Những xạ thủ bắn tỉa lừng danh của Liên Xô

Những xạ thủ bắn tỉa lừng danh của Liên Xô
Hầu hết những tay súng bắn tỉa trên thế giới đều trưởng thành trong "lò lửa" Thế chiến I - là môi trường lý tưởng để chứng minh tài thiện xạ của mình. Nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc, họ lập tức buông súng và quẳng vào quá khứ cả quá trình được đào tạo của mình.

Chỉ có Liên bang Xôviết vẫn tiếp tục công nhận tầm quan trọng của đội quân này, do đó, khi Thế chiến II nổ ra, có tới 60.000 lính bắn tỉa đã đào tạo trong biên chế của lực lượng Hồng quân - nhiều hơn số các tay súng bắn tỉa của các nước tham gia cuộc chiến cộng lại.

Thời đó, tại Liên Xô các tay súng sở hữu kỹ năng bắn chính xác đều phải trải qua một khóa huấn luyện trong 3 tuần tại các trường huấn luyện bắn tỉa. Tại đây, họ được dạy các kỹ năng ngụy trang, ẩn nấp, tiếp cận, quan sát và bắn súng trong các tình huống tác chiến khác nhau. Đặc biệt, họ còn được đào tạo một vài chiến lược bí mật để chiến đấu tại các khu vực là rừng hoặc đang trong quá trình xây dựng, biến địa hình địa vật những nơi này thành lợi thế.

Ngoài các kỹ năng bắn tỉa, họ còn được huấn luyện sử dụng lựu đạn, súng lưỡi lê và súng chống tăng. Đây là các kỹ năng vô cùng cần thiết vì khi kết thúc khóa đào tạo, họ sẽ được điều đến các đơn vị bộ binh và tham gia chiến đấu như những người lính. Các xạ thủ bắn tỉa luôn tác chiến theo nhóm 2 người, một xạ thủ và một quan sát viên (trợ thủ) và họ có thể trao đổi vị trí cho nhau.

Nhiệm vụ của họ tại mặt trận là trinh sát, giám sát, chống bắn tỉa, tiêu diệt chỉ huy đối phương, lựa chọn mục tiêu có giá trị và phá hoại khí tài của đối phương. Đôi khi, nhiều nhóm được kết hợp với nhau để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt.

Vũ khí đặc trưng của các xạ thủ bắn tỉa Liên Xô là súng trường Mosin-Nagant M1891/30, cỡ nòng 7,62mm với kính ngắm PE hoặc PEM 4x, hoặc PU 3,5X, hộp 120 viên đạn các loại. Năm 1938, 53.000 khẩu súng loại này đã được sản xuất và từ năm 1942, trung bình hàng năm sản xuất 50.000 khẩu. Súng trường Mosin Nagant là sự kết hợp giữa hai mẫu thiết kế: Một của Mosin, sĩ quan quân đội Nga và một của nhà thiết kế người Bỉ - Nagant.

Nhưng vào thời đó, nền công nghiệp quốc phòng của Nga chưa thể sản xuất được loại súng trường này theo yêu cầu nên phải mượn Nhà máy sản xuất vũ khí Chatelleraut của Pháp để sản xuất, năm 1894-1895, súng mới được sản xuất trong nước tại 2 nhà máy ở Izhevsk và Tula . Vào những năm 1916-1917, do nhu cầu súng trường cho Thế chiến I tăng cao, nên Nga phải mượn nguồn sản xuất từ 2 công ty sản xuất vũ khí của Mỹ là Remington và Westinghouse để sản xuất loại súng này. Cũng trong thời gian này, Nga đã cải tiến loại súng này thành khẩu M1891/10. Loại súng trường này được tiêu chuẩn hóa và đưa vào sử dụng năm 1910 trong quân đội Nga hoàng phục vụ Thế chiến I, và sau đó là trong cuộc nội chiến Nga. Đến năm 1923, Chính phủ Xôviết ngưng sản xuất mẫu súng này và đến năm 1930, cho phát triển mẫu cải tiến mới là khẩu M1891/30.

Những xạ thủ bắn tỉa lừng danh của Liên Xô ảnh 1

Hai nữ xạ thủ bắn tỉa của Hồng quân cùng khẩu súng trường huyền thoại Mosin-Nagant. Ảnh: ABC.es.

Loại vũ khí thứ 2 được các xạ thủ bắn tỉa Liên Xô ưa chuộng là khẩu súng trường bán tự động Tokarev SVT-40. Súng trường bán tự động SVT-40 là "con đẻ" của Fedor Tokarev và Sergei Gavrilovich Simonov, hai nhà thiết kế vũ khí của Liên Xô, được sử dụng rất nhiều trong Thế chiến II và nhiều cuộc chiến khác sau đó. SVT-40 có tính chính xác cao nhờ có chiều dài hơn hẳn các súng trường khác, Hồng quân Liên Xô rất hãnh diện vì khẩu súng này.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân đội Việt Nam cũng đã sử dụng loại súng này. Tuy nhiên, số lượng rất hạn chế không nhiều bằng Mosin-Nagant và SKS, nó cũng không được dùng nhiều như hai khẩu súng trường kia.

Nói về những xạ thủ nổi tiếng của nước Nga, có thể kể đến những tên tuổi như Vasily Grigoryevich Zaytsev, từ một anh chàng săn sói tại vùng Ural đã hạ được 400 tên lính phát xít Đức trong Thế chiến II, trở thành một trong những tượng đài xạ thủ bắn tỉa đáng ngưỡng mộ nhất. Hay tay súng huyền thoại Vasilij Shalvovich Kvachantiradze - người được mệnh danh là "Thợ săn sĩ quan" khi liên tục triệt hạ được các sĩ quan chỉ huy của Đức trên đất Nga.

Bên cạnh đó là Mikhail Ilyich Surkov - người được bình chọn là xạ thủ bắn tỉa tiêu diệt được nhiều phát xít Đức nhất trong cuộc chiến tranh Vệ quốc với thành tích tiêu diệt 702 tên. Ngoài ra, còn có Ivan Mikhaylovich Sidorenko, là một trong những xạ thủ có cú bắn không tưởng trong lịch sử bắn tỉa được thực hiện từ cự ly 1.100m khi mục tiêu đang chạy.

Có một điều đặc biệt là nước Nga không chỉ có những tay súng thuộc phái mạnh mà còn có những "bông hồng thép". Họ được đánh giá cao về sự kiên nhẫn, sắc sảo, chịu lạnh rất giỏi. Họ được đào tạo chủ yếu tại một trường huấn luyện nữ xạ thủ bắn tỉa ở thủ đô Moskva, do Nora Chegodaeva - một cựu chiến binh của cuộc nội chiến Tây Ban Nha - dẫn đầu. Ước tính có 1.061 "sinh viên" tốt nghiệp và 407 giảng viên, đã bắn hạ 12.000 lính Đức.

Nói về các nữ xạ thủ bắn tỉa của Xôviết, trong cuốn nhật ký của mình, tướng Hunersdorff của Đức viết: "Họ như những bóng ma vậy, thoắt ẩn thoắt hiện. Tôi tự hỏi, tại sao lại là những người phụ nữ? Những người đàn ông đâu rồi?". Trong số các nữ xạ thủ lừng danh ấy phải kể đến Lyudmila Mykhailvna Pavlichenko - người mà với tài năng bắn súng huyền thoại của mình đã được Nguyên soái Semyeon Konstantinov Timoshenko gọi là "Người phụ nữ vĩ đại của Xôviết" và được quân Đồng minh gọi là "Thợ săn phát xít". Cùng với đó là "Tử thần xinh đẹp" - tên gọi do Thống chế Erich von Manstein của Đức đặt - Marie Ljalková-Lastovecká, nổi tiếng với phát súng có một không hai trong lịch sử thế giới từ cự ly 1.200m.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.