Mỹ sẽ rút bớt quân khỏi Đức?

Bất hòa giữa ông Trump và bà Merkel không phải điều mới. Ảnh: NYT
Bất hòa giữa ông Trump và bà Merkel không phải điều mới. Ảnh: NYT
TP - Một tuần sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng bà sẽ không dự hội nghị G7 mà ông muốn tổ chức, nhà lãnh đạo Mỹ quyết định sẽ rút 9.500 lính Mỹ khỏi Đức.

Trong cuộc điện đàm tuần trước, bà Merkel nói lý do không dự là vì đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn. Ông Trump đáp lại bằng một tràng câu hỏi giận dữ về G7, NATO và Tổ chức Y tế thế giới. Ông nói Mỹ đang làm tốt, dù biểu tình đang diễn ra khắp nước Mỹ. Và đại dịch là lỗi của Trung Quốc. Cuộc điện đàm kết thúc sau khoảng 20 phút. “Đó không phải cuộc nói chuyện tử tế”, NYT dẫn lời một quan chức được nghe cuộc nói chuyện.

Một tuần sau, báo chí Đức và Mỹ đưa tin Washington sẽ giảm 1/4 hiện diện quân sự ở Đức. Khoảng 9.500 lính Mỹ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Âu sẽ rời khỏi Đức trong 3 tháng tới. Mỹ không chính thức báo trước với Đức.

Không biết hai sự kiện có liên quan đến nhau hay không, nhưng đều cho thấy sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Mỹ với quốc gia có ảnh hưởng nhất châu Âu ở mức độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến 2, trong bối cảnh trao đổi song phương sụp đổ và lợi ích khác biệt trong hầu hết mọi vấn đề quan trọng, bao gồm Nga, Iran, Trung Quốc, thương mại và an ninh.

“Việc Mỹ đơn phương rút bớt quân khỏi đồng minh châu Âu quan trọng nhất của mình sẽ gây tổn thương cho NATO và chỉ có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người không bao giờ muốn Mỹ hiện diện quân sự ở châu lục”, ông Thomas Kleine-Brockhoff, phó chủ tịch nhóm nghiên cứu German Marshall Fund, nói với NYT.

Theo chuyên gia này, bất hòa giữa bà Merkel và ông Trump không phải điều gì mới mẻ. Nhưng điều mới là ông Trump có vẻ đã thôi giả vờ cùng phe với bà Merkel. “Bà Merkel đại diện cho mọi điều mà ông Trump ghét: toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, luật quốc tế”, ông Kleine-Brockhoff nói. Ông cho rằng Đức lo Mỹ đang trong quá trình tái định nghĩa lợi ích quốc gia của Mỹ, trong đó không có chỗ cho một liên minh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh.

Ngoài việc giảm quân đồn trú, ông Trump còn có kế hoạch hạn chế số lượng binh lính hiện diện tối đa tại Đức ở mức 25.000, chưa bằng một nửa mức hiện nay. Điều đó còn quan trọng hơn kế hoạch rút 9.500 quân. “Vấn đề không chỉ là có bao nhiêu quân đồn trú lâu dài ở Đức mà là bao nhiêu quân có thể luân chuyển”, ông Ivo Daalder, giám đốc Hội đồng toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn ở Chicago, đánh giá.

Gần như tất cả các chuyến bay quân sự của Mỹ đến Iraq hoặc Afghanistan đều phải qua Ramstein ở miền nam nước Đức. Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Bệnh viện quân đội của Mỹ ở Landstuhl điều trị cho rất nhiều binh lính bị thương ở Iraq hoặc Afghanistan. Các nhiệm vụ quân sự của Mỹ ở châu Phi cũng được điều phối từ miền tây nam nước Đức. Binh lính Mỹ ở Đức đóng vai trò răn đe trước sức mạnh quân sự của Nga. Giới phân tích cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Đức sẽ có lợi cho mục tiêu lâu dài của ông Putin là chia rẽ phương Tây.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.