Những thách thức chiến thuật với Nga khi không kích ở Syria

Su-24, một trong những máy bay Nga dùng để không kích ở Syria. Ảnh: sukhoi.org.
Su-24, một trong những máy bay Nga dùng để không kích ở Syria. Ảnh: sukhoi.org.
Thiếu kinh nghiệm, thiết bị chiến đấu cũ, và thời gian hạn hẹp là những rào cản Nga phải vượt qua nếu muốn cuộc không kích của mình ở Syria tạo ra những thay đổi quan trọng. 

Nga hôm 30/9 lần đầu tiên phái máy bay quân sự thực hiện sứ mệnh ném bom ở bên ngoài lãnh thổ từng thuộc Liên Xô cũ kể từ năm 1979, khi nước này điều quân đến Afghanistan. Đây cũng là lần đầu tiên Moscow can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến kéo dài 4 năm của Syria. Về ngắn hạn, quân đội Nga sẽ cung cấp sự hỗ trợ trên không vô cùng cần thiết và nâng cao nhuệ khí cho quân đội Syria. Từ đó, quân chính phủ nước này có thể sẽ tấn công các phiến quân nổi dậy và cả nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận xét rằng, trừ khi được tăng cường đáng kể, sự can thiệp của Moscow nhiều khả năng sẽ không mang tính định đoạt cho cuộc chiến. Trong khi Nga tự hào nói rằng quân đội của mình đã mạnh mẽ hơn trong 25 năm qua, lực lượng của họ vẫn đang phải xoay xở với thiết bị cũ và đối tác của họ là quân đội Syria chưa được huấn luyện tốttheo Washington Post.

Nga là đồng minh lâu năm của Syria, song việc triển khai này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với họ, vì Nga từ trước đến nay phần lớn chỉ có hoạt động quân sự ở những nơi từng thuộc Liên Xô. Cũng giống như chiến dịch của Mỹ và đồng minh ở Syria và Iraq, các cuộc tấn công mới của Nga nhằm làm suy yếu IS bằng cách sử dụng sức mạnh không quân.

"Việc này chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Nga hiện đại", Evgeny Buzhinsky, một tướng nghỉ hưu và hiện là phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu PIR ở Moscow nói.

Nga từng tham gia vào những cuộc chiến nhỏ trên mặt đất trong những năm gần đây, nhưng "đây là lần đầu tiên Nga theo sau Mỹ", ông nói. "Đánh bom từ trên không để gây thiệt hại càng nhiều càng tốt. Đó là chiến thuật".

"Chúng tôi về cơ bản là lính mới trong kiểu chiến tranh này", Ruslan Pukhov, chuyên gia quốc phòng, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Moscow nói. "Và khi là người mới, bạn rất dễ phạm sai lầm. Hy vọng rằng đó sẽ không phải là sai lầm chết người, nhưng rõ ràng là có nguy cơ tổn thất".

Thiết bị

Một trong những hạn chế trong chiến dịch không kích của Nga là độ tuổi của các thiết bị. Có một số máy bay tấn công mặt đất tại Syria là các mẫu đời mới tối tân, tuy nhiên phần lớn số khác được thiết kế từ thời Liên Xô và sau đó được tân trang.

"Tôi nhớ là cả hai máy bay này đều đã xuất hiện trong chiến tranh Afghanistan", Alexander Golts, một nhà phân tích quân sự tại Moscow nói, đề cập đến Su-24 và Su-25, được Liên Xô sử dụng trong cuộc xung đột những năm 1980.

Trong những năm gần đây, Nga đã đổ hàng trăm tỷ USD vào chương trình cải cách và hiện đại hóa quân sự. Golts gọi đây là sự thay đổi quan trọng nhất trong một thế kỷ rưỡi qua.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy lực lượng Nga vẫn bị đeo đẳng bởi vấn đề cũ. Khi Nga tăng cường tuần tra trên không và triển khai máy bay ném bom dọc theo biên giới các nước NATO vào mùa hè này, họ bị mất 5 máy bay chỉ trong vòng hai tuần, phần lớn được cho là do lỗi kỹ thuật.

Nga sẽ bị giới hạn số đợt xuất kích vì cần phải bảo trì máy bay trong môi trường sa mạc, Golts nói. Các phi công cũng cần phải có thời gian nghỉ ngơi.

