Nga xác nhận 'rồng lửa' Iskander ở Kaliningrad, NATO đứng ngồi không yên

Ảnh: Sputnik
Ảnh: Sputnik
TPO - Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia Nga, ông Vladimir Shamanov đã xác nhận Moscow đã triển khai hệ thống tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad.

Kaliningrad nằm xen giữa và tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania, hai quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu. Do đó, Nga cũng như NATO hiểu rằng, bất cứ một động thái quân sự nào ở khu vực này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước xung quanh.

“Nga đã triển khai hệ thống Iskander ở khu vực Kaliningrad. Các căn cứ quân sự nước ngoài sẽ tự động rơi vào danh sách những mục tiêu ưu tiên bị phá hủy”, ông Shamanov nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Raymundas Caroblis cho biết Nga đã triển khai hệ thống tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad.

Hiểm địa Kaliningrad

Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga, tiếp giáp với NATO. Trước khi trở thành vùng lãnh thổ tách rời của Nga ở châu Âu sau Thế chiến II, Kaliningrad, hay còn được biết tới cái tên Konigsberg, từng là vùng lãnh thổ thuộc Đức.

Tại Hội nghị Postdam, Konigsberg trở thành một phần lãnh thổ của Liên bang Xô viết, sau khi các quốc gia đồng minh thỏa thuận chia nhau châu Âu.

Mặc dù đóng vai trò như một khu vực quân sự khép kín dưới thời Xô Viết, song Kaliningrad (đặt tên năm 1946) - thủa ban đầu vẫn còn mang đậm yếu tố lịch sử Đức. Nhưng do chính sách trục xuất người Đức và di dân người Nga và Ukraine tới của Liên Xô, yếu tố lịch sử Đức đã dần biến mất.

Với đường biên giới trên bộ giáp Nga và Belarus - quốc gia đồng minh và là địa điểm đặt rất nhiều hệ thống vũ khí tối tân của Nga, dải bờ biển chịu sự khống chế của Hạm đội Baltic của Nga, các quốc gia NATO là Lithuania, Estonia, Litva và Ba Lan đã và đang chịu sức ép rất lớn về mặt quân sự từ Moscow.

Kaliningrad cũng là nơi đồn trú của Hạm đội Baltic - một yếu tố cấu thành trọng yếu của Quân khu phía Tây, có Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Baltiysk.

Lực lượng không quân Nga ở khu vực này có các căn cứ không quân Chernyakhovsk và Donskoye. Cả hai căn cứ không quân trên đều có vai trò rất quan trọng, là địa điểm xuất phát của lực lượng máy bay trinh sát, chiến đấu, ném bom, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không ở vùng Baltic của NATO.

Sức mạnh khủng khiếp của ‘rồng lửa’ Iskander-M

Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-M được thiết kế để thay thế các tổ hợp tên lửa 9K79-1 Tochka-U đã lỗi thời.

Đây là loại tên lửa 1 tầng, nhiên liệu rắn, được điều khiển trong suốt quá trình bay.

Iskander có chiều dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km.

Mỗi xe phóng 9P78E của hệ thống Iskander-M mang 2 đạn tên lửa và dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút, sai lệch vòng tròn từ 5-7m. Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường quán tính và hệ thống định vị GLONASS.

Không chỉ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó đoán trước được đường bay, tên lửa Iskander còn được áp dụng công nghệ tàng hình plasma cho phép nó xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại.

Theo Theo RIA Novosti/Sputnik
MỚI - NÓNG