“Như cá với nước” là đây!

Cán bộ Ðồn Biên phòng Ea H’Leo thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ mẹ con chị Sách. Ảnh: N.B.
Cán bộ Ðồn Biên phòng Ea H’Leo thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ mẹ con chị Sách. Ảnh: N.B.
TP - Mỗi khi về với dân, hành trang của những người lính biên phòng ở huyện biên giới Ea Súp (tỉnh Ðắk Lắk) chính là sự nhiệt huyết, thiết thực. Ðổi lại, họ nhận được món quà vô giá là sự tin tưởng, yêu quý của người dân.

Cuộc sống đỡ vất vả hơn nhờ… biên phòng

Giữa cái nắng khô khốc ở Tây Nguyên, chúng tôi theo chân những người lính Đồn Biên phòng Ea H’Leo (Đắk Lắk) tới ngôi nhà nhỏ nằm chơ vơ, lạc lõng ở thôn Đai, xã Ia Lốp. Chị Lang Thị Sách, chủ nhân ngôi nhà đang loay hoay đổ từng chậu đất xuống nền nhà rồi gạt phẳng ra tưới nước lên. Thấy những người lính biên phòng, chị nhoẻn miệng cười, nói đang vá nền nhà, rồi chị đi lấy chiếu trải lên chiếc phản mời mọi người ngồi.

Như đã rất thân thuộc, những người lính biên phòng Ea H’Leo đi xem xét toàn bộ ngôi nhà, đánh giá mức độ hư hỏng của nền nhà. Trung úy Trần Thế Mạnh cùng đồng đội cầm chiếc đầm rồi đầm chặt xuống nền nhà. Chị Sách và con gái trở thành người phụ giúp. Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó đồn Ea H’Leo quyết nhanh: “Hôm nay đầm cho nền nhà cứng lại. Mấy hôm nữa, anh em về đơn vị mang xi măng xuống đây láng lại toàn bộ nền nhà cho chị, như thế nhà mới sạch sẽ được”.

Chị Sách có lẽ là một trong những người cùng khổ nhất ở Ia Lốp. Chị là người dân tộc Thái, từ vùng quê Thanh Hóa vào đây sinh sống từ năm 2004. Khi con gái lớn mới được 1 tuổi, chồng bỏ đi biệt tích khi chị đang mang thai đứa con trai út. Ba mẹ con chị quấn túm nhau mà sống, bằng số tiền công 2 triệu đồng đi làm thuê mỗi tháng của chị. Đến nay, con gái chị đã học lớp 4, cháu trai vào lớp 2. 

“Từ đầu năm 2015, các chú biên phòng nhận đỡ đầu con bé lớn. Hằng tháng các chú gửi tặng 500 nghìn đồng để mua sách vở, đồ ăn, lại còn tặng cho xe đạp nữa. Nhờ vậy, cuộc sống của mẹ con tôi đã đỡ vất vả hơn nhiều. Đó cũng là động lực để tôi gắng gượng từng ngày nuôi các con khôn lớn”, chị Sách tâm sự.

3 bám, 4 cùng

Nói về việc thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” ở địa bàn, đại úy Phạm Văn Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi coi việc đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, thực hiện các hoạt động hướng về người dân vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng vừa là trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người lính biên phòng. Nụ cười của người dân là niềm hạnh phúc của chúng tôi”.

Với tâm niệm đó, những năm qua, Đồn Biên phòng Ea H’Leo đã triển khai rất nhiều hoạt động giúp đỡ nhân dân trên địa bàn. Hiện tại, đơn vị đã triển khai được 2 mô hình giúp dân phát triển kinh tế: mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ và mô hình trồng “đa cây, đa canh” phát triển đa dạng vườn cây ăn trái. Hiện 2 mô hình này phát triển có hiệu quả và đang được nhân rộng sang nhiều hộ gia đình khác. Đồng thời, các chiến sĩ biên phòng còn tổ chức lớp học xóa mù chữ cho những người nông dân lam lũ ở vùng đất biên cương khó khăn này.

Cùng với đó, thực hiện chương trình  “Nâng bước em tới trường”, đơn vị đã nhận đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồn Ea H’Leo cũng vận động một doanh nghiệp nhận đỡ đầu 2 học sinh nghèo khác trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện hiệu quả mô hình “Hũ gạo tình thương”. Hằng tháng, các anh trích từ bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ trên 20kg gạo để hỗ trợ cho các cháu học sinh nghèo.

Không chỉ vậy, Đồn Biên phòng Ea H’Leo còn thường xuyên quan tâm, bố trí cán bộ, chiến sĩ giúp hàng trăm ngày công lao động, tổ chức cho quân y phối hợp trạm y tế xã đến tận nhà khám cấp phát thuốc chữa bệnh, tổ chức sửa chữa nhà cửa thu hoạch nông sản giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đơn vị đã vận động mọi nguồn lực tổ chức gói hơn 1.000 chiếc bánh chưng, tặng quà cho gia đình chính sách, người già neo đơn, gia đình đặc biệt khó khăn, các cháu học sinh nghèo với giá trị hơn 35 triệu đồng…

Ông Ðăng Hoàng Long, một trong những người dân nhận được sự giúp đỡ thường xuyên của Ðồn Biên phòng Ea H’Leo tâm sự: “Ở vùng đất này, Bộ đội Biên phòng như là điểm tựa cho chúng tôi vậy. Có thể nhìn thấy dấu ấn của các anh ở các công trình dân sinh, các mô hình phát triển kinh tế xã hội, giúp người dân và trẻ em xóa mù chữ, từng bước thoát nghèo…”. 
MỚI - NÓNG