‘Sát thủ tàu sân bay’ đến Địa Trung Hải

‘Sát thủ tàu sân bay’ đến Địa Trung Hải
TPO – Sau hải trình kéo dài hơn 10 ngày, hôm 20/9, tuần dương hạm Moskva đã tiến vào vùng biển phía Đông thuộc Địa Trung Hải, đảm nhiệm vai trò chỉ huy tác chiến các lực lượng Hải quân Nga tại khu vực.
Tuần dương hạm Moskva. Ảnh: RIA Novosti
Tuần dương hạm Moskva. Ảnh: RIA Novosti.

Theo RIA Novosti, tuần dương hạm tên lửa Moskva rời Sevastopol hôm 2/7/2013, thực hiện sứ mệnh dẫn đầu biên đội tàu chiến và tàu bảo đảm của các hạm đội Biển Đen, Phương Bắc và Baltic ở phía Bắc của Đại Tây Dương.

Đầu tháng 8/2013, tàu thăm cảng La Habana, Cuba; ngày 13/8, thăm cảng Corinto, Nicaragua, sau khi chạy từ Cuba qua kênh Panama.

Ngày 27/8, biên đội tàu đã thăm cảng La Guaira, Venezuela. Tại Đại Tây Dương, tàu thử nghiệm hệ thống vũ khí tấn công trên tàu, chủ yếu là P-1000 Vulcan.

Theo kế hoạch, tuần dương hạm Moskva tiếp tục ghé cảng Cabo Verde của Venezuela để tiến hành các hoạt động trao đổi quân sự được lập trình từ trước khi cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời. Tuy nhiên, trước những gia tăng căng thẳng tại Syria, tuần dương hạm Moskva đã được lệnh hủy chuyến thăm, thay đổi kế hoạch trước đó, chuyển hướng qua eo biển Gibralta, tới vùng biển Địa Trung Hải thay vì Đại Tây Dương.

Sau khi tiến vào Địa Trung Hải, tuần dương hạm Moskva chính thức đảm nhiệm vai trò chỉ huy tác chiến lực lượng Hải quân Nga tại khu vực, thay cho tàu chống ngầm Đô đốc Panteleyev của Hạm đội Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia quân sự, với sự bổ sung của “sát thủ tàu sân bay” Moskva, nhóm tàu của Hải quân Nga đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ bất ngờ trong khu vực leo thang xung đột tiềm năng ngoài khơi bờ biển Syria.

Tuần dương hạm Moskva đóng xong vào năm 1983, được trang bị 16 bệ phóng tên lửa chống hạm P-1000 Vulcan. Chỉ cần 3 tên lửa này bắn trúng là đủ đánh chìm một tàu sân bay. Do có hệ thống vũ khí tiến công khủng khiếp này, Moskva được NATO mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hải quân Nga đang có 10 tàu chiến đấu trong khu vực, trong đó có tàu đổ bộ cỡ lớn Aleksandr Shabalin, Đô đốc Nevelskoy, Peresvet, Novocherkassk, Minsk và Nikolay Fylchenkov; tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Panteleyev; khinh hạm Neustrashimy; tàu tuần tra hộ tống Smetlivy và tuần dương hạm tên lửa Moskva.

Ngoài ra, tàu đổ bộ cỡ lớn Yamal dự kiến sẽ xuất phát từ cảng Sevastopol, Ukraina vào cuối tháng này để gia nhập hạm đội tàu chiến đấu trên của Nga tại Địa Trung Hải.

Ngoài các tàu chiến của Nga, trong khu vực Địa Trung Hải còn có các hàng không mẫu hạm của Mỹ như tổ hợp chiến đấu Nimitz và Harry S. Truman, tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường Gettysburg và San Jacinto và một số tàu chiến khác.

Trong khi đó, Pháp, đồng minh của Mỹ, cũng đã điều động tàu khu trục nhỏ Chevalier Paul chuyên chống tên lửa tới Địa Trung Hải.

Tùng Dương
Theo RIA Novosti

Theo Dịch
MỚI - NÓNG