Nga lại dùng chiêu 'bên miệng hố chiến tranh' với Anh

TPO - Anh vừa phải điều hai chiến đấu cơ Typhoon theo sát hai máy bay ném bom tầm xa Bear của Nga ở ngoài khơi bờ biển phía nam nước Anh, lần thứ hai trong vài tháng qua.
Nga lại dùng chiêu 'bên miệng hố chiến tranh' với Anh ảnh 1 Chiến đấu cơ Typhoon của Anh chặn máy bay ném bom Tu-95 Bear của Nga tháng 9/2014 ở không phận quốc tế ngoài khơi Anh. Ảnh: RAF

Anh lo lắng vì máy bay, tàu ngầm Nga?

"Chiến đấu cơ phản ứng nhanh của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã phải xuất kích sau khi phát hiện máy bay Nga gần không phận Anh. Phi cơ Nga được máy bay Anh theo sát cho đến khi ra khỏi vùng quan tâm của London. Oanh tạc cơ Nga không hề bay vào không phận thuộc chủ quyền Anh", Reuters trích dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh.

Trước đó, ngày 29/1, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Anh Simon Fraser đã triệu Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko tới để phản đối vụ 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược của quân đội Nga đã gây nguy hiểm cho hoạt động của hàng không dân dụng Anh.

Vụ việc khiến Anh phải triệu đại sứ Nga diễn ra hôm 28/1, khi đó London đã phải huy động chiến đấu cơ Typhoon để ngăn chặn 2 máy bay Tu-95 Bear của Moscow bay qua không phận eo biển Manche, động thái được cho là “một sự leo thang đáng kể” và đánh dấu sự thay đổi chiến lược khi trước đây, máy bay Nga chỉ áp sát không phận Scotland.

Theo ông Simon Fraser, động thái của Moscow hết sức nguy hiểm vì các chuyến bay dân dụng tới Anh phải định tuyến lại và máy bay Nga tắt bộ thu phát tín hiệu nên chỉ có thể bị phát hiện bởi radar quân sự.

Trong một động thái khác, trước khi máy bay Nga áp sát không phận Anh, vào ngày 9/1, Bộ Quốc phòng Anh đã phải cầu viện Mỹ giúp truy lùng một chiếc tàu ngầm lạ (nghi ngờ của Nga) ở ngoài khơi bờ biển Scotland.

Để thực hiện cuộc truy tìm này, hai chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm của Hải quân Mỹ đã được triển khai tiến hành tuần tra chống ngầm ở Bắc Đại Tây Dương trong tuần này, để theo dõi một chiếc tàu ngầm của Nga.

Ngoài ra, một chiếc khinh hạm của hải quân Anh cũng được triển khai tham gia cuộc truy tìm này.

 Lí do Nga 'dụng chiêu' với Anh

Dù không nói thẳng ra, nhưng nhiều nhà phân tích thế giới đều có những suy đoán về động thái của Nga. 

Mà lí do chính xuất phát từ việc Anh có những thái độ phê phán, chỉ trích Nga khi cho rằng Nga chính là nguyên nhân khiến chiến sự ở Ukraine ngày càng bùng phát, căng thẳng.

Điều này được viện dẫn với việc hồi giữa năm 2014, Ngoại trưởng Anh William Hague đã thẳng thừng nói rằng: Nga đã cố tình đẩy Ukraine "đến bờ vực" trong những ngày gần đây và làm gia tăng nguy cơ xung đột bạo lực ở nước này. Và Anh sẵn sàng hỗ trợ các nước châu Âu khác "yếu thế trước sức ép của nền "đầu sỏ chính trị,".

Sức nóng tiếp tục được đổ thêm dầu liên quan đến những phê phán từ Thủ tướng Anh David Cameron đối với vụ việc máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở Ukraine.

Nga lại dùng chiêu 'bên miệng hố chiến tranh' với Anh ảnh 2
Ông David Cameron đã có những chỉ trích mạnh mẽ đối với Nga .

Ông David Cameron kêu gọi tất cả các nước châu Âu ngừng các hợp đồng buôn bán vũ khí với Nga, và chỉ ra rằng hành động của Pháp là khó có thể tưởng tượng được khi đã hoàn thành một đơn đặt hàng các tàu chiến Mistral cho Nga.

Thủ tướng Anh cũng kêu gọi một loạt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn về vấn đề ngân hàng và hàng không, đóng băng toàn bộ tài khoản của những người đứng về phía Putin.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ hơn, ông Cameron nói rằng: “Có thể Anh sẽ buộc phải thay đổi cách tiếp cận với Nga và Tổng thống Nga V.Putin và đây là thời điểm tìm ra một con đường để chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bằng cách kết thúc sự ủng hộ của Nga đối với quân đội ly khai”.

Nếu như Tổng thống Nga Putin không có các biện pháp làm dịu đi sự xung đột tại Ukraina thì các nước châu Âu và phương Tây phải đồng loạt thay đổi cách tiếp cận với Nga thậm chí là phải có những biện pháp mạnh mẽ.

Các nước châu Âu không nên làm ngơ trước vấn đề này và phải suy xét thật kĩ về cách hành xử của các nước lớn đối với những nước nhỏ.

Số lần NATO phải chặn máy bay Nga đã gia tăng trong năm ngoái, trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Moscow ngày càng lên cao vì khủng hoảng Ukraine.

Theo thông báo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cuối năm 2014 vừa qua, liên tiếp trong thời gian cuối năm, trên Đại Tây Dương, biển Bắc, biển Đen và biển Baltic, họ đã phát hiện một số lượng lớn máy bay ném bom, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu Nga trong không phận quốc tế.

Cụ thể, trên biển Bắc và Đại Tây Dương, 8 máy bay Nga lập đội hình bay về phía biển Na Uy và vào không phận quốc tế. Khi bị không quân Na Uy điều chiến đấu cơ F-16 ngăn chặn, 6 trong số 8 chiếc này quay lại. 2 máy bay ném bom Tu-95 Bear H tiếp tục bay trên bờ biển Na Uy, sau đó bị máy bay Anh theo dõi chặt.

Bốn máy bay khác của Nga, bao gồm 2 máy bay ném bom và 2 chiến đấu cơ, bị phát hiện trên biển Đen và bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ giám sát. Ngoài ra còn có ít nhất 7 máy bay Nga bị chặn trên biển Baltic vào cuối tháng 10, trong đó có 4 chiến đâu cơ Su-24, 2 chiếc MiG-31 và 1 máy bay Su-27. Số máy bay này bị máy bay Đức, Đan Mạch và máy bay của 2 nước không phải thành viên NATO là Thụy Điển và Phần Lan theo dấu.

Dù chúng không xâm phạm chủ quyền của quốc gia châu Âu nào nhưng theo Trung tá Jay Janzen, phát ngôn viên của NATO tại Bỉ, quy mô và lịch trình các chuyến bay chắc chắn là một hoạt động đáng ngờ. Còn giới chức Mỹ tin rằng các máy bay kể trên được triển khai nhằm biểu dương lực lượng của Nga

Đó có lẽ là lí do khiến Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon phải tuyên bố: Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra mối nguy hiểm "có thực và hiện hữu" với các nước Baltic.


MỚI - NÓNG