Người làm căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn

Ông Trần Văn Lai về khui lại căn hầm sau ngày giải phóng. Ảnh: Tư liệu.
Ông Trần Văn Lai về khui lại căn hầm sau ngày giải phóng. Ảnh: Tư liệu.
TP - Căn hầm bí mật nằm tại số nhà 287/68-70-72 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM giờ là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Ít ai biết căn hầm này đã từng che chở cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, là hầm vũ khí, che giấu cán bộ tham gia trận đánh vào Dinh Độc lập rạng sáng mùng 2 tết Mậu Thân...

Trong những ngày cả nước hân hoan mừng 40 năm non sông thống nhất, chúng tôi gặp lại Đại tá Trần Minh Sơn, chiến sĩ biệt động Sài Gòn của cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Ông cũng là người bạn chiến đấu với đồng chí Trần Văn Lai, tức Mai Hồng Quế hay Năm Lai - Đại đội phó chỉ huy tấn công Dinh Độc lập, người làm nên căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn.

Xuất thân từ một gia đình nông dân ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, năm 16 tuổi, Năm Lai theo đoàn mộ phu vào Nam Kỳ làm cao su rồi giác ngộ cách mạng và trở thành chiến sĩ tình báo nằm vùng trong lòng địch sau Hiệp định Geneve năm 1954. Để tạo điều kiện cho anh Năm Lai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp cho anh bước vào giới tư sản Sài Gòn lúc bấy giờ thông qua cuộc hôn nhân với Phạm Thị Phan Chính - một chiến sĩ tình báo.

Năm Lai nhanh chóng trở thành nhà thầu khoán nổi tiếng trong vai Mai Hồng Quế lừng danh. Ông từng phục chế ngai vàng cho Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và được nhận  thầu xây dựng chuyên cung cấp nội thất cho Dinh Độc lập và làm ở phòng nội dịch Phủ Tổng thống.

Năm 1964, sau khi Phạm Thị Phan Chính, người vợ, người đồng đội của mình hy sinh, ông lập gia đình với bà Đặng Thị Thiệp, một chiến sĩ biệt động để tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn. Thời điểm này, vợ chồng ông bỏ tiền riêng để mua 3 căn nhà trên đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và xây dựng hầm bí mật ngay trong nhà để chứa vũ khí và làm nơi hoạt động của Biệt động Sài Gòn.

Người làm căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn ảnh 1

Gia đình ông Trần Văn Lai nhận bằng Di tích lịch sử tấn công Dinh Độc Lập tại Dinh Thống Nhất năm 1989. Ảnh: Tư liệu.

Trong suốt một năm, hai vợ chồng ông đã tự tay đào và xây dựng, làm đường cống thoát hiểm và ống thở ngụy trang trong cột tường nhà. Họ đã hoàn thành căn hầm bí mật có sức chứa hơn 3 tấn vũ khí với lỗ thông hơi, nắp hầm bên trên nền nhà. Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ. Bằng nhiều biện pháp sáng tạo, căn hầm đã trở thành nơi cất giấu vũ khí có một không hai của vợ chồng Năm Lai.

“Các loại vũ khí như B40, B41, súng đạn, thuốc nổ TNT, C4… được giấu vào các tấm ván rỗng bên trong. Sau đó, chúng được nêm bằng gạo để tránh tiếng động, hay ngụy trang cất giấu vũ khí trong các sọt hoa quả. Hơn 3 tấn vũ khí đã được cất giấu an toàn trong hầm bí mật giữa lòng đô thị Sài Gòn như vậy”- Đại tá Sơn kể lại.

Ngày 28 Tết Mậu Thân, tất cả 17 đồng chí trong Đội 5 nhận lệnh từ Tây Ninh vào Sài Gòn tập kết tại nhà của đồng chí Năm Lai để chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Khi tới nhà Năm Lai nhiều người bất ngờ vì biết mình đang sống trên căn hầm bí mật với hơn 3 tấn vũ khí ở dưới.

Ban ngày mọi người vẫn hoạt động bình thường, nhưng ban đêm là lúc học chính trị và chuẩn bị vũ khí. Người thì lau súng đạn, người làm bộc phá. Sau 2 ngày đêm chuẩn bị, đến 18 giờ mùng Một Tết cả đội nhận chỉ thị tấn công Dinh Độc lập và nhất trí phương án tấn công cảm tử khi sử dụng hai chiếc xe ôtô của đồng chí Năm Lai, mỗi xe chở một thùng thuốc nổ một tấn cùng 9 đồng chí. Hộ tống theo hai xe là 3 xe máy mỗi xe 2 người nhằm mục đích nếu địch phát hiện bắn chết tài xế thì người ngồi sau sẽ thay thế người cầm lái bằng mọi giá phải tới đích đánh bằng được Phủ Đầu Rồng.

“Lúc đó Dinh Độc lập được bảo vệ bởi 2 Lữ đoàn, với 4.000 quân do Trung tá Rồng chỉ huy. Còn bên ta có 17 người, nhưng theo chỉ đạo của cấp trên vẫn quyết đánh” - Đại tá Trần Minh Sơn nhớ lại.       

Có những kỷ vật, ông Bình bỏ tiền ra mua lại như chiếc xe hay bộ quân phục lính cộng hòa, thậm chí là 2 ngôi nhà mà trong 3 căn nhà sau trận đánh tết Mậu Thân mà chính quyền Ngụy phát mãi cho người dân. “Tôi phải mua lại để rồi cùng các cô, chú đồng đội của ba mẹ sửa chữa từng kỷ vật và phục dựng nguyên trạng thái ban đầu”.

Ông Bình cho biết

Tiếp cận Dinh Độc lập từ cửa sau, đoàn xe vấp phải bức tường hỏa lực địch do chiếc xe đầu bị phát hiện khi khối thuốc nổ trục trặc không phát nổ. Ngay phút đầu tấn công, Chỉ huy trưởng Hoàng Trọng Thanh bị thương nặng và chiếc xe chở thùng bộc phá bị xẹp lốp. Sau gần một tiếng cầm cự, Đội 5 đã hy sinh 7 người và chỉ còn 8 người chiến đấu. Khi trời sáng, 8 chiến sĩ đã khống chế Dinh Độc Lập được hơn 6 tiếng nhưng do quân tiếp viện của ta không đến kịp nên đồng chí Năm Lai cùng Đội 5 rút về chiếm tòa nhà ở 65 Thủ Khoa Huân ở quận 1 để chống trả địch. Cầm cự tới gần tối, đạn đã hết, lực lượng bảo vệ Dinh được huy động bao vây ngôi nhà và ập vào bắt sống toàn bộ chiến sĩ. Sau khi bị bắt, đồng chí Năm Lai cùng các cả chiến sĩ trong Đội đều sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Tuy nhiên, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã kịp thời can thiệp, nên các chiến sỹ của Đội 5 và đồng chí Trần Văn Lai đã được trả tự do.

Lớp trẻ vẫn thường xuyên tham quan hầm chứa vũ khí để tìm hiểu về một thời đấu tranh oanh liệt của cha ông. Ông Trần Vũ Bình, tức Trần Kiến Xương, hiện là Chánh Văn phòng của Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, là người con thứ 3 của Trần Văn Lai và Đặng Thị Thiệp, vẫn ngày đêm coi sóc chứng tích này.

Người làm căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn ảnh 2

Thiếu nhi TPHCM đến thăm lại căn hầm bí mật trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Tư liệu.

Đến khu Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia này, nhiều khách tham quan ngạc nhiên khi thấy bức phù điêu trên vách tường trước cửa. Ít ai biết rằng bức phù điêu này do chính tay ông Bình phác họa dựa trên những nhân vật có thật trong trận đánh vào Dinh Độc Lập năm xưa cùng cha ông. Công cuộc phục hồi ngôi nhà di tích ông bắt tay vào làm từ những năm 1997 và được hoàn thành cơ bản đầy đủ vào năm 2005. Ông Bình còn trăn trở vì nhiều hiện vật, kỷ vật của cha, chú, những người đã gắn bó với ngôi nhà của mình từ cuộc chiến Mậu Thân tới nay vẫn đang thất lạc. “Mình có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những cái gì cha, chú mình đã vì nó mà đổ bao xương máu” - ông Bình đau đáu.

Đại tá Trần Minh Sơn cho biết, bản thân gia đình đồng chí Năm Lai đã dùng 800 lượng vàng của riêng để mua nhà làm cơ sở cho hoạt động cách mạng. Cả gia đình còn phải chịu đựng nguy hiểm trong việc bảo quản kho vũ khí cũng như những rủi ro khi phải sống trên 3 tấn vũ khí và thuốc nổ. “Công lao của anh Lai và chị Thiệp cùng gia đình đối với trận đánh Mậu Thân và các chiến công của Biệt động Sài gòn là rất to lớn”- đại tá Sơn nói. Theo ông, hiện anh Năm Lai đã được xét công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vì vậy cũng nên xem xét công nhận cho đồng chí Đặng Thị Thiệp như thế… 

MỚI - NÓNG