Nghi vấn Trung Quốc chế tạo vũ khí lợi hại như tên lửa Kinzhal của Nga

Nghi vấn Trung Quốc chế tạo vũ khí lợi hại như tên lửa Kinzhal của Nga
TPO - Không quân Trung Quốc đã thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo chống hạm trang bị cho các máy bay ném bom H-6K. Về nhiệm vụ và tầm xa hoạt động, vũ khí này giống với tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga.

Hiện chưa có những thông tin chính thức về loại vũ khí mới này. Nhưng theo những thông tin từ hãng The National Interest thì vũ khí này của Trung Quốc có thể được điều chỉnh để giống với một trong những tên lửa đạn đạo loại nhỏ bố trí trên mặt đất, ví dụ như DF-15.

Nga đã tốn chi phí tối thiểu trong điều chỉnh tên lửa Iskander để phóng được từ trên không và sau đó là sự xuất hiện của tên lửa Kinzhal với những đặc tính tốc độ và tầm xa được cải tiến. Còn Trung Quốc cũng có thể tự làm được điều đó, nhà quan sát của tạp chí này, chuyên gia Dave Majumdar cho biết.

Tuy nhiên, khi phóng DF-15 từ trên không lại xuất hiện vấn đề: Tên lửa với chiều dài 10m sẽ nặng hơn 13 tấn. Còn máy ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc có khả năng mang tên lửa này trên không trung, nhưng điều này cần thiết phải cải thiện thân máy bay với các thiết bị chịu lực lớn để có thể mang được vũ khí có khối lượng lớn như vậy.

Mặc dù H-6 là bản copy được cấp phép từ máy bay ném bom Tu-16 của Liên xô từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng vào năm 2011 phiên bản mới nhất H-6K đã được trang bị những động cơ mới, vật liệu tổng hợp composite ở thân, cũng như hệ thống điện tử hiện đại, điều này khiến nó trở thành mối đe dọa không chỉ với chiến hạm mà cả với các căn cứ của Mỹ ở đất liền.

Bán kính hoạt động của H-6K so sánh với các phiên bản trước nó đã tăng thêm 30% và đạt khoảng 2.000 hải lý. Còn động cơ mới D-30 (được biên chế cho cả Mig-31 mang tên lửa Kinzhal của Nga) mặc dù chưa phải là lý tưởng cho máy bay ném bom tầm xa, nhưng từng đó cũng là một sự cải tiến đáng kể so với những thiết bị được bố trí cho H-6 trước đó. Còn cơ bản, H-6K được sản xuất chính như một phương tiện mang tên lửa hành trình.

Theo một giả thuyết khác, vũ khí bí ẩn được Quân đội Trung Quốc thử nghiệm vừa qua có thể là biến thể ở dạng hàng không của tên lửa hành trình CJ-10K mà máy bay chuyên chở nó cũng đã được sản xuất. Đó là loại vũ khí hậu duệ trực tiếp của dòng tên lửa hành trình X-55 từ thời Liên Xô được Trung Quốc mua lại từ Ukraine. Về đến Trung Quốc thì tên lửa này được trang bị những thiết bị mới nhưng bắt chước Tomahawk của Mỹ và Kalibr của Nga.

Hệ thống dẫn đường tích hợp hiện đại cho phép CJ-10K trở thành một vũ khí có độ chính xác cao, thuận lợi cho việc tiêu diệt những mục tiêu nhỏ và di động. Đúng vậy, tên lửa này chuyên thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên mặt đất, nhưng để thay đổi điều này còn là vấn đề kỹ thuật.

Về chính thức, Bắc Kinh không khẳng định việc tiến hành thử nghiệm này, tuy nhiên nếu thông tin tin cậy thì điều này cho thấy Quân đội Trung Quốc đã nhận thêm được một phương tiện để thành lập Khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng đối với nước này. Khi đó, cuộc tấn công đồng loạt vào các tàu sân bay của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo từ mặt đất, tàu ngầm, hay trên không là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ, chuyên gia Majumdar kết luận.

Theo RG
MỚI - NÓNG