Nữ điệp viên làm tan xác chiến hạm trên biển Sầm Sơn

TPO - Với 30 kg thuốc phát nổ, bà Nguyễn Thị Lợi khiến hơn 200 sĩ quan địch tan xác, cùng với đồ chi viện trên chiến hạm Amyot D'Inville chìm xuống vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Người phụ nữ kiên trung

Sự việc diễn ra vào sáng ngày 27/9/1950, 4 chiến sỹ dân quân xã Quảng Tường (nay là phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) chèo thuyền đưa Nguyễn Thị Lợi (bí số A16) trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh, đàng hoàng lên tàu Amyot D'Inville. 

Lấy lý do sức khỏe, phu nhân Quốc vụ khanh vào phòng nghỉ mang theo 30kg thuốc nổ được đựng trong một chiếc valy. Khoảng 30 phút sau, chiến hạm Amyot D'Inville đã nổ tung. 

Hơn 200 sĩ quan địch, cùng với hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng mà thực dân Pháp dự định chi viện cho quân đội Pháp ở Việt Nam bị chìm xuống đáy biển. Cùng trên chiếc chiến hạm ấy, Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hi sinh, mãi mãi nằm dưới lòng biển.

Nữ điệp viên làm tan xác chiến hạm trên biển Sầm Sơn ảnh 1

Vùng biển Sầm Sơn nơi nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã hi sinh. Ảnh: Hoàng Lam

Nguyễn Thị Lợi (SN 1911) quê ở Châu Phú, Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà gửi người con gái đầu cho mẹ đẻ ở quê rồi đưa người con trai nhỏ theo chồng ra Bắc. Trên đường đi, bom đạn của kẻ thù đã cướp đi người con trai và chồng bà. Ở trong vùng kháng chiến, bà được mọi người đùm bọc, động viên vượt qua nỗi đau mất chồng, con.

  

Tại vùng kháng chiến phía tây nam Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Lợi đã gặp Hoàng Đạo (Nguyên Trưởng Ty Công an Thanh Hóa, lúc bấy giờ là Tổ trưởng Tổ Điệp báo A13). Nhận thấy bà Lợi là người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, kiên trung, có tố chất của một chiến sĩ điệp báo nên ông Hoàng Đạo đã kết nạp bà vào Tổ Điệp báo do ông phụ trách.

Theo ghi chép, đầu năm 1949, Ty Điệp báo Trung ương chủ động, khéo léo đưa điệp viên thâm nhập vào bộ máy Chính phủ Bảo Đại. Trong vai trò Quốc vụ khanh, đồng chí Hoàng Đạo đã xâm nhập và đứng vững trong bộ máy Chính phủ Bảo Đại. 

Để dễ dàng khống chế, địch chủ động đề nghị Quốc vụ khanh Hoàng Đạo đưa phu nhân ra Hà Nội chung sống. Thực dân Pháp cho chiến hạm Amyot D'Inville, một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp trong khu vực Thái Bình Dương, đón phu nhân Quốc vụ khanh.

Trước tình hình mới, cấp trên lệnh cho ông Hoàng Đạo kết thúc nhiệm vụ trong hàng ngũ địch để nhận nhiệm vụ khác. Đồng thời, qua phân tích tình hình, ta quyết định đánh bom Amyot D'Inville nhằm tiêu diệt nặng nề sinh lực địch, gây hoang mang, dao động trong giới quân sự, chính trị Pháp, làm phá sản âm mưu chiến tranh của thực dân Pháp.

Điệp báo Hà Nội và Thanh Hóa được giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng, nguy hiểm này. Nhân vật cốt yếu đảm bảo cho thắng lợi là người đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh. Trước nhiệm vụ vinh quang, bà Nguyễn Thị Lợi đã đề nghị với ông Hoàng Đạo được tham gia trận đánh, xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc.

Ngày 3/8/1995, Nhà nước ta truy tặng cho nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân.

Nữ điệp viên làm tan xác chiến hạm trên biển Sầm Sơn ảnh 2 Tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Lợi trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Thị Lợi (P.Trung Sơn, Sầm Sơn). Ảnh: Hoàng Lam

Mộ gió nơi biển khơi

Nơi bà Nguyễn Thị Lợi lên tàu để thực hiện nhiệm vụ hy sinh nay là phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa). Câu chuyện hy sinh của bà năm ấy vẫn như còn mới nguyên về lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh vì Tổ quốc. Thi thể bà đã hòa vào biển khơi, nhưng với nhân dân Sầm Sơn, con đừng, ngôi trường mang tên bà như những ngôi mộ gió để truyền lại cho các thế hệ tấm gương của bà.

“Để ghi nhớ điểm mốc nơi xuất phát lên đường làm nhiệm vụ của người anh hùng Nguyễn Thị Lợi, năm 2007, chính quyền địa phương đã xây dựng bia tưởng niệm tại bờ biển thuộc phường Trung Sơn, nơi bà Nguyễn Thị Lợi lên thuyền để đến chiến hạm Amyot D'Inville của giặc thực hiện sứ mệnh cao cả vì độc lập tự do của dân tộc. Dự kiến, trong tương lai, nơi đây sẽ quy hoạch xây dựng khu tưởng niệm người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lợi”- ông Trịnh Tứ Vân, Phó chủ tịch UBND phường Trung Sơn cho biết.

Nữ điệp viên làm tan xác chiến hạm trên biển Sầm Sơn ảnh 3

Bia tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi tại bờ biển Sầm Sơn, nơi bà xuất phát lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Lam

Còn thầy Trần Hiếu Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Lợi cho biết: Trường THPT Nguyễn Thị Lợi được thành lập 7/9/2001. Năm 2010, nhà trường đã xây dựng tượng đài người nữ Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Lợi tại khuôn viên nhà trường.

Hàng tháng nhà trường đều tổ chức dâng hương tưởng nhớ bà để học sinh hiểu được sự hi sinh cao cả của thế hệ cha ông cho độc lập tự do của dân tộc…

MỚI - NÓNG