Những ngôi sao quyết thắng

TP - Lễ trao Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2016 diễn ra ngày 23/3 vinh danh 22 điển hình trẻ xuất sắc, đại diện cho hàng vạn ĐVTN trong toàn quân. Đây là những tấm gương sáng về nghị lực phấn đấu, cống hiến trên nhiều lĩnh vực công tác.

Nữ thợ mủ cao su có “bàn tay vàng”     

Sinh ra và lớn lên ở miền quê Thạch Thành, Thanh Hóa, học hết phổ thông, Đinh Thị Huệ (SN 1985) ở nhà phụ giúp cha mẹ làm kinh tế. Năm 2005, Huệ theo bạn bè vào Tây Nguyên lập nghiệp và tự nguyện xin vào làm công nhân tại Đội 4, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 thuộc Binh đoàn 15. Ngày đầu đặt chân đến đơn vị, những gian nan vất vả ở vùng đất hoang sơ, nghèo nàn cùng những tàn tích chất độc hóa học, bom mìn chiến tranh như thử thách nghị lực của của cô gái dân tộc Mường này. Trong khi nhiều bạn bè bỏ về quê vì không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt cùng những thiếu thốn vật chất, Huệ đã quyết tâm gắn bó với mảnh đất này.

Những ngôi sao quyết thắng ảnh 1

Chị Đinh Thị Huê.

Được nhận khoán 5,5 ha cao su, Huệ chịu khó học hỏi quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch mủ cao su. Hằng năm, chất lượng vườn cây nhận khoán đều đạt loại A, năng suất bình quân đạt trên 2,4 tấn mủ cao su quy khô/ha, sản lượng giao khoán vượt trên 15% kế hoạch năm. Nhờ chịu thương, chịu khó, riêng năm 2016, thu nhập tiền lương bình quân của chị hàng tháng đạt 9,5 triệu đồng. Hằng năm, mỗi dịp hội thi Thợ giỏi thu hoạch mủ cao su các cấp Huệ đều đạt giải nhất, nhì và danh hiệu “Bàn tay vàng”.

Không chỉ giỏi việc đơn vị, chị cùng chồng chăn nuôi, trồng cây nông sản để cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập cho gia đình hàng năm trên 100 triệu đồng. Tiết kiệm thu nhập từ lương, vợ chồng chị khai hoang đất ở các khu vực bờ lô cao su của đơn vị để đầu tư trồng được 4 ha cao su tiểu điền, trị giá trên 1 tỷ đồng. Bản thân chị còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, đi đầu trong tham gia có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện, giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Nhờ nghị lực vượt khó, ham học hỏi, 6 năm liên tục (2011-2016), Đinh Thị Huệ đều là Chiến sĩ thi đua; 3 năm liền (2014-2016) được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu. Chị cũng nhiều lần được khen thưởng ở các cấp, các ngành.

“Chị Thanh Tâm” của bộ đội

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 2001, chàng trai đất mỏ Nguyễn Duy Thương (SN 1982) lên đường nhập ngũ, mang theo niềm tự hào, kỳ vọng của gia đình và bạn bè. Hơn 16 năm công tác không mệt mỏi với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, nay anh là Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn bảo đảm huấn luyện Tổng hợp thuộc Bộ Tham mưu Binh chủng Tăng Thiết giáp.

Những ngôi sao quyết thắng ảnh 2

Đại úy Nguyễn Duy Thương.

Bằng tinh thần học hỏi không ngừng cùng những kinh nghiệm công tác tích lũy được trong suốt quá trình quân ngũ đã giúp Nguyễn Duy Thương hội tụ những phẩm chất của một người cán bộ chính trị vững về tư tưởng, kiên định về lập trường, giàu năng lực và nhiệt tình, sôi nổi. Luôn gương mẫu đi đầu trong công tác, anh đã nêu gương sáng cho đồng đội vượt khó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Những câu chuyện về chân dung người lính ngày xưa và phẩm chất, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” hôm nay cùng những mẩu chuyện vui qua sự truyền đạt dí dỏm có duyên của anh đã truyền lửa nhiệt tình cho mọi người trong đơn vị. Họ hết mực tin tưởng chính trị viên của mình - một người chỉ huy nói được, làm được và thực sự là một cán bộ gần gũi, biết chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, từ những khúc mắc công việc cho đến chuyện tình cảm gia đình, tình yêu. Bởi vậy, nhiều khi làm việc mệt nhọc, anh em đơn vị lại thốt lên: “Giá có anh Thương ở đây kể chuyện thì hay quá”.

Được anh em đơn vị gọi là “chuyên gia của các giải thưởng”, giai đoạn 2011-2016, đại úy Nguyễn Duy Thương liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 5 năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Ngoài ra, anh được Bộ Quốc phòng, T.Ư Đoàn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp… nhiều lần vinh danh, khen thưởng. Năm 2015, anh là đại biểu chính thức dự Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần thứ 2 và là một trong 40 sỹ quan trẻ giỏi tiêu biểu toàn quân được vinh danh trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước…

Người lính thợ tài hoa

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Trường (SN 1983, thợ tiện bậc 6/7, Tổ trưởng sản xuất, Bí thư Chi đoàn tại Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - đơn vị có nhiệm vụ chính là nghiên cứu chế tạo, sản xuất, sửa chữa các loại ngòi đạn cùng nhiều sản phẩm quốc phòng khác), có niềm đam mê nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao khiến nhiều người nể phục. 

Những ngôi sao quyết thắng ảnh 3

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Trường.

Anh Trường kể: Tốt nghiệp phổ thông, tôi được đào tạo nghề tiện 2 năm, sau đó được Nhà máy Z129 nhận vào làm việc, giao nhiệm vụ thợ tiện tại Phân xưởng Gia công cơ khí. Đi lên từ người lính thợ,  tôi sớm ý thức được hạn chế lớn nhất của mình là lý thuyết nên luôn xác định phải nỗ lực tự học, nghiên cứu tài liệu, chịu khó mày mò, kiên trì trong thực hành sản xuất từ những việc nhỏ nhất.

Được giao nhiệm vụ Tổ trưởng sản xuất khi mới 24 tuổi, tiếp tục phát huy sở trường trong nghề tiện, anh tìm ra nhiều sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, cùng anh em trong tổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Giai đoạn 2010-2016, anh có tới 10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được khen thưởng. Tiêu biểu: Cải tiến đồ gá mặt đầu phi 32,8 của chi tiết thân ngòi - Ngòi C-1M; Cải tiến công nghệ gia công sửa ba via chi tiết đĩa định vị Ngòi VP-7, VP-9…

Không chỉ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 7 năm liên tục, trên cương vị Bí thư chi đoàn, anh đã cùng chi đoàn đăng ký đảm nhận 71 công trình thanh niên, phát huy 33 sáng kiến có giá trị cao góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của phân xưởng và gây quỹ hoạt động cho chi đoàn.

“Trong bất cứ nhiệm vụ nào, tôi luôn cố gắng hết mình, không ngừng học hỏi trên tinh thần cầu thị và dám phản biện để tìm ra cách giải quyết đạt năng suất cao nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất, nhanh nhất”, Nguyễn Văn Trường nói.

Đạp sóng giữ chủ quyền

Sinh ra ở vùng quê Khoái Châu, Hưng Yên, đại úy Vũ Khánh Hải (SN 1983, Phó thuyền trưởng Tàu Gerpart 016, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) tự hào khi được đạp sóng giữ chủ quyền biển đảo trên chiến hạm thuộc lớp tàu hộ vệ hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Những ngôi sao quyết thắng ảnh 4

Đại úy Vũ Khánh Hải.

Tốt nghiệp Học viện Hải quân về chuyên ngành điều khiển tàu biển, anh gắn bó với Lữ đoàn 162 từ năm 2007 đến nay. Trước khi nhận nhiệm vụ trên tàu Gerpart 016, anh lần lượt giữ cương vị là trưởng ngành, thuyền phó, thuyền trưởng Tàu pháo 261, Tàu tên lửa 373. Những đóng góp, cống hiến hết mình của anh được minh chứng bằng những kết quả cao trong các đợt diễn tập và bắn đạn thật nhiều năm liền. 3 năm liên tục (2014-2016), anh là “Thuyền trưởng tàu chiến đấu” tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân cùng nhiều giải thưởng cấp toàn quốc, toàn quân…

Đại úy Vũ Khánh Hải tâm sự: Lữ đoàn 162 là lữ đoàn tàu chiến đấu mặt nước hiện đại của Quân chủng Hải quân có nhiệm vụ cùng với các lực lượng khác trong Vùng 4 bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa, an toàn an ninh căn cứ Cam Ranh và sẵn sàng là lực lượng chiến đấu cơ động thực hiện các nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng giao. Nhiệm vụ chính trị thường xuyên của lữ đoàn là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và đối ngoại quân sự.

Trong điều kiện khó khăn khi làm nhiệm vụ trên biển, Vũ Khánh Hải vẫn tranh thủ học hỏi từ những người đi trước để nâng cao kiến thức của bản thân, sẵn sàng đáp ứng những nhiệm vụ đột xuất, phát sinh khi có tình huống. Ngoài công tác huấn luyện làm chủ, khai thác phát huy hiệu quả vũ khí trang thiết bị hiện đại, anh duy trì bộ đội làm tốt công tác bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ để kéo dài tuổi thọ vũ khí trang thiết bị, nâng cao khả năng đồng bộ của con tàu.

Nói về những khó khăn, vất vả của những người lính biển, đại úy Hải kể: Nhiều lần thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ vào cuối năm, thời tiết biển mùa này thường rất khắc nghiệt, trong khi tàu của ta còn hạn chế về kích thước, yêu cầu nhiệm vụ nặng nề như giữ vững đội hình, quan sát phát hiện, nhận dạng đăng kí báo cáo về sở chỉ huy. Tuy mệt vì sóng to, gió lớn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“10 Gương mặt trẻ tiêu biểu và 12 Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2016 là những ngôi sao quyết thắng của tuổi trẻ quân đội trên các lĩnh vực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, khoa học - kỹ thuật, học tập, thể thao, y dược, lao động sản xuất”. 

Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.