SAM-3, mãi mãi là ‘bí mật’ trong ‘Điện Biên Phủ trên không’

SAM-3, mãi mãi là ‘bí mật’ trong ‘Điện Biên Phủ trên không’
Trong năm 1972, Việt Nam nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc hai tổ hợp tên lửa phòng không mới, SAM-3 và Hồng Kỳ 2 (HQ-2).

Câu hỏi đặt ra là liệu 2 loại tên lửa phòng không mới này có tham gia chiến dịch bảo vệ thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc trong 12 ngày đêm cuối năm 1972?

"Nuối tiếc" SAM-3

SAM-3 là hệ thống tên lửa đất đối không (Liên Xô gọi là S-125 Pechora) do Cục Thiết kế Trung ương Almaz nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1961.

SAM-3 có tầm bắn hiệu quả ngắn hơn và độ cao diệt mục tiêu thấp hơn so với SA-2. Nhưng tên lửa rất hiệu quả khi tấn công mục tiêu bay thấp, cơ động cao và có khả năng kháng nhiễu điện tử mạnh hơn so với SA-2.

Một hệ thống SAM-3 gồm: 3 bệ phóng (mỗi bệ 4 đạn) và đài điều khiển hỏa lực SNR-125.

Đạn tên lửa dùng cho SAM-3 thiết kế 2 tầng động cơ: động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn (thời gian đốt 2,6 giây) và động cơ hành trình nhiên liệu rắn (thời gian đốt 18,7 giây).

Trên tầng động cơ khởi tốc có gắn 4 cánh vây hình chữ nhật, ở phần thân trên có 4 cánh vây cố định và 4 vây chuyển động nhỏ hơn ở đầu tên lửa. Tên lửa được điều khiển bằng sóng vô tuyến.

Hai biến thể đạn chính dùng cho SAM-3 gồm: đạn V-600 có đầu đạn nổ tạo mảnh (nặng 60kg) và tầm bắn 15.000m; đạn V-601 lắp đầu đạn nổ tạo mảnh (nặng 70kg, số mảnh tạo 4.500), vùng sát thương tới 35.000m, độ cao bay 18.000m.

Được đưa vào phục vụ trong lực lượng phòng không Liên Xô từ những năm 1960 nhưng mãi tới năm 1972, Liên Xô bắt đầu viện trợ tên lửa SAM-3 cho Việt Nam.

Nếu các trung đoàn SAM-3 kịp thời triển khai chiến đấu thì có thể chúng ta đã bắn rơi nhiều B-52 hơn
Nếu các trung đoàn SAM-3 kịp thời triển khai chiến đấu thì có thể chúng ta đã bắn rơi nhiều B-52 hơn.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, từ tháng 6-1972, cán bộ chiến sĩ của ta mới sang Liên Xô học tập sử dụng SAM-3. “SAM-3 có tốc độ bắn rất nhanh, độ cao tuy không lớn hơn so với SA-2 nhưng ở trong tầm với tới B-52. SAM-3 có xác suất trúng mục tiêu cao hơn”, ông nói.

Ngày 5-12-1972, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 277 (trang bị SAM-3) về tới Hà Nội, đóng quân tại Vân Nội, Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội. Tại đây, trung đoàn đã củng cố lại tổ chức, sắp xếp lại cán bộ, quán triệt, nhiệm vụ, chuẩn bị trận địa, chờ vũ khí – khí tài về là triển khai chiến đấu ngay.

Tới đêm 18-12, Trung đoàn 276 – đơn vị SAM-3 thứ hai về đến ga Kép (Bắc Giang) được lệnh dừng lại. Trung đoàn cho bộ đội xuống tàu, kịp thời sơ tán về làng Kép Hạ để chờ các đoàn tàu chở vũ khí khí tài về triển khai chiến đấu.

Với quyết tâm cao, mặc mưa bom bão đạn, địch đánh phá suốt ngày đêm, ban chỉ huy trung đoàn 276 tập trung mọi khả năng cho tiểu đoàn hỏa lực 169 hoàn chỉnh đồng bộ bước vào chiến dịch trước. Tiểu đoàn 169 đã chiếm lĩnh và triển khai trận địa ở Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội), các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật làm việc hết sức mình triển khai nhanh dây chuyền lắp ráp được 4 quả đạn SAM-3 chuyển cho tiểu đoàn 169.

Rất tiếc, khi công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn tất, tên lửa đã nằm trên bệ sẵn sàng diệt B-52 thì chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Đế Quốc Mỹ vào Hà Nội kết thúc.

“Trong niềm hân hoan đón mừng chiến thắng của dân tộc, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 276 ai cũng nuối tiếc đã không kịp phóng đạn đánh vào những chiếc máy bay cuối cùng của địch trên bầu trời Hà Nội. Nhiều người đã thốt lên: Nếu như đạn về đồng bộ với vũ khí khí tài thì trung đoàn đã phát huy được hỏa lực tham gia những trận đánh cuối cùng bảo vệ Hà Nội”, tài liệu Lịch sử Trung đoàn 276 viết.

Thất vọng Hồng Kỳ 2

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung – cao Hồng Kỳ 2 (HQ-2) do Trung Quốc thiết kế cải tiến từ thế hệ Hồng Kỳ 1 (HQ-1) được nước này sao chép từ hệ thống S-75 Dvina của Liên Xô.

Trang bị của một hệ thống tên lửa HQ-2 tương tự hệ thống S-75 Dvina của Liên Xô với 6 bệ phóng và đài điều khiển hỏa lực cùng các xe hỗ trợ khác.

Dù đã được cải tiến nhưng HQ-2 không thể đối phó với nhiễu điện tử của Mỹ
Dù đã được cải tiến nhưng HQ-2 không thể đối phó với nhiễu điện tử của Mỹ.

Đạn tên lửa HQ-2 thiết kế 2 tầng gồm tầng khởi tốc dùng nhiên liệu rắn và động cơ hành trình dùng nhiên liệu lỏng. Tên lửa lắp đầu đạn nổ tạo mảnh nặng 190kg, vùng sát thương 12-32km, độ cao diệt mục tiêu 12-32km, tốc độ hành trình 1.150m/s. Đạn HQ-2 có độ chính xác trong phát bắn đầu tiên là 68%.

So với HQ-1, HQ-2 được giới thiệu là cải tiến mạnh về khả năng kháng nhiễu điện tử đối phó với các loại máy bay Mỹ. Nhưng thực tế, trên chiến trường Việt Nam, HQ-2 không thể hiện được nhiều.

Đầu những năm 1970, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam một Trung đoàn tên lửa HQ-2.

Ngày 6-5-1972, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 73/QĐ-QP giao cho Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức thêm Trung đoàn tên lửa 268 do đồng chí Trịnh Đình Xuyến làm trung đoàn trưởng và đồng chí Yến làm chính ủy.

Trung đoàn 268 biên chế 3 tiểu đoàn hỏa lực 38-39-49 và tiểu đoàn kỹ thuật 50. Đoàn 268 trang bị hệ thống tên lửa đất đối không HQ-2.

Toàn thể cán bộ và chiến sĩ trung đoàn do chuyên gia Trung Quốc trực tiếp huấn luyện. Ngay sau khi huấn luyện xong, hệ thống HQ-2 được đưa vào chiến đấu thử nghiệm nhưng không phát huy hiệu quả trong điều kiện nhiễu điện tử phức tạp.

“Hồng Kỳ 2 là loại tên lửa cải tiến từ S-75 Dvina nhưng cải tiến không triệt để. Trong quá trình chiến đấu, Hồng Kỳ 2 rất khó bắt mục tiêu trong điều kiện bị đối phương gây nhiễu điện tử mạnh, đạn phóng lên rơi xuống đất”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết.

Như vậy, cả hai hệ thống tên lửa mới của phòng không Việt Nam trong năm 1972 là SAM-3 và HQ-2 đều không tham chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Trong khi việc không thể triển khai kịp SAM-3 là điều đáng tiếc thì HQ-2 là sự thất vọng khi không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chiến đấu.

Theo Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG