Người lính già và ký ức Tháng Tư

Ban Tham mưu Trung đoàn 88 chụp ảnh lưu niệm ngày 28/4/1975 tại Cần Giuộc, Long An (Thiếu tướng Thổ đứng hàng trên, thứ hai từ phải sang)
Ban Tham mưu Trung đoàn 88 chụp ảnh lưu niệm ngày 28/4/1975 tại Cần Giuộc, Long An (Thiếu tướng Thổ đứng hàng trên, thứ hai từ phải sang)
TP - Ở tuổi 73, trong ký ức của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ- nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 vẫn tươi rói những hình ảnh của những ngày tháng Tư lịch sử. Ông là một trong những người trực tiếp tham gia những trận đánh cuối cùng làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.   

Ruột thịt với miền Nam

Nhập ngũ ngày 30/9/1966, sau khi được huấn luyện vào cánh đồng Chum (Hạ Lào), trở thành lính của Sư đoàn 320, rồi sau đó ông được điều động về Sư đoàn 308, vốn là Đại đoàn quân tiên phong oai hùng của quân đội ta. Với ông, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất trong cuộc đời binh nghiệp.

Tướng Thổ hồi tưởng, ngày ấy, lực lượng tổng tiến công của ta gồm 5 cánh quân đánh chiếm các cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn. Khi đó, ông là Tham mưu phó, Trưởng ban Tác chiến cánh quân thứ 5 với nhiệm vụ đánh vu hồi từ Gò Công, hợp cùng các cánh quân khác giải phóng Sài Gòn. Tướng Thổ nhớ, ngày 30/3/1975, ông đang tập huấn tại Bộ Tham mưu Quân khu 8 thì được Trung đoàn 88 gọi về chuẩn bị chiến đấu.

Theo kế hoạch, lực lượng phải hành quân từ huyện Chợ Gạo, Châu Thành (Tiền Giang) vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ở huyện Tân Trụ, Cần Giuộc (Long An) đến Bình Chánh, vào cầu Chữ Y và đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát cùng Khu vực kho xăng Nhà Bè - Sài Gòn. Ông và đồng đội phải tiêu diệt mục tiêu thần tốc và hạn chế đến mức thấp nhất thương vong. Quân ta lần lượt hạ từng đồn bót, kịp tiến về Sài Gòn.

Người lính già và ký ức Tháng Tư ảnh 1 Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ 

Đến 3 giờ sáng ngày 29/4, Tiểu đoàn 3 của ông báo cáo toàn bộ địch ở đồn cầu Ông Thìn đã tháo chạy. Sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 88 làm chủ toàn bộ đoạn đường từ cầu Ông Thìn đến Nam huyện Bình Chánh, chuẩn bị đánh vào khu vực cầu Chữ Y. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Đài Phát thanh Sài Gòn đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, ông và đồng đội trào nước mắt, vỡ òa trong hạnh phúc. Lần lượt, từng khoảnh khắc qua từng trận đánh, từng con người, từng địa điểm lần lượt như tuôn ra qua hồi ức của mình.

Tướng Thổ kể, 8 giờ sáng ngày 20/4/1975, ông đưa Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm Cỏ Tây (đoạn Thanh Phú Long sang Nhựt Ninh) để kịp đánh vào Chi khu Tân Trụ - vị trí quan trọng phía Nam Sài Gòn. Nhận được lệnh, ông không khỏi lo ngại vì khúc sông này rộng, lại có đến 13 tàu chiến của địch cách nơi bộ đội vượt sông chỉ 2km. Do đó, các chiến sĩ phải có sự trợ giúp từ địa phương. Chỉ trong 30 phút, cán bộ địa phương huy động được đến 20 ghe máy loại lớn (mỗi chiếc chở được 40 người với đầy đủ trang bị) cùng gần 400 người, trong đó có cả thiếu nhi làm công tác binh vận vô hiệu hóa thuyền chiến của địch. Nhờ vậy, Tiểu đoàn 1 cùng các đại đội trực thuộc (khoảng 600 người) vượt sông thuận lợi.

Lại nhớ, ngày 28/4, trên đường về Sài Gòn, Sở chỉ huy Trung đoàn ở nhờ nhà một má ở Cần Giuộc. Bà má âu yếm nhìn những người lính giải phóng như nhìn mấy đứa con ở xa mới về. “Nhà có mấy con ngỗng, má định làm thịt cho chúng tôi bồi dưỡng, nhưng mấy chị cản, cho là ăn ngỗng… xui nên cả đàn gà hơn 30 con, má dành hết cho anh em lấy thêm sức chiến đấu”, ông hồi tưởng.

“Tám” Thổ của má!

Kể về những bà má ở khu 8 nuôi bộ đội những năm kháng chiến, ông Thổ nghẹn ngào như đang kể về mẹ ruột của mình. Ông thao thao bất tuyệt về má Bảy hay tiếp tế cho bộ đội ở Củ Chi, TPHCM. Cuối năm 1968, má bị buộc chuyển vào sống trong vùng địch. Dù má cũng không đủ ăn nhưng trước khi đi, má chôn một lu lương thực gồm mì gói, đường và cá muối cho bộ đội. Người mà ông nhớ nhất là má Tư Bún ở Tiền Giang, người nhận ông làm con nuôi và đặt cho ông “thứ Tám”, cái danh xưng thân thương đặc trưng Nam bộ. Bởi, con của má là liệt sĩ Tám Phước đã hy sinh. Thế nên, ông còn được gọi là anh “Tám Thổ”.

“Cuối tháng 4/1975, khi tiểu đoàn được lệnh về Sài Gòn gấp tham gia chiến dịch, nhà nghèo lắm mà má bán 40 giạ lúa, gửi chúng tôi lên đường. Má còn dặn lỡ đứa nào bị thương thì về ở với má”, ông nghẹn ngào. Rồi ông nhớ mấy ngày hành quân từ Gò Công về Sài Gòn, đi đến đâu cũng vậy, hai bên đường, dân để sẵn nước, thậm chí chặt dừa cho bộ đội uống; có người còn lấy xe đạp, xe máy chở những người đuối sức. Họ dù không quen mà như ruột thịt. Bởi vì, họ cùng chung ước vọng đất nước hòa bình, gửi trao niềm tin cho đoàn quân giải phóng. Đó là động lực để các anh giữ trọn niềm tin quyết thắng.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, sinh ra trên đất Bắc nhưng gắn cuộc đời binh nghiệp với đất phương Nam, từng vào sinh ra tử, oai hùng ngoài chiến trận, vậy mà mỗi lần nhắc đến những bà mẹ quê Nam bộ lại xúc động rưng rưng. 44 năm trôi qua, đồng đội của ông có người còn, người mất, có người chưa tìm được hài cốt. Tài sản quý nhất của vị tướng tuổi xế chiều không phải là những huân, huy chương mà chính là ký ức về tình đồng đội, tấm lòng của những người má, người chị đã cưu mang ông trong những năm dài chinh chiến. Đây là sức mạnh vô hình, góp phần làm nên chiến công 30/4 lịch sử. Giờ đây, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn muốn tri ân cuộc đời khi còn minh mẫn, đủ sức khỏe. Với cương vị Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM, ông vẫn miệt mài đấu tranh giành công bằng cho những người nhiễm chất độc do quân đội Mỹ gieo rắc. Ông cũng ấp ủ kế hoạch thành lập Hội Nạn nhân bom, mìn, những người chịu hậu quả của cuộc chiến năm xưa.

Ký ức còn mãi

Ông cũng nhớ như in cả những câu chuyện lúc đơn vị mình đặt chân tới cửa ngõ Sài Gòn. Những ngày cuối tháng 4/1975 đơn vị của ông được lệnh tiến về Sài Gòn, lúc này các cánh quân ta đánh “tốc chiến, tốc thắng” nên các mục tiêu được xác định và bao vây rất nhanh chóng, trong đó có nơi bị tan rã, có nơi chống trả quyết liệt. Nhưng cũng có nơi ở trong thế dùng dằng như một cứ điểm tại Cần Giuộc (Long An). “Khi đó chúng tôi tiến hành bao vây nơi này nhưng cả hai bên đều chưa nổ súng. Nghĩ rằng trận chiến sẽ rất cam go nên tôi cho anh em nấu cơm, chuẩn bị. Nhưng khi vừa nhóm lửa thì có tiếng loa ở trong cứ điểm vọng ra nói, chúng tôi nấu cơm thì nên… tránh để khói bay ra nhiều nếu không sẽ tự làm mục tiêu cho phi pháo. Sau này tôi mới biết là khi đó những người lính bên trong họ cũng không muốn chiến đấu, bởi rất muốn buông súng đầu hàng, trở về với gia đình càng nhanh càng tốt”, ông kể.

Bên cạnh những câu chuyện xúc động về tình người, tình đồng đội, đôi khi ông cũng bật cười khi gặp phải những tình huống cho thấy hình ảnh của mình đã bị “bóp méo” đến… buồn cười. Hôm đó là ngày 30/4, ông cùng đơn vị tiến vào Sài Gòn, lúc này đa số binh lính đã đầu hàng, tuy nhiên để chắc chắn đơn vị vẫn phải chia nhau để đi vào từng nhà kiểm tra. Lúc này, các nhà ở khu Nhà Bè gần như chỉ có phụ nữ và trẻ em ở lại.

Tại một căn nhà, ông đã tìm được bốn cô gái đang run lẩy bẩy, trốn trong… gầm giường. Ông phải trấn an một hồi thì những cô gái này mới dám bò ra và ngập ngừng nói rằng họ làm vậy là vì sợ khi bắt được sẽ bị “rút móng tay”. Tuy nhiên, cảm giác sợ sệt liền tan biến ngay sau đó. Trước sự chân thành của các “chú giải phóng” chính những cô gái này đã nấu cơm để đơn vị ông ăn và tiếp tục lên đường. Cảm động nhất đối với ông lại là chuyện một số cụ già ở khu vực Nhà Bè, sau giây phút sợ sệt đã tiến lại và kéo tay áo của ông lên rồi nói lớn: “Lính giải phóng tụi bay cũng trắng trẻo chứ có lông lá gì đâu”, Tướng Thổ nheo mắt nhớ lại.

Tháo dỡ cả tủ thờ để che công sự cho bộ đội

Vị tướng cũng không quên những người dân ở Long An đã chấp nhận tháo dỡ cả tủ thờ để lấy gỗ làm mái che cho những hầm hào, công sự. Ngay cả vật thiêng liêng, quý báu đó mọi người cũng không tiếc vì ý nghĩ tới đây đất nước sẽ không còn chia cắt, cảnh bom đạn sẽ không còn. 

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.