Pháp bối rối với tàu ngầm Nga áp sát căn cứ hạt nhân

Lễ ra mắt tàu ngầm Podoskovye của Nga. Ảnh: Zvezdochka
Lễ ra mắt tàu ngầm Podoskovye của Nga. Ảnh: Zvezdochka
Giới chức Pháp vẫn chưa thể xác định chiếc tàu ngầm nào của Nga đã tiến hành hoạt động do thám căn cứ tên lửa hạt nhân bí mật của nước này nằm trên bờ biển Đại Tây Dương.

Hồi đầu tháng ba, một tàu ngầm bí ẩn của Nga đã bất ngờ áp sát căn cứ tên lửa hạt nhân có độ an ninh cao bậc nhất châu Âu của Pháp nằm gần vịnh Gascogne, phía bắc Đại Tây Dương. Mặc dù đã phát hiện ra sự hiện diện của "vị khách không mời", quân đội Pháp vẫn chưa thể xác định đó là loại tàu ngầm nào, bởi những dấu vết nó để lại rất ít và mơ hồ, theo Mer et Marine.

Dựa trên những phân tích của bộ phận radar cảnh báo về kích thước con tàu, ban đầu một số quan chức quốc phòng Pháp cho rằng đó có thể là một tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo SSBN của Nga.

Giả thuyết này lập tức gây phản ứng mạnh mẽ từ các nhà hoạch định chính sách quân sự hàng đầu tại Paris. Bởi sự hiện diện của một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo với tầm bắn ít nhất 8000 km sát lãnh hải của Pháp thực sự là một động thái gây hấn không thể bỏ qua trong bối cảnh gần đây hai bên không có những diễn biến căng thẳng.

Tuy nhiên giả thuyết nhanh chóng bị bác bỏ, do các chuyên gia nhận định rằng việc đưa tàu ngầm hạt nhân chiến lược tiếp cận lãnh hải một quốc gia là hành động "ngu ngốc" và không đáng có về chiến thuật của các cường quốc quân sự.

Hơn nữa, nguyên tắc hoạt động của loại tàu ngầm này là phải đảm bảo tuyệt đối bí mật bằng mọi giá, trong khi chiếc tàu ngầm của Nga dường như đã cố tình để lại dấu vết để chứng tỏ sự hiện diện của mình.

Các quan chức an ninh hải quân Pháp cũng không mấy tin tưởng vào khả năng đây là một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga. Hải quân Nga đã duy trì một lực lượng tàu ngầm loại này trên Đại Tây Dương trong hàng chục năm qua và chưa từng có ý định tiếp cận lãnh hải Pháp với bất cứ mục đích gì.

Theo Mer et Marine, tất cả những dấu hiệu phát hiện được cho thấy đây rất có thể là loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược SSBN của Nga, nhưng đã được cải hoán thành tàu ngầm do thám với nhiều thiết bị điện tử hiện đại cũng như khả năng mang theo một tàu ngầm trinh sát mini.

Pháp bối rối với tàu ngầm Nga áp sát căn cứ hạt nhân ảnh 1

Mô hình tàu ngầm SSBN chuyển đổi có khả năng mang theo tàu ngầm mini. Ảnh: Sputnik

Hạm đội Biển Bắc của Nga có hai tàu ngầm dạng này. Chiếc mới nhất là Podmoskovye (BS-64) và chiếc cũ là Orenburg (BS-136).

Orenburg là tàu ngầm hạt nhân chiến lược cũ lớp Delta III được đưa vào hoạt động từ năm 1981 và sửa chữa lại vào giữa thập niên 1990 để trở thành tàu mẹ cho các tàu ngầm mini Paltus và Project 1083. Theo đó, khoang chứa tên lửa đã được tháo dỡ giúp Orenburg có thể dễ mang theo một tàu ngầm Paltus dưới bụng. Với khả năng lặn rất sâu, tàu ngầm mini Paltus thường tham gia các chiến dịch đặc biệt bí mật của hải quân Nga.

Còn Podmoskovye được cải hoán từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Delata IV, hạ thủy vào năm 1986. Năm 1999, con tàu được đưa đến nhà máy đóng tàu Zverdochka để tháo dỡ vũ khí, chuyển thành một tàu ngầm chuyên nghiên cứu đáy biển. Sau nhiều năm sửa chữa, nó đã hoạt động trở lại vào tháng 8/2015.

Podmoskovye cũng mang theo các tàu ngầm mini, nhưng là loại tàu ngầm mới có tên Losharik hạ thủy năm 2007, có chiều dài 74 m. Losharik có khả năng hoạt động rất bí mật bởi tốc độ chạy không ồn của nó lên đến 40 hải lý một giờ.

Các chuyên gia về vũ khí hải quân Pháp cho rằng động thái này của Nga làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua phát triển năng lực tàu ngầm như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thời điểm Nga luôn tỏ ra vượt trội trước các quốc gia châu Âu.

Giai đoạn đó, hạm đội tàu ngầm bí mật do thám phương Tây của Liên Xô hoạt động thường xuyên nhưng chưa bao giờ thất bại và để lộ tung tích. Năng lực giữ bí mật của tàu ngầm Nga thời điểm đó được đánh giá là "khó tin". Có những lúc các tàu ngầm Nga đã nổi lên mặt biển, tất cả cột ăng ten đều lộ ra bên ngoài để quan sát đối phương mà không hề bị phát hiện.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hải quân Nga suy yếu, các hoạt động này không còn được duy trì như trước. Tuy nhiên dưới thời của Tổng thống Vladimir Putin, hải quân Nga đã dần lấy lại vị thế, và năng lực của hạm đội tàu ngầm nước này cũng đã được khôi phục đáng kể.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG