Nhật Bản có quyền đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu Guam bị tấn công?

TPO - Trong khi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu xuống thang, các chuyên gia Nhật Bản vẫn còn băn khoăn, liệu Tokyo có đủ căn cứ pháp lý để đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng nếu đảo Guam bị tấn công như Bộ trưởng Quốc phòng Itunori Onodera tuyên bố trước đó.

So với tuần trước, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã “hạ nhiệt” hơn sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hoãn quyết định tấn công đảo Guam của Mỹ. Dù vậy, Mỹ và các nước đồng minh vẫn không hề chủ quan.

Ở Nhật Bản, vấn đề được quan tâm nhất vẫn là tuyên bố sẽ đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng tấn công Guam nếu có ảnh hưởng đến lãnh thổ Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Itunori Onodera.

Hai câu hỏi lớn được đặt ra: Hệ thống phòng thủ của Tokyo có khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên và Nhật Bản đủ cơ sở pháp lý để làm điều đó?

Trong khi, nhiều ý kiến trái chiều về năng lực phòng thủ trong nước, tất cả chuyên gia Nhật Bản đều thống nhất quan điểm, “đất nước Mặt trời mọc” không được phép tấn công tên lửa tới Guam theo góc độ pháp lý.

Nhật Bản có quyền đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu Guam bị tấn công? ảnh 1 Đội tàu chiến của hải quân Nhật Bản.

Thiếu cơ sở pháp lý

Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản ghi rõ: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực”.

Theo The Japan Times, Hiến pháp Nhật Bản sau chiến tranh được giải thích, nhiệm vụ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) bị hạn chế nghiêm ngặt chỉ để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, cấm sử dụng quyền tự vệ tập thể theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Được biết, pháp luật quốc tế cho phép một quốc gia tấn công nước thứ 3 gây tổn hại cho nước đồng minh ngay cả khi nước đó không bị đe dọa.

Tuy nhiên, năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giải thích lại, mặc dù tuyên bố từ bỏ xung đột theo Điều 9 Hiến pháp, Tokyo vẫn có thể sử dụng một phần quyền tự vệ tập thể nếu “sự tồn vong” của đất nước bị đe dọa.

Cụ thể hơn, theo lập luận của ông Abe, Nhật Bản chỉ được phép sử dụng quyền trên nếu “quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người bị xâm phạm”.

Dựa trên căn cứ đó, luật sư Masahiro Sakata, từng giữ chức vụ Trưởng Văn phòng Pháp chế Nội các Nhật Bản, bác bỏ tuyên bố Tokyo đánh chặn tên lửa Triều Tiên đến Guam là hợp pháp như người đứng đầu Bộ Quốc phòng nước này khẳng định.

Ông Sakata chỉ ra, chính phủ được quyền sử dụng quyền tự vệ tập thể chỉ khi vụ tấn công tiềm năng của Bình Nhưỡng gây ra mối nguy hiểm “khủng khiếp” đến Nhật Bản.

“Tình huống như vậy là không thể xảy ra nếu Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuống biển gần Guam, cho dù các căn cứ quân sự của Mỹ bị phá hủy một phần”, ông Sakata nói.

Vị luật sư dẫn chứng thêm, theo luật quốc tế, một quốc gia chỉ được phép sử dụng quyền tự vệ tập thể khi nước đồng minh, chỉ Mỹ, tuyên bố sử dụng quyền tự vệ cá nhân, đồng thời yêu cầu giúp đỡ từ Nhật Bản.

“Tự Nhật Bản không thể chủ động bắn hạ tên lửa của Triều Tiên (đến Guam) trừ khi Mỹ yêu cầu giúp đỡ…”, ông Sakata kết luận.

Đồng quan điểm với ông Sakata, Phó Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản về hưu, ông Yoji Koda, tuyên bố trên The Japan Times: “Không có cơ sở hoặc ý nghĩa nào trong việc bắn hạ tên lửa đó. SDF sẽ giám sát và đánh chặn chúng chỉ khi chúng rơi vào lãnh thổ Nhật Bản”.

Ông Koda còn đánh giá, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ triển khai trên đảo Guam uy lực và “mức độ sẵn sàng” cao hơn hai hệ thống phòng thủ hiện có của Nhật Bản, Aegis và Patriot Advanced Capability 3 (PAC-3). “Vì vậy, Nhật Bản sẽ không cần phải giúp đỡ Mỹ”, theo cựu chỉ huy tàu chiến.

Nhật Bản có quyền đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu Guam bị tấn công? ảnh 2 THAAD với khả năng đánh chặn tên lửa đạt tỷ lệ thành công 100% trên đảo Guam hiệu quả hơn các hệ thống phòng thủ của Nhật Bản.

Vẫn tồn tại khả năng trong thực tế

Nhật Bản hiện đang có cấu trúc phòng thủ tên lửa đạn đạo, gồm 4 Hệ thống Chiến đấu Aegis với tên lửa đánh chặn SM-3 được triển khai trên các tàu khu trục và hệ thống tên lửa PAC-3 trên mặt đất.

Xét về tính năng, PAC-3 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong “giai đoạn đầu cuối”, hoặc khoảng thời gian ngắn trước khi nó đạt được mục tiêu trên mặt đất. Vì vậy, bất kỳ tên lửa đạn đạo nào của Bình Nhưỡng bay cao qua Nhật Bản trên hành trình đến Guam thuộc nhiệm vụ của tên lửa SM-3.

Nhật Bản có quyền đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu Guam bị tấn công? ảnh 3 Tàu khu trục Aegis lớp Kongo bắn thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3.

Dù đồng ý nhận định Tokyo không có quyền bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhắm đến Guam trong giả định, ông Koda vẫn nêu lên giả thuyết, Mỹ có thể cần sự giúp đỡ từ các tàu khu trục Aegis của SDF để đối phó với mối đe dọa tiềm năng từ Bình Nhưỡng.

“Về mặt chính trị, bạn không nên từ chối bất kỳ lựa chọn nào vi không ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra”, cựu chỉ huy tàu chiến lập luận.

Ông ví dụ, nếu Triều Tiên kích hoạt một thiết bị hạt nhân trên bầu trời gần hoặc trên Guam, vụ nổ điện từ sẽ làm cho liên lạc điện tử nhiễu loạn trong phạm vi hàng trăm cây số từ tâm nổ. Cụ thể hơn là gây gián đoạn các thiết bị điện tử như máy tính, cảm biến và hệ thống liên lạc.

Nếu tất cả các tàu Aegis của Mỹ đóng quân gần Guam đều không thể hoạt động được, Mỹ sẽ cần sự giúp đỡ từ các tàu khu trục Aegis Nhật Bản để chống lại tên lửa đạn đạo Triều Tiên, theo Koda.

"Trong trường hợp này, tình huống như vậy chắc chắn sẽ không xảy ra. Nhưng theo chính trị, (Nhật Bản) nên giữ lại một số lựa chọn, gồm sử dụng quyền tự vệ tập thể để giúp Mỹ”, ông Koda gợi ý.

Nhật Bản có quyền đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu Guam bị tấn công? ảnh 4 Bên trong Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam.

Theo ông Koda, Guam có Căn cứ Không quân Andersen, nơi các máy bay ném bom hạng nặng B-1B được huy động bay qua Bán đảo Triều Tiên, và Căn cứ Hải quân Guam với tàu ngầm tấn công nhanh.

Nếu các căn cứ này bị tê liệt nghiêm trọng, năng lực phòng vệ của quân đội Mỹ sẽ giảm đáng kể và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh Nhật Bản.

Theo Theo The Japan Times
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.