Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ từ chức sau khi chế nhạo hạm trưởng tàu sân bay

Ông Thomas Modly. (Ảnh: Reuters)
Ông Thomas Modly. (Ảnh: Reuters)
TPO - Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly từ chức hôm 7/4 sau khi vấp phải nhiều chỉ trích về chuyện đã sa thải và chế nhạo vị hạm trưởng tàu sân bay, người đã gửi đơn khẩn cầu về việc cách ly các thuỷ thủ khi dịch COVID-19 lan rộng trên tàu. 

Ông Modly từ chức cho thấy sự chật vật của quân đội Mỹ trong việc cân bằng những ưu tiên của mình: duy trì năng lực sẵn sàng cho xung đột và bảo đảm an toàn cho các quân nhân khi virus corona lây lan rộng. 

Chuyện ông Modly từ chức cho thấy những biến động sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo của Hải quân Mỹ. Bộ trưởng gần đây nhất bị sa thải vào tháng 11 năm ngoái vì xử lý vụ lính thuỷ đánh bộ của Hải quân bị kết tội hành động không phù hợp trên chiến trường. Lính thuỷ đánh bộ đó nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo trên Twitter việc ông Modly từ chức, nói rằng vị quan chức này “từ chức theo ý mình”. Ông Trump đồng tình, nói rằng đó là hành động vị tha và ông không liên quan gì.

“Toàn bộ câu chuyện là…rất không may”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Ông Modly từ chức sau khi có áp lực gia tăng từ Quốc hội và phản ứng từ các thuỷ thủ trên tàu.

Ông Trump sau đó cũng nói rằng ông có thể can dự vào vụ khủng hoảng, rằng vị hạm trưởng bị ông Modly sa thải là một người tốt.

“Tôi đã báo cáo với Tổng thống Trump sau khi nói chuyện với Bộ trưởng Modly”, ông Esper nói.

Ông cũng đề cử Thứ trưởng lục quân Jim McPherson là người thay thế ông Modly làm quyền Bộ trưởng Hải quân.

Trong lá thư gửi đến các thuỷ thủ, ông Modly nói rằng ông chịu trách nhiệm về những việc xảy ra trong vài ngày qua. 

“Không chỉ tên lửa có thể bắn hạ chúng ta, lời nói cũng có thể làm điều đó, nếu chúng ta không cần thận về cách thức và thời điểm sử dụng chúng”, ông Modly nói. 

“Đó là lỗi của tôi. Tôi nợ điều đó”, ông thú nhận.

Hạm trưởng Brett Crozier có một bước đi quyết liệt để bảo vệ an toàn cho các thuỷ thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bằng cách gửi bức thư dài 4 trang được tiết lộ cho báo chí vào tuần trước. 

Khi ông Modly sa thải ông Crozier vì vụ rò rỉ này, các thuỷ thủ ca ngợi ông Crozier như một người anh hùng tổ chức lễ tiễn ông đầy tình cảm và cảnh tượng này đã được ghi lại bằng một video. Phản ứng đó rõ ràng khiến ông Modly thất vọng và dẫn đến việc quan chức dân sự cấp cao nhất của Hải quân phải bay đến tận đảo Guam để trừng phạt vị hạm trưởng trong một bài phát biểu trước thuỷ thủ đoàn hôm 6/4.

Ông Modly dùng một số từ như “ngu ngốc” hay “ngây thơ” để nói về ông Crozier. Sau khi đoạn ghi âm bài phát biểu này bị rò rỉ, ông Modly ban đầu kiên quyết bảo vệ quan điểm. Nhưng sau đó, khi bị ông Esper yêu cầu, ông đã phải đưa ra lời xin lỗi.

Ông Trump tỏ ra đứng về phía ông Modly, nói rằng ông Crozier đã sai khi viết bức thư.

“Hạm trưởng không nên viết bức thư. Ông ấy không cần phải là Ernest Hemingway. Ông ấy phạm sai lầm, nhưng ông ấy đã có một ngày tồi tệ”, ông Trump nói tại cuộc họp báo. 

Nhưng lời xin lỗi của ông Modly không đủ khiến những người chỉ trích nguôi giận và họ kêu gọi ông phải từ chức.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng lên tiếng kêu gọi ông Modly từ chức. 

“Đáng buồn là hành động và lời nói của Quyền Bộ trưởng Modly thể hiện sự thất bại trong ưu tiên bảo vệ lực lượng của chúng ta”, bà Pelosi nói trong một thông cáo. 

Chủ tịch Uỷ ban quân vụ Hạ viện, ông Adam Smith, trước đó cũng kêu gọi phải thay thế ông Modly. 

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG