Nga có phạm luật khi nối lại thương vụ S-300 với Iran?

Theo RIA Novosti, Nga và Iran bắt đầu nối lại đàm phán chuyển giao hệ thống S-300. Nếu đàm phán thành công và S-300 được bàn giao, Moscow có phạm luật?

Nguồn tin trên cho biết, thỏa thuận hợp tác quân sự mới giữa Nga và Iran vừa được ký kết nhân chuyến thăm Tehran của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu giúp tăng cường quan hệ hai nước trên lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, trong đó bao gồm cả việc nối lại các cuộc đàm phán chuyển giao S-300PMU1.

“Đây là một bước tiến trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước, mở ra cơ hội mới trong việc cung cấp cho Iran hệ thống phòng thủ S-300PMU1 và S-400”, Đại tướng Leonid Ivashov, một cựu quan chức Trung tâm phân tích địa-chính trị quốc tế Nga nhận định.

Tướng Ivashov thừa nhận, chính việc Iran, và gần đây là Nga chịu sức ép từ một số lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đã khiến Moscow và Tehran xích lại gần nhau hơn.

Hệ thống phòng không S-300PMU1
Hệ thống phòng không S-300PMU1

Những chuyện rắc rối nảy sinh quanh thương vụ tên lửa S-300PMU1 bắt đầu từ khi Nga và Iran ký hợp đồng mua bán 5 tiểu đoàn tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 năm 2005. Tổng giá trị cuộc làm ăn này gần 800 triệu USD, trong đó Iran đã chuyển 167 triệu USD tạm ứng trước.

Mãi đến năm 2007 chính quyền Nga mới công bố chính thức về thoả thuận này, song vì nhiều lý do khác nhau đã không vội thực hiện hợp đồng, lấy lý do có vấn đề kỹ thuật. Iran đã nhiều năm chờ đợi việc cung cấp các tổ hợp này, dù trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng 300-400 triệu USD.

Đến tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết số 1929 cấm bán cho Iran “mọi loại xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa hoặc hệ thống tên lửa như chúng được xác định cho mục tiêu của Đăng kiểm vũ khí thông thường của Liên Hợp Quốc”.

Như vậy, nghị quyết chỉ cấm bán cho Iran các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự tấn công.

Cụ thể đối với các hệ thống tên lửa mà nghị quyết đề cập đến, Đăng kiểm Liên Hợp Quốc quy định “tên lửa có và không điều khiển, tên lửa đạn đạo hoặc có cánh có khả năng mang đầu đạn hoặc vũ khí khác đến cự ly không dưới 25km, cũng như các phương tiện được chế tạo hoặc cải tiến chuyên để phóng những tên lửa như vậy gồm cả các vật thể bay điều khiển từ xa, nhưng không phải tên lửa đất đối không”, cũng như các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.

Về mặt hình thức, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không áp đặt lệnh cấm cung cấp các hệ thống phòng không (mà tính chất phòng thủ của chúng được xác định ngay trong tên gọi). Tuy nhiên, đa số các nước phương Tây, mà trước hết là Mỹ đã lên tiếng phản đối Nga thực hiện hợp đồng bán S-300PMU1 cho Iran.

Trước sức ép của phương Tây, tháng 9/2010, ông Dmitry Medvedev, khi đó là Tổng thống Nga, đã ký sắc lệnh “Về các biện pháp để thực hiện nghị quyết 1929 ngày 9/6/2010 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Trong sắc lệnh này ông Dmitry Medvedev đã trích dẫn nguyên văn phần chỉ dụ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bổ sung thêm vào đó các hệ thống S-300.

Như vậy, việc Nga nối lại đàm phán và trong trường hợp đàm phán thành công và hệ thống phòng không S-300PMU1 được chuyển giao cho Iran, Nga hoàn toàn không vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc.

Theo Theo baodatviet.vn
MỚI - NÓNG