Một số chiến đấu cơ và trực thăng dễ trở thành mục tiêu của tên lửa gác vai đất đối không (MANPADS). Các phiến quân hiện không có nhiều loại tên lửa này, nhưng họ có thể kiếm thêm để đối phó.

Nếu Nga sử dụng nhiều trực thăng, thì MANPADS "có thể có tác động đáng kể", Matt Schroeder, nhà nghiên cứu cấp cao tại các tổ chức nghiên cứu vũ khí nhỏ có trụ sở tại Geneva, nhận xét.

Không chỉ mình lực lượng trên không Nga có nguy cơ đối mặt nguy hiểm. Moscow đã điều hàng trăm lính thủy đánh bộ và lính dù đến để hỗ trợ an ninh cho căn cứ của mình tại Latakia, cách tiền tuyến khoảng vài chục km. Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng các cố vấn Nga đang đóng vai trò phát hiện mục tiêu trên tiền tuyến, tạo điều kiện cho lực lượng mặt đất và trên không phối hợp chặt chẽ, tuy nhiên, việc này lại đưa lính Nga đến gần nguy hiểm hơn.

Quan chức phương Tây nói rằng nhiều máy bay Nga đang sử dụng vũ khí không có độ chính xác cao. Họ cho rằng Nga sử dụng loại bom rơi tự do, không có chức năng dẫn đến mục tiêu, làm cho các cuộc không kích của Nga kém hiệu quả hơn.

Một bản tin trên truyền hình Russia-24 cho thấy một chiếc cường kích Su-24 ở Syria được trang bị bom phân mảnh OFAB không dẫn đường 250-270, sẽ phóng ra nhiều mảnh bom trên diện tích lớn khi phát nổ.

"Nếu bạn chỉ sử dụng loại bom này thì nó có thể làm tăng số lượng thương vong dân sự và giảm hiệu quả hoạt động", Dmitry Gorenburg, một nhà phân tích cao cấp của Trung tâm Phân tích Hải quân, một tổ chức tư vấn cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, do chính quyền tài trợ.

Những thách thức chiến thuật với Nga khi không kích ở Syria ảnh 1

Chuyên gia dự đoán lực lượng Syria có thể tấn công vào Hama và Homs. Đồ họa: BBC.

Thời gian

Giới phân tích cho rằng việc Syria nhanh chóng mất lãnh thổ vào tay các phiến quân vào mùa hè này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự can thiệp bất ngờ của Nga. Được hỗ trợ bởi hỏa lực mới, quân đội Syria dự kiến ​​sẽ tiến hành những cuộc tấn công để giành lại quyền kiểm soát các khu vực bị rơi vào tay phiến quân.

Vladimir Yevseyev, một chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Đông tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế ở Moscow, suy đoán lực lượng Syria có khả năng sẽ tấn công vào các vùng nông thôn tỉnh Hama và Homs, đang nằm dưới sự kiểm soát của các phiến quân ôn hòa, phiến quân Hồi giáo và cả nhóm vũ trang có liên quan đến al-Qaeda.

Các cuộc không kích của Nga trong những khu vực này vài ngày gần đây khiến Mỹ và các đồng minh tức giận. Họ cáo buộc rằng, tuy Moscow tuyên bố mục tiêu của chiến dịch là không kích IS nhưng thực chất là muốn tăng cường sức mạnh cho lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chống lại các phiến quân khác.

Yevseyev cho rằng, trong khi quân đội Syria có thể có thể chiếm lại các khu vực gần thành trì của mình tại thành phố biển Latakia, một cuộc tấn công đầy tham vọng hơn để giành lại vùng lãnh thổ rộng lớn, đặc biệt là từ tay IS, có thể phải mất vài tháng để chuẩn bị.

Nhưng Nga dường như không theo đuổi những mục tiêu dài hạn như vậy và thay vào đó, có thể sẽ cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình, ông nói.

Alexei Pushkov, người đứng đầu ủy ban đối ngoại trong Hạ viện Nga, nói với một đài phát thanh Pháp vào cuối tuần trước rằng cuộc không kích của Nga dự kiến ​​sẽ chỉ kéo dài vài tháng.

"Nga không thể lấy lại toàn bộ đất cho Syria", ông Yevseyev nhận định. "Nga muốn tiêu diệt một số tên cực đoan rồi chuyển sang các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.