Nga tung chiêu bên miệng hố chiến tranh với Anh

Chiến lược bên miệng hố chiến tranh của Nga đã chạm đến nước Anh sau khi lần lượt sử dụng tại các vùng biển Bắc, Đại Tây Dương và Bắc Cực.

Triệu đại sứ Nga

Theo Sputnik, ngày 29/1, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Anh Simon Fraser đã triệu Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko tới để phản đối vụ 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược của quân đội Nga đã gây nguy hiểm cho hoạt động của hàng không dân dụng Anh.

Vụ việc khiến Anh phải triệu đại sứ Nga diễn ra hôm 28/1, khi đó London đã phải huy động chiến đấu cơ Typhoon để ngăn chặn 2 máy bay Tu-95 Bear của Moscow bay qua không phận eo biển Manche, động thái được cho là “một sự leo thang đáng kể” và đánh dấu sự thay đổi chiến lược khi trước đây máy bay Nga chỉ áp sát không phận Scotland.

Theo ông Simon Fraser, động thái của Moscow hết sức nguy hiểm vì các chuyến bay dân dụng tới Anh phải định tuyến lại và máy bay Nga tắt bộ thu phát tín hiệu nên chỉ có thể bị phát hiện bởi radar quân sự.

Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố: “Các máy bay Nga làm gián đoạn hàng không dân dụng. Đó là lý do tại sao chúng tôi triệu tập Đại sứ Yakovenko để giải thích rõ mọi chuyện”.

Máy bay Tu-95 được tiêm kích
Chiến đấu cơ Typhoon hộ tống máy bay Tu-95

Về phần mình, Đại sứ Alexander Yakovenko khẳng định, sự lo lắng của phía Anh là khó hiểu, vì 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược của Nga đang thực hiện các phi vụ tuần tra thông thường trên vùng biển Đại Tây Dương.

Chuyến bay này (cũng như các chuyến bay thông thường khác của máy bay quân sự Nga) được thực hiện đúng theo các quy định của luật pháp quốc tế và không vi phạm bất cứ không phận của quốc gia nào, do đó nó không thể bị coi là một mối đe dọa, cản trở hay làm mất ổn định được.

Phát ngôn viên không quân Nga, Đại tá Igor Klimov, khẳng định 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đang thực hiện chuyến bay tuần tra theo kế hoạch kéo dài 19 tiếng trên Bắc Đại Tây Dương và không vi phạm quy tắc quốc tế cũng như biên giới của quốc gia nào.

Đại tá Klimov cho biết thêm, máy bay của Nga đã bị các máy bay chiến đấu Typhoon của Anh, F-16 của Na Uy và Mirage của Pháp áp tải trong các đoạn lộ trình khác nhau trong suốt hành trình này.

Cầu cứu Mỹ

Trước khi máy bay Nga áp sát không phận Anh, ngày 9/1, Bộ Quốc phòng Anh vừa phải cầu viện Mỹ giúp truy lùng một chiếc tàu ngầm lạ (nghi ngờ của Nga) ở ngoài khơi bờ biển Scotland.

Để thực hiện cuộc truy tìm này, hai chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm của Hải quân Mỹ đã được triển khai tiến hành tuần tra chống ngầm ở Bắc Đại Tây Dương trong tuần này, để theo dõi một chiếc tàu ngầm của Nga. Ngoài ra, một chiếc khinh hạm của hải quân Anh cũng được triển khai tham gia cuộc truy tìm này.

Sự xuất hiện của chiếc tàu ngầm bí ẩn ngoài khơi Scotland được truyền thông Anh cho rằng có thể có liên quan đến việc một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Hải quân Anh được cho là vừa triển khai hoạt động từ căn cứ hải quân Faslane ở Gare Loch.

Việc Anh phải cầu viện lực lượng Mỹ truy tìm tàu ngầm lạ cho thấy, năng lực yếu kém của hạm đội săn ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh, nhất là sau khi nước này hủy bỏ kế hoạch trang bị phi đội máy bay trinh sát Nimrob trị giá 4 tỷ bảng cho hải quân vào năm 2010.

Theo nguồn tin trên, ngay từ khi Anh chưa lên tiếng về vụ tàu ngầm lạ bathì những chiếc máy bay trinh sát hải quân của Mỹ đã thực hiện 2 phi vụ mỗi ngày kể từ ngày đầu năm mới, cùng với chiếc khinh hạm chống ngầm HMS Somerset của Anh để đề phòng những mối nguy hiểm từ lòng biển với nước Anh.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo baodatviet.vn
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.