Mỹ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến khốc liệt tại Libya

Cột khói bốc lên từ các tòa nhà sau khi quân đội chính phủ Libya bắn tên lửa vào cứ điểm IS ở Sirte.
Cột khói bốc lên từ các tòa nhà sau khi quân đội chính phủ Libya bắn tên lửa vào cứ điểm IS ở Sirte.
TPO - Mỹ đã phát động các đợt không kích vào thành lũy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng – IS ở Sirte, Libya. Đây là lần đầu tiên Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến khốc liệt ở đây, chính thức mở rộng quy mô chiến dịch chống khủng bố.

Trong một tuyên bố mới đây, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, Chính phủ Libya đã yêu cầu sự hỗ trợ từ lực lượng chống khủng bố của Mỹ và các nước đồng minh để đòi lại thành phố ven biển Sirte, nơi bị IS chiếm đóng từ năm ngoái.

“Máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu IS ở Sirte để yểm trợ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya”, ông Cook nói. Đây là đợt không kích đầu tiên của Mỹ chống lại IS ở Sirte.

Fayez Serraj, Thủ tướng Chính phủ thống nhất Libya do phương Tây hậu thuẫn, xác nhận trong bài phát biểu video, đã yêu cầu sự trợ giúp từ Mỹ để các lực lượng địa phương tiến công vào Sirte, tuy nhiên can thiệp quân sự từ bên ngoài sẽ vẫn còn bị hạn chế.

Nếu việc sử dụng sức mạnh không quân Mỹ được duy trì, chiến dịch Sirte sẽ mở ra chương mới trong cuộc chiến của chính quyền Obama chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Hai năm qua, Mỹ và lực lượng đồng minh chủ yếu tiến hành không kích ở Iraq và Syria. Trong khi đó, IS ở Libya được đánh giá là nhánh mạnh nhất, có vai trò liên kết toàn tổ chức.

Được biết, IS nắm quyền kiểm soát Sirte vào năm 2015 và biến nó thành cứ điểm quan trọng của tổ chức. Hiện tại, vài trăm phiến quân được cho là ẩn náu tại đây.

Những kẻ này âm mưu tổ chức họp Liên minh châu Phi và các sự kiện quan trọng khác của toàn lực lượng phiến quân. Chúng cũng biến Sirte thành cơ sở hoạt động để giữ lãnh thổ và khởi động các đợt tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Libya.

Quân đội chính phủ đặt nhiệm vụ giải phóng Sirte lên hàng đầu, bởi nếu thành công sẽ giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng tài chính, khôi phục xuất khẩu dầu mỏ và ổn định kinh tế.

Từ tháng Năm, lực lượng ủng hộ chính phủ đã truy kích các phần tử cực đoan từ ba cửa ngõ vào thành phố, cũng như phong tỏa đường biển để ngăn phiến quân bỏ trốn. Trong vòng vài tuần, lực lượng dân quân giải phóng phần lớn thành phố.

Tuy nhiên, nhóm chiến binh Hồi giáo không chịu quy hàng. Chúng triển khai các tay súng bắn tỉa, đặt bom bên lề đường và thiết lập bẫy để phản kháng, khiến mục tiêu tái chiếm thành phố của lực lượng ủng hộ chính phủ gặp nhiều khó khăn.

Theo Theo Washington Post
MỚI - NÓNG