Nga sẽ can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria?

Nga sẽ can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria?
TP - Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên công nhận Mátxcơva tham gia sâu vào nội chiến Syria, khi cho biết Nga đang hỗ trợ hậu cần, huấn luyện quân đội Syria, Reuters đưa tin. Ông không loại trừ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria trong tương lai.

Trước thông tin cho rằng binh sĩ Nga đã được triển khai tại Syria, Tổng thống Putin nói rằng, việc thảo luận về can thiệp quân sự trực tiếp “đến nay vẫn còn quá sớm”, nhưng ông không loại trừ khả năng này trong tương lai. “Nhưng chúng tôi đã giúp đỡ Syria rất nhiều về trang thiết bị, huấn luyện binh sĩ với vũ khí của chúng tôi”, hãng tin Nga RIA Novosti mới đây dẫn lời ông Putin nói tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố Vladivostok của Nga.

Nga liên tục dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 4 năm rưỡi, được cho là cướp đi sinh mạng của khoảng 250.000 người. Nga cũng là nước cung cấp vũ khí lâu dài cho chính phủ Syria, coi đây là việc cần thiết để chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). “Không có chuyện máy bay của ông Assad có thể vẫn bay được sau 4 năm chiến tranh mà không có sự giúp đỡ kỹ thuật của Nga”, chuyên gia quân sự độc lập Pavel Felgenhaeur nhận định.

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, Nga đã gửi các khối nhà đúc sẵn dành cho hàng trăm người tới một sân bay Syria, đồng thời thiết lập một trạm kiểm soát không lưu di động. Ông Yevgenny Buzhinsky, một tướng Nga nghỉ hưu, cho biết, một chiến dịch triển khai quy mô như vậy đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của Hạ viện Nga. Một sĩ quan cao cấp Syria đào tẩu năm 2012 nói với báo Telegraph rằng, cá nhân ông từng làm việc với các chuyên gia Nga. Hầu hết các phòng tác chiến và nhiều tuyến phòng thủ do các chuyên gia Nga lên kế hoạch. Họ chủ yếu tập trung ở thủ đô Damascus.

Mới đây, Nga cố gắng thuyết phục các nước phương Tây và Ả rập, cũng như phe đối lập Syria rằng, ông Assad có thể là một phần trong chính phủ quốc gia thống nhất và liên minh quốc tế chống IS. Tổng thống Putin nói rằng, ông Assad đã đồng ý chấp nhận. Tuy nhiên, phương Tây và lãnh đạo phe đối lập Syria tuyên bố không có chỗ cho ông Assad thời hậu chiến. Về khả năng Nga gia nhập liên minh chống IS, phát ngôn viên Nhà Trắng Peter Cook nói Mỹ “hoan nghênh cơ hội cho các đối tác khác cùng tham gia chiến đấu”. Nhưng ông Cook nói rằng, chế độ của ông Assad không thể là một đối tác chống chủ nghĩa khủng bố.

MỚI - NÓNG