Sẽ có chính sách với người có công với cách mạng định cư ở nước ngoài

Ban tổ chức cấp Quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ họp báo công bố chương trình chi tiết. Ảnh: Anh Dũng.
Ban tổ chức cấp Quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ họp báo công bố chương trình chi tiết. Ảnh: Anh Dũng.
TPO - Chiều 10/7, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ có chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài.

Thông tin trên được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra tại buổi Họp báo về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).

Ông Dung cho biết, người có công ở nước ngoài hiện có 2 nhóm, gồm nhóm người có công đang hưởng chính sách trong nước, sau đó ra nước ngoài sinh sống, sẽ vẫn hưởng chính sách như khi còn ở trong nước. 

Riêng với nhóm người có công nhưng định cư ở nước ngoài và chưa hưởng chính sách gì, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được đồng ý về nguyên tắc cần xây dựng chính sách cho nhóm đối tượng này. Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ ban hành cơ sở pháp lý về chế độ. 

Ông Dung khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài có công với cách mạng có nhiều đối tượng khác nhau, nên chính sách cho từng nhóm đối tượng cũng phải khác nhau”.

Liên quan tới những người sinh ra ở thế hệ thứ 3 (đời cháu) vẫn bị nhiễm di chứng của chất độc hóa học thời ông bà đi hoạt động cách mạng, ông Dung cho biết: “Đây là câu chuyện phải bàn tới”, và sẽ kiến nghị chính sách với nhóm đối tượng này lên Ban Bí thư ngày 11/7.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết thêm, hiện Bộ đang phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, LĐ-TB&XH xây dựng trung tâm dữ liệu số về liệt sĩ. 

Cùng đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp cùng Bộ Quốc phòng xây dựng ngân hàng ADN liệt sĩ. Để thân nhân liệt sĩ ở bất kể đâu cũng có thể tự xét nghiệm ADN người thân và so sánh. 

Những năm qua chính sách với người có công cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tới nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công. Trong đó có gần 1.2 triệu liệt sĩ, trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Trong 10 năm qua (2007-2016), tổng kinh phí ngân sách nhà nước chi trả trợ cấp với người có công hơn 133.306 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp 1 lần khoảng 12.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng chục nghỉn tỷ đồng cũng được xã hội quyên góp ủng hộ chăm lo cho người có công…

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, ở cấp trung ương sẽ có 18 nội dung trọng tâm đã và đang được triển khai, như: Trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách; dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng; hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; 

T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức liên hoan văn nghệ với chủ đề “Màu hoa đỏ”. Trong đó, mỗi đoàn viên làm một việc tốt, giúp đỡ ít nhất 1 gia đình, 1 người có công với cách mạng. Cùng đó là phối hợp các đơn vị tặng nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng.

MỚI - NÓNG