Ra Trường Sa ký họa lính đảo

Ra Trường Sa ký họa lính đảo
TP - Được đi thăm Trường Sa đối với nhiều người là vinh dự lớn trong cuộc đời họ. Với ông Lương Minh Vũ (57 tuổi, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận) lần đầu tiên ấy lại càng bồi hồi, xúc động. Ông đã ký họa gần trăm bức chân dung để tặng các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Yêu thơ ca từ trong quân ngũ

Nửa cuối tháng 12/2013, tôi có vinh dự được cùng đoàn công tác ra thăm hỏi, chúc tết quân dân huyện đảo Trường Sa. Đoàn chúng tôi ngoài các cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ, phóng viên báo đài còn có những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Số người trên 50 tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có ông Lương Minh Vũ.

Ông Vũ sinh ra ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Năm 1974, ông thi đỗ vào Đại học Khoa học (nay gọi là ĐH Khoa học Tự nhiên). Năm 1976, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trí thức trẻ Lương Minh Vũ gác sự nghiệp đèn sách, xách ba lô lên đường nhập ngũ. Sáu năm ở chiến trường Tây Nguyên, Lương Minh Vũ bén duyên với thơ ca.

Vốn là người có đời sống nội tâm phong phú, những bài thơ đầu tay của Lương Minh Vũ được khai thác từ chính những tháng ngày rèn luyện trong môi trường quân đội, từ chính đồng đội và bản thân ông. Bài thơ đầu tay của ông được viết năm 1978 có tựa đề: “Cùng đồng đội”. Hơn 30 năm sau (năm 2011), ông Vũ mới có điều kiện để tập hợp các tác phẩm của mình, xuất bản tập “Thơ từ đáy ba lô”.

“Có giọt nước mắt đã nhỏ xuống/ Xin đừng cười hỡi bè bạn ta ơi! Ngày mai mặt trời sẽ nhô lên đỉnh núi/ Rừng cây sẽ thức dậy/ Loài chim trở về tiếng hát/ Đưa một ngày trôi xuôi/ Và chúng ta cũng trở về thực tại một ngày/ Đêm nay giữa rừng/ Ta quần tụ yến anh/ Những sĩ tốt của thời hiện đại/ Uống nỗi buồn bằng một chén sắt/ Nỗi buồn cứ chạy vòng quanh…” (Trích đoạn đầu trong bài thơ Cùng đồng đội).

Hồi đấy, khuynh hướng chung của văn học mang tính chất cổ vũ, động viên quân dân với tư tưởng lạc quan, yêu đời. Song, thơ của Lương Minh Vũ lại thể hiện cái tôi cô đơn, nhiều nỗi niềm riêng. Vì thế, ông chỉ sáng tác rồi cất giấu trong “đáy ba lô”.

Sau khi xuất ngũ (năm 1982), Lương Minh Vũ chuyển lên thị xã La Gi (Bình Thuận) xây dựng gia đình, lập nghiệp và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê thơ ca. Tập truyện ngắn đầu tay của ông được xuất bản năm 2007 có tựa đề: “Nằm nghiêng nhớ núi”. Năm 1998, Lương Minh Vũ được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận.

Vượt sóng lớn ký họa lính đảo

 Bức ký họa chân dung chiến sĩ tân binh của họa sĩ Lương Minh Vũ Ảnh: Tuấn Nguyễn
Bức ký họa chân dung chiến sĩ tân binh của họa sĩ Lương Minh Vũ.  Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Tuổi cao, tóc bạc trắng của người nghệ sĩ càng gây ấn tượng mạnh đối với hầu hết các thành viên trên đoàn tàu HQ-571 đi thăm các huyện đảo Trường Sa tuyến phía Nam. Ngày đầu tiên tàu nhổ neo ra khơi, hầu hết các thanh niên trai tráng đều bị say sóng.

Bữa cơm chiều tại nhà ăn của tàu vô cùng trống trải khi chỉ có 1/3 đoàn người xuống dùng bữa. Điều đó càng khiến các “anh nuôi”, tổ phục vụ hậu cần của tàu buồn bã. Song, chính sự xuất hiện của hai cao niên, một người 67 tuổi và ông Minh Vũ với bước đi có chút khập khiễng vì sự chao đảo của tàu tại nhà ăn đã khiến mọi người rạng rỡ hẳn lên.

 “Từ đáy lòng tôi tin tưởng chắc chắn rằng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ luôn được bảo vệ vững chắc bởi thế hệ trẻ. Họ sẵn sàng cống hiến, xả thân hy sinh vì đất nước”. 

Nghệ sĩ Lương Minh Vũ

Người nghệ sĩ Lương Minh Vũ hay trầm tư suy ngẫm lại trổ tài hội họa. Tuần đầu tiên lênh đênh trên biển, tranh thủ những lúc tàu di chuyển hoặc thả neo, ông Vũ lại ký họa chân dung tặng các hành khách. Ban đầu là những người bạn ở cùng phòng. Sau đó, cả đoàn tìm đến xin được ông ký họa.

Vốn có dự định từ trước sẽ phác thảo chân dung, các chiến sĩ biển đảo để sau này về vẽ lại bằng tranh sơn dầu, ông Vũ đã mang sẵn giấy bút trong gói hành lý. Theo ông, ký họa chân dung đòi hỏi người họa sĩ phải nhanh nhạy nắm bắt được thần thái khuôn mặt của chủ thể. Dù sáng tác trong điều kiện sóng biển trập trùng nhưng người họa sĩ già vẽ đẹp không thua kém khi ngồi yên trên đất liền, ai nấy đều thán phục. Đã có khoảng hai mươi bức chân dung đã được ông phác họa trong một tuần lênh đênh trên biển.

Dù mới được đi thăm một đảo trong tổng cộng chục đảo lớn nhỏ của chuyến đi nhưng cảnh tượng thiên nhiên, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã gây ấn tượng sâu sắc đối với ông. Ngày đặt chân lên đảo Đá Tây, dù thời gian vô cùng hạn hẹp, trời mưa giông nhưng Lương Minh Vũ đã phác thảo được hình ảnh một chiến sĩ trẻ đang nâng niu lồng chim cu gáy bên cửa sổ nơi đảo xa.

“Nhìn những chiến sĩ trẻ hồn nhiên, trong sáng ngày đầu đi nghĩa vụ ngoài đảo; những cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp công tác ở đây tôi càng khâm phục nghị lực, tình yêu quê hương, đất nước của họ. Cùng với sự ủng hộ của hậu phương vững chãi, từ đáy lòng tôi tin tưởng chắc chắn rằng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ luôn được bảo vệ vững chắc bởi thế hệ trẻ. Họ sẵn sàng cống hiến, xả thân hy sinh vì đất nước”, ông Vũ hướng ra biển khơi với ánh mắt tràn đầy hy vọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG