Quái vật hạt nhân nhanh nhất thế giới của Nga

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Alfa có chiều dài 81,4 m, đường kính 9,5 m, lượng choán nước khi lặn 3.200 tấn. Ảnh: Plymouth
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Alfa có chiều dài 81,4 m, đường kính 9,5 m, lượng choán nước khi lặn 3.200 tấn. Ảnh: Plymouth
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Alfa chạy nhanh hơn ngư lôi đời cũ và có thể lặn tới độ sâu kỷ lục mà tàu ngầm quân sự phương Tây không thể chạm tới.

Tạp chí National Interest cho biết, trong những năm Chiến tranh Lạnh, công nghệ tàu ngầm Liên Xô phát triển chậm hơn so với Mỹ. Liên Xô đã thu được nhiều loại tàu ngầm tiên tiến nhất của Đức quốc xã vào cuối Thế chiến II. Tuy nhiên, người Mỹ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm tác chiến chống ngầm thực tế ở mặt trận Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Sau Thế chiến II, với sự kết hợp của những lợi thế công nghệ, Mỹ đã tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân trong 2 thập kỷ đầu của Chiến tranh Lạnh. Liên Xô phải vất vả để cạnh tranh với phương Tây trong lĩnh vực tàng hình và độ tin cậy.

Sau khi tạo ra một vài mẫu thiết kế chưa thực sự ấn tượng so với các sản phẩm của phương Tây, Liên Xô quyết định phát triển một mẫu tàu ngầm hạt nhân công nghệ cao nhằm vượt qua các đối thủ phương Tây. Dự án Type-705 Lira (NATO định danh là lớp Alfa) là một dự án tàu ngầm hạt nhân đầy tham vọng và rủi ro.

Mục tiêu của dự án là đóng mới một tàu ngầm có thể chạy nhanh, lặn sâu hơn so với bất kỳ tàu ngầm nào của phương Tây. Để làm được điều này, tàu cần có một thiết kế thân độc đáo, lò phản ứng thế hệ mới, cùng nhiều đột phá về vật liệu chế tạo và công nghệ.

Những đồn đoán về dự án Type-705 từng gây ra nỗi sợ hãi trong giới quân sự phương Tây về một loại tàu ngầm có khả năng thống trị mọi đại dương.

Nguồn gốc dự án

Với dự án Lira, Liên Xô nỗ lực thực hiện ba mục tiêu. Đầu tiên họ muốn chế tạo một loại vũ khí có khả năng thay đổi cục diện chiến tranh hải quân ở bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Một vũ khí có thể đe dọa ưu thế hạm đội tàu chiến mặt nước của NATO.

Trong khi NATO hướng đến những tàu ngầm đa năng, Liên Xô lại muốn nhấn mạnh vào nhiệm vụ đánh chặn tốc độ cao nhắm vào đội tàu mặt nước, đặc biệt là tàu sân bay.

Thứ hai là họ muốn tái khởi động cuộc đua công nghệ, sản xuất và đổi mới để kết hợp các tính năng mới vào tàu ngầm trong tương lai. Thứ ba là buộc NATO phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để đối phó với mối đe dọa mà Lira tạo ra.

Thân tàu được chế tạo bằng titan để đạt tiêu chí tốc độ cao và lặn sâu. Phần lớn hệ thống quan trọng trên tàu được tự động hóa giúp giảm ê kíp vận hành và tăng tốc độ phản ứng trong các tình huống chiến đấu.

Để đạt yêu cầu tốc độ cao, các kỹ sư Liên Xô đã phát triển lò phản ứng nhanh làm mát bằng chì giúp tạo ra năng lượng lớn với kích thước nhỏ gọn. Tuy nhiên, lò phản ứng này lại đặt ra thách thức rất lớn về bảo trì ngay cả khi đang neo tại cảng.

Tàu ngầm nhanh nhất thế giới

Quái vật hạt nhân nhanh nhất thế giới của Nga ảnh 1

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Alfa cùng với máy bay đánh chặn MiG-25 từng gây hoang mang cho giới quân sự NATO. Ảnh: FAS

Type-705 có thể di chuyển dưới nước với tốc độ lên đến 41 hải lý/giờ (73,8 km/h) và có thể lặn tới độ sâu 670 m, vượt xa các tàu ngầm phương Tây. Con tàu thiết lập kỷ lục về tốc độ và độ sâu đối với tàu ngầm quân sự cho đến tận hôm nay.

Tốc độ cao và độ sâu lặn kỷ lục cho phép tàu ngầm Alfa trốn tránh những ngư lội hiện đại nhất của NATO. Nhưng do kích thước nhỏ, Alfa mang theo ít vũ khí hơn so với các tàu ngầm hạt nhân khác của Liên Xô. Tàu có thể mang theo 18-21 ngư lôi và tên lửa hành trình. Đây là  cơ số vũ khí này đủ để gây thiệt hại lớn cho hạm đội tàu mặt nước của NATO.

Di chuyển ở tốc độ cao, tàu ngầm Alfa khá ồn khi vận hành, nhưng do độ sâu hoạt động khá lớn cho phép tàu có khả năng tàng hình tùy thuộc vào điều kiện đại dương. Quan trọng hơn, tàu có thể chạy nhanh hơn ngư lôi của NATO nên rất khó bị phát hiện và tiêu diệt.

Tương tự như máy bay đánh chặn MiG-25, tàu ngầm lớp Alfa đã gây ra nhiều mối lo ngại cho NATO. Sự xuất hiện của loại siêu tàu ngầm mới buộc Mỹ và NATO triển khai hàng loạt dự án mới nhằm phát triển các loại cảm biến, vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt nó.

Điển hình là dự án ngư lôi tốc độ cao Mark 48 có thể di chuyển với tốc độ tới 63 hải lý/giờ (113 km/h). Hải quân Hoàng gia Anh cũng phát triển loại ngư lôi tương tự được gọi là Spearfish. Ngoài ra, Mỹ còn phát triển tên lửa chống ngầm siêu âm UUM-125 Sea Lance có tầm bắn khoảng 160 km.

Tuy nhiên, trái ngược với những lo lắng của NATO, tàu ngầm biệt danh “Cá vàng” có chi phí rất cao nhưng không thực sự đáng tin cậy. Con tàu gặp rất nhiều vấn đề về kỹ thuật đòi hỏi các hoạt động bảo trì thường xuyên rất phức tạp và tốn kém.

Hải quân Liên Xô gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì con tàu ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Chỉ có 7 tàu ngầm lớp Alfa được chế tạo trong những năm Chiến tranh Lạnh, trong đó có một mẫu thử nghiệm. Đến những năm cuối Chiến tranh Lạnh, Liên Xô gặp khó khăn khi duy trì các cơ sở quốc phòng khổng lồ. Loại siêu vũ khí đắt đỏ như tàu ngầm Alfa trở thành một gánh nặng.

Sau năm 1989, Hải quân Nga ngưng hoạt động và tháo dỡ toàn bộ tàu ngầm lớp Alfa. Huyền thoại công nghệ một thời của Liên Xô đã được Nga ứng dụng vào các tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ mới như Yasen. 

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG