Những vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn nhất lịch sử nhân loại

Những vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn nhất lịch sử nhân loại
Sự kiện tàu ngầm ARA San Juan thuộc Hải quân Argentina mất tích bí ẩn trong vùng lãnh hải nước này không phải là sự kiện chưa từng có tiền lệ. Trong quá khứ, đã từng có nhiều vụ tai nạn tàu ngầm mà nguyên nhân của nó không thể xác định được, thậm chí phải nhiều thập kỷ sau xác tàu ngầm mất tích mới được tìm thấy.

Dưới đây là 5 vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn, cho tới thời điểm hiện tại nguyên nhân vụ việc vẫn chưa được làm rõ.

Vụ tai nạn tàu ngầm K-129 (Hải quân Liên Xô), năm 1968

Vụ việc xảy ra vào tháng 3-1968, khi tàu ngầm hạt nhân K-129 thuộc Hải quân Liên Xô gặp tai nạn bí ẩn trên Thái Bình Dương. Không lâu sau khi tàu ngầm K-129 mất tích, tàu ngầm hạt nhân USS Swordfish của Hải quân Mỹ đã cập cảng Nhật Bản để sửa chữa. Sự kiện này kết hợp với việc Hải quân tăng cường hoạt động trong khu vực khi Triều Tiên bắt giữ tàu trinh sát USS Pueblo đã đặt ra nghi vấn có thể tàu ngầm Liên Xô đã va chạm với tàu Mỹ.

Tới năm 1993, Đại sứ Mỹ tại Moscow khẳng định, khi tàu ngầm K-129 gặp nạn, tàu USS Swordfish không có mặt trong khu vực đã bác bỏ hoài nghi trên.

Một giả thiết khác được đưa ra là khoang chứa ngư lôi của tàu K-129 đã bị rò nước gây nổ, tương tự như vụ việc xảy ra trên tàu ngầm USS Scorpion.

Tàu ngầm SSN-589 USS Scorpion, năm 1968

Tháng 5-1968, tàu ngầm USS Scorpion thuộc Hải quân Mỹ gặp nạn ngoài khơi vùng Azores, Đại Tây Dương. Thông tin điều tra sơ bộ cho rằng chiếc USS Scorpion bị đắm do hậu quả một vụ nổ trong khoang, nhưng xung quanh vụ việc cũng có nhiều giả thiết khác. Tới năm 1993, nguyên nhân xác thực nhất liên quan tới vụ tai nạn tàu ngầm USS Scorpion là do khoang chứa đạn ngư lôi bị quá nhiệt dẫn đến phát nổ.

Do vụ việc xảy ra trong chiến tranh Lạnh, ngoài kịch bản tai nạn, nhiều chuyên gia Mỹ đặt giả thiết vụ tai nạn tàu ngầm USS Scorpion có liên quan tới phía Liên Xô. Tuy nhiên, cả Mỹ và Liên Xô đều không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan tới vụ việc.

Vụ đắm tàu ngầm ở Gangneung, Hàn Quốc, năm 1996

Đây là vụ việc liên quan tới tàu ngầm của Triều Tiên gặp nạn và mắc cạn gần bờ biển Hàn Quốc năm 1996. Những giả thiết liên quan tới vụ việc là chiếc tàu ngầm của Triều Tiên đang làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tại Hàn Quốc thì gặp nạn. Tuy nhiên, thông tin chính thức không bao giờ được xác định do không có nhân chứng, lẫn vật chứng tại hiện trường.

Một nguồn tin giấu tên tại Hàn Quốc cho biết, một thành viên tàu ngầm gặp nạn đã bị bắt khi cố gắng trở lại Triều Tiên, nhưng không thể xác thực thông tin trên có thật hay không.

Vụ việc hiện vẫn là bí ẩn lớn.

Tàu ngầm 361, Trung Quốc, năm 2003

Một tàu ngầm thuộc Hải quân Trung Quốc mang số hiệu 361 đã bị chìm ở Biển Bột Hải (giữa Trung Quốc và Triều Tiên) năm 2003. Con tàu đã được ngư dân Trung Quốc phát hiện khoảng 10 ngày sau khi tai nạn.

Trung Quốc không có bình luận nào liên quan tới vụ việc. Một giả thiết được đặt ra là tàu ngầm 361 đã không tắt được động cơ diesel sau khi tàu lặn xuống nước (khi lặn tàu ngầm chạy diesel-điện sẽ hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng điện), khói do động cơ hoạt động đã khiến thủy thủ đoàn bị ngạt và tàu chìm.

Tàu ngầm INS Dakar, Hải quân Israel, năm 1968

INS Dakar là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Israel. Nó đã mất liên lạc với trung tâm chỉ huy khi đang trên đường từ Anh về Israel năm 1968. Mặc dù những mảnh vỡ của tàu ngầm INS Dakar được ngư dân tại Dải Gaza phát hiện rất sớm, nhưng tới tận năm 1999, xác chiếc tàu ngầm trên mới được tìm thấy.

Đầu những năm 1970, Ai Cập từng lên tiếng khẳng định, chính hải quân nước này đã phát hiện và đánh đắm tàu ngầm INS Dakar, nhưng phía Israel đã phủ nhận thông tin trên. Tel aviv hiện vẫn chưa công bố nguyên nhân dẫn tới sự việc tàu ngầm INS Dakar bị đắm, dù các thông tin tại hiện trường cho thấy chiếc tàu ngầm đã bị va chạm mạnh trước khi bị chìm.

Vụ tai nạn tàu ngầm ARA San Juan: Cơ hội mong manh

Theo các thông tin chính thức, tới ngày 22-11, nguồn dưỡng khí dự trữ trên tàu ngầm ARA San Juan mất tích của Hải quân Argentina sẽ hết. Như vậy cơ hội sống sót của thủy thủ đoàn rất mong manh.

Thực tế, khi tàu ngầm gặp nạn, việc tìm thấy vị trí tàu chìm rất khó khăn không chỉ do lòng biển sâu, mà còn do chính công nghệ “tàng hình” chúng áp dụng để né tránh các hệ thống trinh sát, tìm kiếm săn ngầm.

Trong tác chiến săn ngầm, việc phát hiện tàu ngầm đối phương chủ yếu dựa trên tín hiệu thủy âm do hệ thống động lực tàu ngầm phát ra và mẫu tín hiệu thủy âm có sẵn trong bộ nhớ của thiết bị săn ngầm. Đối với các tàu ngầm hiện đại, kể cả khi hoạt động, việc phát hiện ra tàu ngầm đã là việc khó, chưa kể tàu ngầm ARA San Juan là loại chạy diesel-điện hoạt động ở vùng biển nông có nhiều tạp nhiễu địa vật, thì việc tìm thấy nó cũng giống như “mò kim đáy biển”.

Mặt khác, công nghệ lớp phủ hấp thụ tín hiệu thủy âm, vật liệu chế tạo mang từ tính thấp vốn là yếu tố quan trọng tạo ra khả năng “tàng hình” của tàu ngầm trước đối phương, thì khi nó gặp nạn lại là “điểm yếu chết người” khiến rất khó để phát hiện ra vị trí tàu gặp nạn.

Kể cả khi phát hiện ra vị trí tàu đắm, việc cứu hộ thủy thủ đoàn cũng không phải là công việc đơn giản. Sự chênh lệch áp suất dưới tầng nước sâu và trên mặt đất khiến việc cứu hộ cần có thiết bị chuyên dụng để tạo khoang điều áp. Điều này chỉ có thể làm được khi tàu bị nạn ở đáy biển bằng phẳng hoặc độ dốc thấp. Nếu thiếu yếu tố này, việc cứu nạn thủy thủ đoàn gần như bất khả thi.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, rõ ràng việc tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan và cứu hộ thủy thủ đoàn chỉ còn mong chờ vào may mắn.

Theo Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG