Nga-Mỹ đồng thuận, nhen nhóm hòa bình cho Syria

Nga-Mỹ đồng thuận, nhen nhóm hòa bình cho Syria
TPO–Cuộc gặp ba bên được chờ đợi ngày hôm qua, 13/9, giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và phái viên Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi thắp lên những tia hy vọng để chấm dứt tình trạng bạo loạn ở Syria.
Từ phải qua: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov; phái viên Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi; Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Từ phải qua: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov; phái viên Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi; Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: News

Truyền thông phương Tây dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry cho biết, các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" về việc kiềm chế và phá hủy vũ khí hóa học của Syria.

Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận, việc Nga công nhận Syria có vũ khí hóa học là một nhượng bộ của Moscow, và tích cực khi đề xuất sáng kiến giải trừ vũ khí hóa học của Syria.

Trước đó, 5 quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã gặp nhau tại New York để thảo luận về các điều khoản của nghị quyết cho vấn đề Syria. Chính phủ Pháp đưa ra một bản dự thảo kêu gọi gửi tối hậu thư cho chính quyền Assad, yêu cầu Syria từ bỏ kho vũ khí hóa học hoặc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Tuần sau, các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc sẽ đệ trình bản báo cáo về những chứng cứ thu thập được tại Syria.

Các nguồn tin cho biết, Mỹ vẫn úp mở khả năng tấn công Syria mà không cần sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc “nếu Syria bất hợp tác”.

Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định, tiến triển trong vấn đề vũ khí hóa học Syria có thể giúp mở đường cho một cuộc quá độ chính trị. “Các đảng phái Syria phải đạt được sự đồng thuận về cơ quan quản lý chuyển tiếp, có quyền điều hành đầy đủ. Và tất cả các nhóm trong xã hội Syria đều phải có đại diện”, theo Rueters.

Đại diện Liên Hợp Quốc về Syria, ông Lakhdar Brahimi cho biết đang cố gắng thuyết phục các bên tổ chức hội nghị có tên Geneva 2. “Việc chúng tôi làm cùng các bạn để cố gắng tổ chức hội nghị Geneva Hai một cách thành công cũng là điều hết sức quan trọng", Brahimi nói.

Hội nghị này liên tục bị trì hoãn do sự hỗn loạn bên trong phe đối lập Syria và bất đồng về việc nước nào sẽ tham gia. Nga tin rằng Iran nên tham gia vào cuộc thảo luận, nhưng Washington phản đối sự tham dự của Tehran vì cho rằng lực lượng của họ đang cố vấn và tiếp tế cho quân đội Syria.

Dự kiến, Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ gặp lại nhau vào ngày 28/9 tới New York, Mỹ. Trong khi đó, RIA Novosti dẫn một nguồn tin giấu tên trong phái đoàn Nga nói tối cùng ngày rằng cuộc thảo luận giữa các ngoại trưởng của Nga và Mỹ vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục trong ngày 14/9 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Nga nhấn mạnh vai trò Liên Hợp Quốc

Ngày hôm qua, 13/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa tuyên bố không cho phép can thiệp quân sự vào Syria mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: RIAN

Phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh SCO tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, ông Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy sáng kiến thiết lập kiểm soát quốc tế đối với các loại vũ khí hóa học Syria.

Theo lời Tổng thống Putin, những nỗ lực ngoại giao gần đây đã tạo điều kiện giảm bớt nguy cơ trực tiếp của chiến dịch quân sự tại Syria.

"Ý nghĩa lớn trong bối cảnh này là thúc đẩy sáng kiến thiết lập kiểm soát quốc tế với vũ khí hóa học ở Syria", Tổng thống Nga nhận định. Ông Putin cũng hoan nghênh quyết định của Syria trở thành một thành viên đủ quyền của Công ước về cấm vũ khí hoá học.

Theo Tổng thống Nga, đây là bước đi quan trọng tiến tới giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria, "khẳng định thái độ nghiêm túc của các đối tác Syria đi theo con đường này”, theo VOR.

Tùng Dương
theo Reuters, VOR, RIA Novosti

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.