Sai lầm của hạm trưởng khiến tàu sân bay hạt nhân Mỹ suýt đắm

Tàu sân bay USS Enterprise. Ảnh: US Navy.
Tàu sân bay USS Enterprise. Ảnh: US Navy.
Bị phân tâm bởi một báo cáo sai, hạm trưởng khiến tàu sân bay USS Enterprise đâm thẳng vào một bãi cạn và suýt bị chìm.

Cuối năm 1985, tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise, một trong những chiến hạm mạnh nhất thế giới, suýt bị đắm sau cú đâm vào dãy đá ngầm ngoài khơi bang California, Mỹ. Sự cố bắt nguồn từ sự mất tập trung của hạm trưởng và khả năng liên lạc kém của thủy thủ đoàn, nhưng quá trình huấn luyện kỹ càng đã giúp ngăn chặn thảm họa xảy ra, theo National Interest.

Khu vực biển phía nam California có nhiều dãy đá ngầm, trong đó có bãi cạn rộng 1,5 km được gọi là Cortes và mỏm đá mang tên Bishop. Dưới tác động của sóng, gió và dòng hải lưu, cột nước biển va vào mỏm đá Bishop có thể cao nhiều mét, tạo ra tiếng va đập có thể nghe thấy từ xa. Các thuyền trưởng thường tìm mọi cách để tránh khu vực này, do chúng dễ dàng đánh chìm mọi con tàu đi lạc.

Ngày 2/11/1985, tàu sân bay USS Enterprise đi vào vùng biển gần bãi cạn Cortes để tiến hành diễn tập sẵn sàng chiến đấu. Kịch bản diễn tập gồm không đoàn trên tàu sân bay thực hiện nhiều đòn tấn công vào mục tiêu được bảo vệ, đòi hỏi tàu Enterprise liên tục di chuyển ngược gió để giúp tiêm kích cất hạ cánh nhanh chóng.

Sai lầm của hạm trưởng khiến tàu sân bay hạt nhân Mỹ suýt đắm ảnh 1

Các cơn sóng lớn tại khu vực bãi cạn Cortes. Ảnh: Brian Tissot.

Hoa tiêu cảnh báo hạm trưởng Robert L. Leuschner Jr. rằng USS Enterprise đang tiến gần tới bãi cạn Cortes và đề nghị chuyển hướng. Tuy nhiên, đúng lúc này, các thủy thủ dưới boong báo cáo rằng có một tay súng ở trên tàu. Dù báo cáo này là sai, hạm trưởng Leuschner vẫn bị phân tâm và không đưa ra mệnh lệnh chuyển hướng kịp thời. Không ai trên đài chỉ huy chú ý tới việc tàu sân bay đang hướng về phía bãi đá ngầm.

Con tàu sân bay hạt nhân dài 342 mét đâm thẳng vào dải đá ngầm với lực va chạm khủng khiếp. Cú đâm mạnh tới mức thân tàu USS Enterprise bị rách một đường dài 18 m ở lớp vỏ chịu lực dưới nước, ba trong 4 chân vịt khổng lồ của tàu bị hỏng, sống tàu bên trái bị bung ra.

Tàu USS Enterprise trôi dạt trên biển nhưng không bị lật nghiêng do thủy thủ đoàn áp dụng biện pháp chống ngập khẩn cấp. Sau đó, các binh sĩ thủy quân lục chiến đứng cảnh giới đề phòng cá mập để thợ lặn đánh giá thiệt hại.

Chi phí sửa chữa USS Enterprise ước tính vào khoảng 17 triệu USD, tương đương 36 triệu USD hiện nay. Hạm trưởng Leuschner bị cách chức sau đó hai tháng do không đủ khả năng lãnh đạo. Tàu sân bây Enterprise tiếp tục phục vụ trong biên chế hải quân Mỹ cho tới khi bị loại biên và đưa vào niêm cất trong năm 2012.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG