Những sáng kiến 'chia lửa' cùng đồng đội

ĐVTN Lữ đoàn Công binh 229 tham gia rà phá bom mìn, vật nổ tại một cuộc diễn tập.
ĐVTN Lữ đoàn Công binh 229 tham gia rà phá bom mìn, vật nổ tại một cuộc diễn tập.
TP - Từ những phong trào hành động do Đoàn cơ sở Lữ đoàn Công binh 229 (Binh chủng Công binh) phát động, 5 năm qua, đã xuất hiện hàng trăm mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật độc đáo, hiệu quả mang đậm phong cách lính trẻ công binh.

Những ý tưởng sáng tạo hiệu quả

Với mỗi người lính trẻ ở Lữ đoàn Công binh 229, niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo luôn được hình thành từ những ý tưởng nhỏ nhất. Trong Tháng Thanh niên năm nay, đại úy Lê Duy Thắng (SN 1982, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2) đã “trình làng” một sáng kiến độc đáo là bảng huấn luyện đa năng trên thao trường.

Khác với loại bảng phục vụ công tác huấn luyện thường thấy, chiếc bảng do đại úy Thắng thiết kế có cấu tạo rất khoa học. Phần chân bảng có thể tháo lắp dễ dàng để khi triển khai tạo thế 3 chân vững chắc, thu hồi nhỏ gọn phía sau bảng để dễ dàng vận chuyển. Không chỉ dùng để viết nội dung bài giảng, mặt bảng được bọc lớp kẽm phía trong hút nam châm nên có thể sắp xếp sơ đồ bố trí đội hình lực lượng một cách trực quan, sinh động.

Nhờ thiết kế gập linh hoạt nên 2 bên của bảng được sử dụng để dán tranh, khẩu hiệu cổ động thao trường, phía trên cắm được cờ Tổ quốc và cờ Đoàn. Đặc biệt, chiếc bảng đa năng này sẽ gập lại thành cáng cứu thương trong những trường hợp cần thiết nhờ cấu tạo linh hoạt.

Là một trong những nhà khoa học không chuyên ở Lữ đoàn 229, thượng úy Ngô Duy Đĩnh (SN 1987, Phó Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Tiểu đoàn 1) được đồng đội nể phục về khả năng sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn.

Từng là học viên chuyên ngành Xe - Máy ở Trường Sĩ quan Công binh, thượng úy Đĩnh đã khéo léo vận dụng những kiến thức chuyên ngành để nghiên cứu, sáng chế ra nhiều thiết bị, dụng cụ hữu dụng như giá tháo lắp hộp số trên ô tô, xe máy; vam tháo trục tay lái các loại xe - máy chuyên dụng trong quân đội; bộ cặp, mũ, cờ chỉ huy điều khiển huấn luyện chiến thuật ban đêm…

Nói về sáng kiến Giá tháo lắp hộp số trên ô tô, xe máy, thượng úy Đĩnh kể: Mỗi khi cần tháo lắp hộp số để sửa chữa, thay thế, 3-4 anh em lính thợ phải “vật lộn” do vị trí thao tác khó khăn và phải dùng cả đòn khiêng bởi mỗi hộp số nặng từ 2-4 tạ. Tôi nảy ra ý tưởng cần có một bộ giá đỡ có bánh xe di chuyển và nâng hạ bằng thủy lực có điều khiển bổ trợ bằng hơi.

Chỉ với hơn 1 triệu đồng tiền mua nguyên vật liệu và tận dụng những thiết bị cũ sẵn có, bộ giá đỡ đã giúp giảm 1/2 nhân công và 1/4 thời gian tháo lắp. Thiết bị này áp dụng được cho các loại xe hiện có trong đơn vị khi sửa chữa tại trạm hoặc trên các địa hình bằng phẳng khác…

“Chia lửa” cùng đồng đội

Chia sẻ với PV Tiền Phong, trung tá Trần Thanh Khôi, Phó Chính ủy Lữ đoàn Công binh 229 cho biết, chứng kiến đồng đội của mình hàng ngày vất vả trong thực hiện các nhiệm vụ, nhất là những anh em trực tiếp đối mặt với bom mìn, vật nổ, phải căng mình chịu đựng những gian khổ trong khi thi công những công trình nơi biên giới, hải đảo xa xôi, nên những người lính trẻ ở đơn vị luôn tự thôi thúc mình nảy sinh những ý tưởng sáng tạo nhằm “chia lửa” với đồng đội.

“Nhờ các biện pháp tổ chức thực hiện động viên khuyến khích, tạo cơ chế kịp thời, những năm qua, tuổi trẻ Lữ đoàn đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ trực tiếp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công trình chiến đấu, công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần đời sống và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị”, trung tá Khôi nói.

Một trong những sáng kiến tiêu biểu nhất của đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 229 là mô hình nhận biết phát hiện xử lý các loại bom mìn, vật nổ của khủng bố do nhóm nhân viên sửa chữa vô tuyến điện gồm trung úy chuyên nghiệp Trần Thiện Tuấn Anh (SN 1988), trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Viết (SN 1983) và thiếu úy chuyên nghiệp Trần Bá Minh (SN 1992) thuộc Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu thực hiện. Mô hình này được trao giải A cấp toàn quân về sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2016.

Theo trung úy Trần Thiện Tuấn Anh, xuất phát từ thực tiễn nhiệm vụ thường xuyên phải tiếp xúc với các loại bom mìn, vật liệu nổ khi thi công các công trình, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khủng bố nên các anh nảy ra ý tưởng này từ cuối năm 2015.

Với mục tiêu ban đầu chỉ là giúp anh em đơn vị thuận lợi hơn khi thực hiện nhiệm vụ đặc thù, sau đó mô hình được Binh chủng và Bộ Quốc phòng đánh giá cao và có thể được đưa vào huấn luyện sâu rộng trong các đơn vị chuyên trách chống khủng bố của Binh chủng và toàn quân. 

Tháng 7/2016, sau hai tháng miệt mài nghiên cứu đêm ngày, mô hình hữu dụng này được đưa vào thử nghiệm thành công tại cuộc diễn tập phòng chống khủng bố FTX cấp binh chủng với 3 đơn vị tham gia là Lữ đoàn 229, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn và Tiểu đoàn 93 thuộc Bộ Tham mưu Binh chủng Công binh.

Với sáng kiến này, việc tiếp cận, xử lý các loại bom khủng bố tinh vi (như bom điều khiển từ xa bằng điện thoại di động, bom điều khiển bằng các nguyên lý hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, tia laze, cảm biến nhiệt độ người…) đã trở nên dễ dàng hơn.

“Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặc biệt quan tâm việc phát động phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ rộng khắp trong toàn đơn vị, trong đó xác định vai trò trọng tâm của sĩ quan trẻ, đảng viên trẻ, ĐVTN”

Trung tá Trần Thanh Khôi, Phó Chính ủy Lữ đoàn Công binh 229

Ngày 12/4, Đoàn cơ sở Lữ đoàn 229 sẽ tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2017-2022. Đây là đại hội được Binh chủng Công binh chỉ đạo làm trước rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng để tiến tới Đại hội Đoàn Binh chủng lần thứ 9, giai đoạn 2017-2022. Tại đại hội, Lữ đoàn 229 sẽ trưng bày những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nổi bật của tuổi trẻ đơn vị trong nhiệm kỳ qua. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.