100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 - 2017 - Kỳ cuối:

Những thủy thủ Nga nằm lại đất Việt

Khu mộ thủy thủ Nga tại Bình Dương.
Khu mộ thủy thủ Nga tại Bình Dương.
TP - Trong suốt thời gian chiến hạm Diana nằm tại cảng Sài Gòn, đã có 12 thủy thủ tử vong do bị thương trước đó và do bệnh. Toàn bộ số thủy thủ này được chôn tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám - quận 1, TPHCM). Tuy nhiên do chiến tranh liên miên, cũng như rất nhiều ngôi mộ khác tại đây, những ngôi mộ này đã bị lãng quên trong thời gian dài.

Chiến hạm Diana sau khi đến cảng Sài Gòn đã phải nằm lại hơn 1 năm vì hư hại và vì Nga và Pháp không đạt được những thỏa thuận do có sự can thiệp của người Nhật. Dù Pháp tuyên bố trung lập nhưng Diana cũng không thể sửa chữa ngay vì vướng... thủ tục. Hóa ra để cập bến Ba Son sửa chữa, tàu chiến Diana cần phải có giấy phép của Chính phủ Pháp. Do thực tế là Chính phủ Pháp e ngại phía Nhật Bản phản ứng nên chần chừ trong việc cấp phép sửa chữa con tàu. Thậm chí Diana còn phải tháo cờ Nga, vũ khí trên tàu bị đưa nộp vào kho trên bờ. Những người còn lại trong thủy thủ đoàn thì bị quản thúc. Mãi tới tháng 10/1905, sau khi hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật được phê chuẩn, chiến hạm Diana mới được phép treo cờ Nga trở lại cũng như được trả vũ khí và được sửa chữa để trở về nước Nga.

Trong suốt thời gian lưu lại Sài Gòn, đã có 12 thủy thủ tử vong do bị thương trước đó và do bệnh. Toàn bộ số thủy thủ này đã được chôn cất dưới những phần mộ riêng trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám, quận 1, THCM). Trên mỗi nấm mồ đều có bia đá cẩm thạch khắc rõ họ tên. Tuy nhiên do chiến tranh liên miên, những ngôi mộ này đã bị lãng quên trong thời gian rất dài. Thậm chí trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, lính Nhật chiếm khi chiếm đóng Sài Gòn và đã có hành động hủy hoại các mộ phần như đập nát nhiều bia chí của người Pháp, người Nga chôn tại nghĩa trang này.

Những thủy thủ Nga nằm lại đất Việt ảnh 1 Chiến hạm Diana.

Mãi tới năm 1982, khi chính quyền tiến hành thống kê các mộ để giải tỏa khu nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, những người quản trang mới phát hiện ra trong số hàng ngàn ngôi mộ người nước ngoài tại đây có 4 ngôi mộ của thủy thủ Nga. Nhưng khi dò theo sổ đăng ký và từ thông tin do những người trông coi nghĩa trang cung cấp, người ta còn tìm thấy mộ của những thủy thủ xấu số khác. Các nhà ngoại giao Nga tại Việt Nam khi đó đã vào cuộc. Sau khi gửi yêu cầu xác minh về Cơ quan Lưu trữ Trung tâm của Hải quân Nga, các nhà ngoại giao chỉ tìm thấy danh tính của 8 trong số 12 thủy thủ Nga bị chết ở Sài Gòn từ những năm đầu thế kỷ. Phía Nga đã phối hợp với phía Việt Nam tổ chức cải táng di cốt của họ vào ngôi mộ tập thể.

Hiện nay, khu phần mộ của các thủy thủ Nga nằm ven con đường DT 743B nối khu Công nghiệp Sóng Thần và thị trấn Lái Thiêu, ngay rìa của khu nghĩa trang Lái Thiêu. Khu phần mộ là một khu công viên nhỏ rộng chừng vài trăm mét vuông. Tuy nhỏ nhưng khu công viên này được trang trí khá đẹp, bao quanh khu công viên này là một hàng rào bằng cây kiểng xanh rì và bên trên được che phủ bởi những cây sứ đỏ, sứ trắng. Phía trước công viên là một chiếc bệ màu trắng được cách điệu mũi một con tàu cùng chiếc mỏ neo trang trí. Bên trong công viên là một ngôi mộ lớn với 8 tấm bia ghi bằng tiếng Nga và tiếng Việt ở 2 mặt. Bên trên các tấm bia là một tháp tưởng niệm ghi dòng chữ cũng bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt “Tưởng nhớ các thủy thủ Nga qua đời ở Sài Gòn”. Còn bên cạnh là chuỗi xích và chiếc mỏ neo. Các ngôi mộ trong khuôn viên đều được đặt hướng về phía Tây- Bắc, hướng mà ở một nơi rất xa là nước Nga- Quê hương của những thủy thủ xấu số. Năm 2002 các đại diện chính thức của Giáo hội Chính thống Nga đã có chuyến thăm phụng vụ đến Việt Nam. Lần đầu tiên sau gần một trăm năm, nghi lễ cầu siêu Chính thống giáo được các linh mục cử hành trên nấm mồ những thủy thủ Nga. Từ đó trở đi, mỗi khi tàu chiến Nga ghé thăm miền Nam Việt Nam, các thủy thủ Nga đều tới viếng mộ những người đồng hương tiền bối.

Theo ông Đỗ Huy Toàn - một quản trang thuộc khu nghĩa trang Lái Thiêu cho biết, ngày trước, khi con đường DT 743B còn chưa mở rộng thì khu mộ thủy thủ Nga nằm trong khuôn viên nghĩa trang. Nhưng khi mở đường, khu mộ này đã nằm ra sát mép đường và khi tổ chức rào lại nghĩa trang, BQL quyết định không rào khu phần mộ của thủy thủ Nga. “Tôi nghĩ đó là một quyết định hợp lý vì khu mộ thủy thủ Nga rất đẹp, trông như một công viên nhỏ. Để ven đường như thế này cho người dân có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp khuôn viên khu mộ và cũng có thể tìm hiểu về những người thủy thủ Nga”- ông Toàn cho biết thêm. Cũng theo ông Toàn, cứ đều đặn vài tháng Lãnh sự Nga tại TPHCM cũng tổ chức viếng thăm khu một cũng như thường xuyên thuê người lên chăm sóc cây cảnh, sơn quét các bia mộ. 

Những thủy thủ Nga nằm lại đất Việt ảnh 2 Thủy thủ Nga trong lần tới Việt Nam.

Còn ông Lý Hoa - một người bán cây cảnh gần khu mộ thủy thủ Nga cho biết thêm, hàng ngày vẫn có những người dân ghé thăm khu mộ rồi mỗi khi có dịp lễ như tảo mộ, ngày Tết hay giỗ chạp, nhiều người đi viếng mộ cũng ghé ngang đặt bó hoa, thắp nén nhang cho những thủy thủ Nga. Rồi nhiều lần ông Hoa chứng kiến những người Nga từ xa đến viếng mộ. Ông Hoa bảo “Có người bận đồ thủy thủ, tôi đoán chắc đó là những thủy thủ Nga khi ghé cảng Sài Gòn tranh thủ viếng đồng nghiệp tiền bối. Còn có những lần cả những đoàn xe mang biển số Vũng Tàu chở cả đoàn công nhân ghé, tôi chắc đó là những người công nhân Nga làm việc ở Dầu khí Việt - Xô lên viếng đồng hương. Những người thủy thủ Nga nằm ở đây xa quê hương, nhưng họ không cô đơn đâu. Những người chung quanh như chúng tôi vẫn thường xuyên coi sóc khu mộ”. 

Trong những ngày cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Thắng- một cựu binh đến từ Thủ Đức- TPHCM đến viếng các thủy thủ Nga. Ông Thắng cho biết trước đây ông cũng đã từng công tác tại Nga. Như nhiều người Việt đã từng gắn bó với nước Nga, ông có nhiều kỷ niệm với đất nước xứ Bạch Dương này. Khi biết có khu mộ người Nga gần nhà, ông thường xuyên ghé thăm vì mong được chia sẻ tình cảm của mình với những người thủy thủ xấu số đã nằm xuống trên đất nước này. Ông Thắng chia sẻ: “Tôi nghĩ cũng có những người Việt không may mắn nằm xuống trên mảnh đất quê hương vì hoàn cảnh, thì khi nằm lại quê người, họ cũng sẽ được chăm sóc như ở đây, như những thủy thủ Nga. Đó là tình nghĩa, và cao hơn đó là hành động tốt đẹp góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt- Nga”.

Tại Việt Nam, ngoài đài tưởng niệm các thủy thủ Nga tại Bình Dương còn có đài tưởng niệm các Chuyên gia quân sự Nga đã hy sinh tại Cam Ranh (Khánh Hòa) và đài tưởng niệm các chuyên gia Nga đã hy sinh tại công trình Thủy điện Hòa Bình. Cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 10, rất nhiều người Việt tìm đến những đài tưởng niệm này để thăm viếng, để tri ân.

Một điều thú vị là tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi - nơi đầu tiên chôn cất thi hài các thủy thủ Nga từ chiến hạm Diana thì sau khi di dời các ngôi mộ, vào năm 1985 các chuyên gia Xô Viết đã sang giúp Việt Nam xây dựng Đài thu phát sóng vệ tinh mang tên Hoa Sen tại TPHCM. Đây là đài Hoa Sen thứ 2 tại Việt Nam, tạo điều kiện để sóng truyền hình miền Nam Việt Nam hòa vào mạng truyền hình toàn cầu. Chương trình phát sóng đầu tiên của Hoa Sen 2 ra nước ngoài chính là buổi truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 10 năm Giải phóng miền Nam và Thống nhất đất nước tại TPHCM.

MỚI - NÓNG