Nhà tạo mẫu Chanel bị nghi là mật thám phát xít Đức

Nhà thiết kế thời trang Gabrielle "Coco" Chanel. Ảnh: AP.
Nhà thiết kế thời trang Gabrielle "Coco" Chanel. Ảnh: AP.
Nhiều tài liệu mật từ Thế Chiến II cho thấy rất có thể nhà thiết kế thời trang huyền thoại Coco Chanel từng là điệp viên hoặc tình nhân của quan chức phát xít Đức.

Theo AP, trong tài liệu mật lưu trữ từ Thế Chiến II mà các nhà sử học Pháp công bố hôm 16/3 có thông tin về các hoạt động ngầm của hai phía Đức Quốc xã và Pháp, với hàng nghìn điệp viên hoạt động riêng lẻ, bao gồm cả những người nổi tiếng như nhà thiết kế thời trang huyền thoại Coco Chanel.

Hầu hết thư từ, báo cáo, điện báo và hình ảnh chưa từng được công bố này là của các cơ quan tình báo đối thủ của phong trào Kháng chiến Pháp (French Resistance), như chính phủ Vichy (hợp tác với phe Trục phát xít từ tháng 7/1940 đến tháng 8/1944 trong Thế Chiến II) hay chính phủ Đức. 

Những tài liệu này lưu trữ nhiều năm tại nhà kho một lâu đài ở Vincennes, phía đông Paris, mới được các nhà sử học khám phá gần đây.

Đây là những tài liệu chi tiết về hoạt động của các điệp viên Đức săn lùng thành viên của quân Kháng chiến Pháp, các hoạt động bí mật của chính quyền tướng Charles De Gaulle tại London và những nỗ lực theo dõi tội phạm chiến tranh.

Cơ quan mật vụ Pháp thời đó cũng sở hữu tài liệu về những người nổi tiếng mà họ nghi ngờ. Trong các tài liệu về Coco Chanel có một bản ghi chú viết tại Paris vào tháng 11/1944.

"Một nguồn tin ở Madrid báo cho chúng tôi rằng bà Chanel là tình nhân và là điệp viên dưới quyền Baron Guenter von Dinklage. Dinklage từng là tùy viên đại sứ quán Đức năm 1935. Ôn ta làm việc với tư cách là một tuyên truyền viên và chúng tôi nghi ngờ đây là một điệp viên Đức", tài liệu viết.

Nhà tạo mẫu Chanel bị nghi là mật thám phát xít Đức ảnh 1

Bản ghi chú năm 1944. Ảnh: AP.

Theo Frederic Queguineur, phụ trách lưu trữ các tài liệu mật, những thông tin này cho thấy Chanel được ghi nhận là một đặc vụ của tổ chức tình báo Đức Quốc xã, bí danh là Abwehr.

"Nhìn từ góc độ người Đức, họ có tên bà trong danh sách, nghĩa là rất có khả năng Chanel là một nguồn tin làm việc cho họ. Tuy nhiên, về phía Chanel, chúng tôi không chắc bà có thật sự nhận thức được điều đó không”, Queguineur nói.

Thực hiện quyết định của chính phủ Pháp năm 1999, hàng trăm hộp tài liệu đã được đưa tới kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng mà không có hệ thống giải mật. Đây là thủ thuật để không một quốc gia nước ngoài nào có thể dễ dàng tiếp cận được các tài liệu mật.

Trong số này bao gồm cả các tài liệu của Đức bị Pháp thu giữ sau khi kết thúc chiến tranh và hàng nghìn hồ sơ cá nhân các thành viên của quân Kháng chiến Pháp cùng hồ sơ của các cộng tác viên bị nghi ngờ. Tới nay mới chỉ một nửa số tài liệu lưu trữ đó được kiểm kê.

Sau khi các tài liệu này được giám định, chúng sẽ được trưng bày cho công chúng tiếp cận ở lâu đài Chateau de Vincennes, trong thị trấn Vincennes, Pháp.

Sử gia Thomas Fontaine nhấn mạnh rằng lịch sử rất phức tạp, không thể phân chia rạch ròi ai là kẻ phản bội, ai là người kháng chiến. Ông lấy ví dụ về lãnh đạo một nhóm kháng chiến địa phương Pháp sau này phục vụ cho phía Đức.

"Trong các tài liệu của Gestapo (lực lượng cảnh sát bí mật của tổ chức vũ trang Schutzstaffel – SS do Đức quốc xã lập nên) đều cho thấy lực lượng này đã bắt cóc vợ và con gái người lãnh đạo, gây sức ép buộc ông ta phải khai", Fontaine nói.

Trong những tài liệu mật mới được công bố này còn có rất nhiều ghi chú cung cấp thông tin cá nhân về những người tham gia vào các hoạt động của Pháp hoặc Đức.

Ví dụ, đơn vị tình báo của Tướng De Gaulle đã ghi chú về ca sĩ kiêm vũ công gốc Mỹ Josephine Baker, người đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng giải phóng nước Pháp (Free French) của ông. Ghi chú viết "cô có những cống hiến to lớn, hoàn toàn không vị kỷ, với một tinh thần sôi nổi, mạnh mẽ".

Nhà tạo mẫu Chanel bị nghi là mật thám phát xít Đức ảnh 2

Phòng chứa hồ sơ từ Thế Chiến II của cơ quan lưu trữ bí mật Pháp. Ảnh: AP.

Nhiều thành viên của Kháng chiến Pháp đã kể lại câu chuyện của họ cho cơ quan tình báo sau khi chiến tranh kết thúc. Sử gia Sebastien Albertelli đang bắt đầu nghiên cứu về khoảng 600 phụ nữ phục vụ trong quân đội tướng De Gaulle.

Ngoài ra còn có một số tài liệu mang tính riêng tư như thư tay của Genevieve, cháu gái tướng De Gaulle gửi cho "chú Charles thân yêu" để xin lời khuyên vào tháng 5/1943.

Tuy nhiên, các nhà sử học ghi nhận rằng một số tài liệu không đầy đủ, một số đã bị tẩy xóa để giữ những bí mật nhất định, trong đó có hồ sơ của cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, người đã phục vụ dưới chế độ Vichy trước khi tham gia quân Kháng chiến.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG