Chuyện ly kỳ của nữ điệp viên anh hùng

Nữ điệp viên chiến lược của Việt Nam

Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) đang làm việc tại phòng cố vấn tình báo Hải quân Mỹ. ảnh: Tư liệu
Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) đang làm việc tại phòng cố vấn tình báo Hải quân Mỹ. ảnh: Tư liệu
TP - Những năm tháng làm việc với Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn giúp Tám Thảo trưởng thành. Cô được tổ chức giao cho nhiệm vụ tiếp cận với tổ chức tình báo của đối phương và hoạt động độc lập với tư cách một nữ tình báo viên chiến lược của miền ngay trong chính trung tâm tình báo của địch. 

Tiếp cận cơ quan tình báo Mỹ

Việc một tình báo viên Việt Cộng có thể lọt vào tổ chức tình báo của quân đội Mỹ có lẽ là một nhiệm vụ gần như bất khả thi và ngoài sự tưởng tượng của rất nhiều người. Song tổ chức đã giao cho Tám Thảo thực hiện nhiệm vụ “không tưởng” này.

Anh Tư Cang, Cụm trưởng cụm tình báo H63 giao nhiệm vụ cho Tám Thảo là “tìm mọi cách tiếp cận cơ quan tình báo Mỹ và lấy cho được tài liệu tình báo của Mỹ”.

Tám Thảo đã nộp đơn thi vào làm việc tại lực lượng hải quân Việt Nam cộng hòa với vai trò thông dịch viên. Bước đầu, cô lọt vào nhóm các thông dịch viên làm việc cho hải quân. Sau đó, tiến thêm một bước, cô tiếp cận làm việc cho phòng tình báo và cuối cùng cô được nhận vào làm ở vị trí phiên dịch cho cố vấn tình báo Mỹ tại phòng 2 tình báo hải quân Việt Nam cộng hòa.

Các tài liệu tình báo của hải quân sẽ được xử lý ở nhiều phòng và những tài liệu tối quan trọng sẽ đến tay cố vấn Mỹ. Phòng làm việc của cố vấn Mỹ tại trung tâm tình báo, chỉ vỏn vẹn 2 người là cố vấn và thông dịch viên.

Lực lượng hải quân của Mỹ và Việt Nam cộng hòa hoạt động cả ngoài biển và trong bờ, bao gồm cả Hạm đội 7, thường xuyên hợp đồng tác chiến với các lực lượng bộ binh và không quân, tham gia vào hầu hết mọi hoạt động quân sự tại miền Nam và cả miền Bắc. Đánh giá được vai trò vô cùng quan trọng của Tám Thảo, cơ quan tình báo miền đã cử anh Tư Cang là một chỉ huy tình báo vào thành phố và ở ngay trong nhà Tám Thảo (trong vai thầy giáo dạy Anh văn), ngôi nhà chỉ cách dinh Độc Lập khoảng 100 mét. Anh Tư Cang sẽ ghi chép, chụp hình các tài liệu mật mà Tám Thảo lấy được từ cơ quan tình báo đối phương, chuyển về căn cứ.

Suốt bốn năm trời Tám Thảo làm việc tại cơ quan tình báo địch (từ năm 1966-1969, thời điểm Mỹ tăng cường đổ bộ vào miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc), Tám Thảo và Tư Cang đã chuyển về căn cứ một lượng tài liệu tình báo rất lớn.

Chuyến “hàng” đầu tiên

Cô Tám Thảo tủm tỉm nhớ lại: “Tôi vào làm việc 3 tháng liền với cố vấn, nhưng không đưa về một trang tài liệu nào. Anh Tư Cang rất nóng ruột, anh hỏi tôi sao vẫn chưa đem tài liệu ra? Tôi trấn an anh ấy là tôi đang nỗ lực tìm cách đưa tài liệu ra ngoài đây”.

Để tạo ra hình ảnh một tiểu thư đài các, cành vàng lá ngọc, đi làm việc không phải vì lương mà để khoe quần áo, Mỹ Nhung (tên khai sinh của Tám Thảo, nói ở kỳ trước) sắm cho mình hơn một trăm chiếc áo dài loại đắt tiền. Cô thường đi đến những nơi sang trọng, đắt đỏ nhất. Thậm chí tại chỗ làm, cô chỉ đi vệ sinh ở chỗ dành cho cấp tá chỉ huy cố vấn của Mỹ. Một mình cô có lối sống trưởng giả, cành vàng lá ngọc như thế ở cơ quan tình báo.

Buổi sáng, anh Tư Cang đánh xe chở Mỹ Nhung đi làm. Buổi chiều, cố vấn Mỹ chở cô về nhà. Trong con mắt của 12 lính bảo vệ, cô thông dịch viên này là một quý bà đặc biệt, một người mà người ta rất khó có thể moi đồ trong túi ra để kiểm tra.

Đến khi, đối phương không nghi ngờ gì, không khám xét, Mỹ Nhung mới đem tài liệu về nhà. Khi nhận được tài liệu tình báo trong tay, anh Tư Cang rất vui mừng.

Xóa tan nghi ngờ

Một lần cố vấn yêu cầu Mỹ Nhung làm thêm ngoài giờ. Lúc này, nếu cô vui vẻ nhận lời thì rất bất lợi, vì cô luôn đóng vai một tiểu thư, đi làm không phải vì lương mà chỉ để có địa vị xã hội. Nếu ham làm ngoài giờ, cố vấn sẽ nghi ngờ động cơ. Cô từ chối. Tên cố vấn nổi nóng, đập tay vào mặt bàn làm việc. Mỹ Nhung cũng không vừa, cô cũng đập tay lên bàn để phản đối.

Một số người trong cơ quan tình báo hải quân rỉ tai cô thông dịch viên: “Cố vấn Mỹ đang nghi ngờ cô là cộng sản đấy! Vì cô cứng đầu không chịu làm theo lệnh”. Tình thế cam go, bởi chỉ cần nghi ngờ thôi, tên cố vấn sẽ không sử dụng Mỹ Nhung nữa. Trường hợp xấu hơn, cô có thể bị bắt để điều tra.

Tám Thảo bèn vận động những người cùng làm phản ứng lại với cố vấn Mỹ, rằng “Mỹ Nhung con nhà tiểu thư nên không làm thêm ngoài giờ. Nếu nghi cô ấy là cộng sản thì cả sở này đều là cộng sản à?”. Tên cố vấn Mỹ đuối lý. Mỹ Nhung yêu cầu cố vấn Mỹ phải xin lỗi cô về cách ứng xử của anh ta. Cuối cùng, tên cố vấn phải xin lỗi và tặng Mỹ Nhung một chai dầu thơm.

Thoát chết trong gang tấc

Những cuộc sát hạch với Mỹ Nhung diễn ra rất bất ngờ và nếu không có “trái tim thép” có lẽ nữ điệp viên đã rơi vào tay đối phương. Sau một thời gian làm việc tưởng chừng cực kỳ yên ổn, một hôm, cô bị đưa đi kiểm tra bằng máy kiểm tra nói dối.

Mỹ Nhung khi ấy vô cùng bất ngờ. Nhưng trước đó, cô đã được Phạm Xuân Ẩn tiết lộ cách đối phó với máy kiểm tra nói dối, đó là phải hết sức bình tĩnh.

Nữ điệp viên anh hùng kể: “Tôi có nghe nói việc kiểm tra máy nói dối diễn ra chừng hơn một tiếng đồng hồ thôi, nhưng với tôi họ kiểm tra tới hơn 3 tiếng đồng hồ. Tại sao họ lại kiểm tra tôi và tại sao kiểm tra kỹ như vậy? Tôi lo lắng chứ. Nhưng nhớ lời anh Ẩn tôi vẫn giữ bình tĩnh trả lời rành rọt các câu hỏi họ đặt ra”.

Sau ba tiếng bị máy kiểm tra nói dối thử thách, cô bước ra khỏi phòng đã thấy cố vấn Mỹ đứng ở cửa và hỏi rất lạnh lùng: “Tôi tưởng cô bị giữ lại trong đó luôn rồi chứ”. Tám Thảo bình tĩnh đáp trả: “Tại sao tôi lại bị giữ? Tôi có làm gì để bị giữ lại?”.

Khi cô về tới nhà, anh Tư Cang rất lo, bảo: “Em kiểm tra xem có sai sót gì không? Tại sao nó lại kiểm tra mình em vậy?” Anh Tư Cang bảo cô hỏi dò xem họ biết mình tới đâu. Tám Thảo nói: “Để  mai em tính”.

Ngày hôm sau, cô vào sở làm. Đó có thể là ngày cô bị bắt, cũng có thể cô sẽ tiếp tục bị nghi ngờ thử thách.

Cô Tám Thảo kể: “Ngày hôm sau đi làm, tôi khóc, khóc thiệt nha. Khóc như mưa từ cầu thang mà khóc vào phòng. Tên cố vấn hỏi: Vì sao cô Nhung khóc? Tôi vừa khóc vừa bảo: Ông làm nhục tôi! Tôi làm cho ông cả năm trời, ông còn đi thử tôi, ông không tin tôi!”.

Tên cố vấn thấy cô thông dịch khóc dữ quá, bèn nói: “Cô biết vì sao lại làm vậy với cô không? Vì cô làm công tác tình báo, nên phải làm vậy”.

Nữ điệp viên chiến lược của Việt Nam ảnh 1 Nữ anh hùng Tám Thảo rất tự hào về những đóng góp của mình vào việc thống nhất 
đất nước. Ảnh: Trần Nguyên Anh 

Cô Tám Thảo kiên định, dũng cảm chui sâu vào cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, lấy được nhiều tài liệu quan trọng trước chiến dịch Mậu Thân. Cô Tám Thảo thật sự có thần kinh thép vì phải sống, làm việc, hoạt động tình báo trong hang ổ của kẻ thù, thực tế là phải “Vào hang bắt cọp”. 
Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh, nguyên Trưởng phòng Điệp báo Cục II, Bộ Quốc phòng

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG