Mỹ sẽ triển khai máy bay săn ngầm để ‘soi’ Nga, Trung Quốc ở Bắc Cực

Mỹ mới phê chuẩn việc bán 6 chiếc máy bay săn ngầm P-8A trị giá 2,6 tỷ USD cho Hàn Quốc. Ảnh: Aviation International News.
Mỹ mới phê chuẩn việc bán 6 chiếc máy bay săn ngầm P-8A trị giá 2,6 tỷ USD cho Hàn Quốc. Ảnh: Aviation International News.
TPO - Hải quân Mỹ chuẩn bị đưa máy bay săn tàu ngầm P-8 Poseidon  tới một đường băng nhỏ cách bờ biển Alaska vài trăm cây số, nhằm theo dõi các động thái của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.

Báo chí Mỹ đưa tin, đường băng nhỏ nằm trên đảo Adak thuộc chuỗi đảo Aleutian. Đó là sân bay cực tây có thể tiếp nhận máy bay chở khách ở Mỹ. Sân bay nhỏ này hiện mỗi tuần đón 2 chuyến bay của hãng Air Alaska.

Có tên chính thức là Cơ sở hàng không hải quân Adak, sân bay nhỏ này vận hành thương mại từ khi Hải quân Mỹ rút đi vào năm 1997. Nhưng hoạt động ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực khiến Hải quân Mỹ cân nhắc tiến hành các cuộc tuần tra mới để tăng cường theo dõi vùng cực bắc.

Đổ 1,3 tỷ USD để mở lại sân bay

Trước đó, giới chức Hải quân Mỹ ước tính, việc mở lại căn cứ trên đảo Adak sẽ tốn khoảng 1,3 tỷ USD, nhưng tuần trước, Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer phát biểu trước các tiểu ban quản lý và độ sẵn sàng về sức mạnh biển thuộc Thượng viện rằng, ông không tìm cách mở lại toàn bộ căn cứ.

“Đường băng hiện trong tình trạng rất tốt”, ông Spencer nói với Breaking Defense. Hải quân Mỹ có thể sẽ phải trả tiền để dọn dẹp các hầm chứa máy bay.

“Sân bay có cơ sở nhiên liệu mà Air Alaska hiện dùng để bơm nhiên liệu cho máy bay của hãng. Sân bay cũng có các cơ sở khử băng mà chúng ta có thể dùng để rửa máy bay P-8 bằng nước ngọt”, ông Spencer cho biết.

Những năm gần đây, Mỹ chi hàng triệu USD để nâng cấp một sân bay khác thời Chiến tranh lạnh, cơ sở hàng không hải quân Keflavik ở Iceland, để chứa máy bay P-8 có nhiệm vụ theo dõi hoạt động tàu ngầm Nga ở khu vực Bắc Đại Tây Dương giữa Greenland, Iceland và Anh. Những vùng biển này (được gọi là GIUK Gap) là hướng ra chính của tàu ngầm Nga từ các cảng phía bắc của họ ra Đại Tây Dương.

Lầu Năm Góc ngày càng quan ngại về việc đất ở Bắc Cực rơi vào tay Nga và Trung Quốc khi mà cả hai nước này đang vượt qua Mỹ trong việc đóng tàu phá băng để giúp đưa tàu và hàng tiếp tế tới các tiền đồn xa xôi khi băng trong khu vực đang mất dần vì sự nóng lên toàn cầu.

Bộ trưởng Spencer nói với các nghị sĩ Mỹ: “Những người bạn Nga của chúng ta đang khởi động 5 đường băng và 10.000 lính Spetsnaz (ở Bắc Cực) phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện ở đó. Mọi người  đều ở đó”. Thượng nghị sĩ Dan Sullivan đến từ bang Alaska đế vào: “Mọi người, trừ chúng ta”.

Ông Spencer nói: “Chúng ta tăng cường hiện diện ở đó, ở dưới biển và trên không trung”. Hải quân Mỹ đang làm việc với lực lượng cảnh sát biển để áp dụng các biện pháp tăng cường huấn luyện ở vùng cực bắc và xác định các cảng có thể đón nhận tàu hải quân.

Bán máy bay do thám cho Hàn, Nhật

Hải quân Mỹ không phải là lực lượng duy nhất đang tìm cách tăng cường hiện diện ở Alaska. Gần đây, Không quân Mỹ nói rằng họ có kế hoạch chuyển một số máy bay tiêm kích F-22 tới căn cứ hỗn hợp Elmendorf-Richardson ở Alaska. Trước đó, cơn bão Michael phá tan hoang căn cứ không quân Tyndall ở bang Florida.

Mỹ sẽ triển khai máy bay săn ngầm để ‘soi’ Nga, Trung Quốc ở Bắc Cực ảnh 1

Một máy bay tuần thám biển E-2D Advanced Hawkeye của Nhật Bản. Ảnh: Seawaves.

Hồi tháng 8 khi đến thăm Alaska, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết: “Mỹ phải chiếm thế thượng phong ở Bắc Cực. Chóp băng vùng cực đang tan ra và các nước đang đổ xô tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên ẩn giấu lâu nay trong khu vực.

Hải quân Mỹ đã có những bước đi đầu tiên. Hồi tháng 11, tàu sân bay USS Harry S. Truman bơi trên Vòng Bắc Cực. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đi xa tới thế về hướng bắc kể từ Chiến tranh lạnh. Nhóm tàu sân bay này tham gia cuộc tập trận Trident Juncture của NATO.

“Chúng ta đã hoạt động ở vịnh Ba Tư, nơi đó giống như một cái hồ và thực sự nóng. Giờ đây, chúng ta hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Na Uy, nơi gió thổi ào ào, boong tàu lắc lư, tàu tròng trành, người vật vã”, phó đô đốc Andrew Lewis, tư lệnh Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ, nói tháng trước.

Lực lượng của tư lệnh Lewis tập trung vào các chiến dịch ở Đại Tây Dương, nơi Nga hoạt động mạnh hơn khi mà nước này mở rộng và hiện đại hóa quân đội.

Sân bay Adak sẽ cho phép máy bay Mỹ không chỉ thâm nhập sâu hơn, liên tục hơn vào Bắc Cực mà còn đem lại cho máy bay do thám Mỹ một căn cứ mới để từ đó Lầu Năm Góc có thể để mắt tới Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và số tàu ngầm Trung Quốc ngày càng tăng ở Thái Bình Dương.

Mỹ có khả năng triển khai các hoạt động mới ở Bắc Cực trong bối cảnh đang tích cực chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương sau 2 thập kỷ xung đột ở Trung Đông.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng đang mua sắm máy bay trinh sát của Mỹ để theo dõi các hoạt động tăng cường của Trung Quốc. Hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn việc bán 6 chiếc máy bay P-8A trị giá 2,6 tỷ USD cho Hàn Quốc và bán 9 chiếc máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không E-2D Advanced Hawkeye cho Nhật Bản.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.