

Lầu Năm Góc cũng dự kiến đưa hơn 50% hạm đội của nước này tới châu Á-Thái Bình Dương, luân phiên bố trí bốn tàu tác chiến ven biển ở Singapore.

Một trong những động thái thu hút được sự chú ý của giới phân tích thế giới là sự manh nha xuất hiện của liên minh quân sự mới do Mỹ tổ chức xây dựng, với hạt nhân là Nhật Bản.

Tuy những động thái về việc hình thành liên minh này đã xuất hiện từ giữa năm 2012, nhưng việc thừa nhận sự tồn tại của liên minh này chỉ mới công khai bởi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hồi đầu tháng 12-2012.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times của Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho rằng, trước diễn biến ngày càng phức tạp, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đòi hỏi những yếu tố đặc biệt có giá trị, góp phần duy trì sự cân bằng trong khu vực, và người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Philippines thừa nhận sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong việc tạo lập một liên minh làm đối trọng với sự lớn mạnh của Bắc Kinh.

Mỹ làm gì trong năm đầu ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’? ảnh 4

“Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines như một tín hiệu cho thấy triển vọng về sự thúc đẩy hình thành một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực”, ông Hayashi Yoshinaga, Tổng thư ký Viện Địa chính trị quốc tế của Nhật Bản nhận định.

Theo ông Hayashi Yoshinaga, một liên minh như thế thực sự phù hợp với đường lối chiến lược hiện nay của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương: “Từ năm 1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã đề ra học thuyết Domino với mục đích kiềm chế các nước XHCN ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Truman hi vọng xây dựng và đưa Nhật Bản vào trung tâm của Tổ chức Hiệp ước Đông Bắc Á (NEATO).

Khi ấy, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) đã chấp thuận ý tưởng khôi phục lực lượng vũ trang Nhật Bản, hợp lực các nước Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc... xung quanh Nhật. Sau hơn nửa thế kỷ, ý tưởng trên được hồi sinh”.

Tại cuộc họp cấp cao giữa các quan chức quốc phòng và ngoại giao thường niên năm 2012 diễn ra ngày 12-12 tại Philippines, Washington và Manila đã nhất trí tăng cường sự hiện diện của tàu chiến, máy bay và lính Mỹ ở Philippines.

Tại cuộc gặp, hai bên đã đồng ý tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh trong thời điểm Trung Quốc leo thang căng thẳng trên biển Đông. Ngoài ra, Manila muốn Washington triển khai thêm quân và khí tài quân sự để giúp Philippines huấn luyện tập trận và cứu trợ thảm họa.

Mỹ làm gì trong năm đầu ‘Kỷ nguyên Thái Bình Dương’? ảnh 5

Ngoài ra, Mỹ và Philippines đã thông qua kế hoạch tập trận chung năm năm, mở đầu sẽ là cuộc tập trận đổ bộ vào năm 2013 với sự hiện diện của 2.800 binh lính hai nước và tàu ngầm tấn công chiến lược USS Olympia của Hải quân Mỹ.

Với những chuyển động mạnh mẽ của Mỹ và đồng minh trong năm 2012, có thể dự báo châu Á – Thái Bình Dương năm 2013 sẽ tiếp tục xuất hiện những diễn biến khó lường trong cuộc cạnh tranh nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu tại khu vực có vị trí địa, chính trị vô cùng quan trọng này.

Theo Viết
MỚI - NÓNG