Sẽ thế nào nếu Trung Quốc và Nga hợp tác đóng tàu sân bay hạt nhân?

Một tàu phá băng hạt nhân của Nga
Một tàu phá băng hạt nhân của Nga
TPO - Trung Quốc có thể hợp tác với Nga phát triển tàu phá băng hạt nhân. Và kinh nghiệm này có thể rất hữu dụng, giúp Bắc Kinh nâng cao công nghệ lò phản ứng để áp dụng cho tàu sân bay hạt nhân sẽ được đóng trong tương lai, theo nhận định của tờ SCMP.

Viễn cảnh đó xuất hiện trong lúc Trung Quốc đã sở hữu hai tàu sân bay công ước, tức là chạy bằng hệ thống động lực thông thường. Tàu thứ ba hiện đang được đóng.

Nhưng chuyên gia hải quân Lý Kiệt nói với tờ báo Hong Kong rằng để thực sự đủ năng lực cạnh tranh, hải quân Trung Quốc cần một con tàu có năng lực tạo ra rất nhiều năng lượng và có tốc độ cao nhằm phóng được máy bay cỡ lớn.

“Trung Quốc thực sự cần một tàu sân bay hạt nhân khỏe hơn để phóng được các tiêm kích trên hạm hạng nặng J-15”, ông Lý nói.

“Trong khi Trung Quốc có kinh nghiệm tốt trong việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân sử dụng trên đất liền, họ chưa nắm vững tiến trình thu nhỏ cần thiết để chế tạo lò phản ứng phù hợp cho tàu sân bay”, SCMP nói.

“Trung Quốc có năng lực hải quân tốt, nhưng họ vẫn yếu trong việc thu nhỏ lò phản ứng hạt nhân. Vì thế họ có thể học được điều đó từ Nga”, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh là Châu Trần Minh nói với SCMP.

Hiện nay trong hải quân Trung Quốc đã có tàu ngầm hạt nhân. Nhưng lò phản ứng trên tàu ngầm khó mà mang đi thay thế, lắp trên tàu sân bay bởi loại tàu này quá lớn so với chúng. Theo chuyên gia Châu, Pháp đã có bài học tương tự từ ¼ thế kỷ trước.

Nhằm cắt nỗ lực cắt giảm chi phí phá triển tàu Charles de Gaulle – hàng không mẫu hạm đầu tiên và duy nhất của Pháp chạy bằng năng lượng hạt nhân, các kỹ sư đã quyết định dùng hai lò phản ứng nước áp lực (PWR) K15 dùng trong tàu ngầm làm hệ thống động lực chính của con tàu.

Chúng đã tỏ ra không hiệu quả. Kích cỡ khổng lồ của con tàu sân bay và sự thiếu động lực từ hệ thống động cơ khiến con tàu nay mang một danh hiệu không hề mong muốn là tàu sân bay chậm chạp nhất thế giới, với tốc độ tối đa chỉ đạt 50km/h. Các chuyên gia nói tàu sân bay cần đạt vận tốc ít nhất 55, 5km/h nhằm tạo gió ngược cần thiết để phóng máy bay.

“Năng lực tác chiến của tàu Charles de Gaulle đã giảm rất nhiều vì tốc độ chậm của nó”, chuyên gia Châu nói. “Đó là bài học đau đớn cho người Pháp”.

Quay trở lại dự án tàu hạt nhân phá băng. Tháng 6/2018, chính phủ Nga mời tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc tham gia dự án tàu phá băng hạt nhân. Con tàu dài 250m này được cung cấp động lực từ các lò phản ứng hạt nhân kiểu module.

Làm việc trên một tàu phá băng với Nga giúp Trung Quốc trong việc hoàn thiện các công nghệ lò phản ứng, có thể được áp dụng vào tàu sân bay hạt nhân trong tương lai. Chuyên gia Lý nói với SCMP rằng cả tàu sân bay lẫn tàu phá băng đều cần đến nguồn năng lượng cực lớn. “Chức năng đi xuyên qua các lớp băng của tàu phá băng  đồng nghĩa nó có hệ thống lực đẩy rất mạnh”, ông Lý nói.

Nga trong quá khứ đã theo đuổi con đường phát triển tương tự. “Liên Xô cũ đã bắt đầu sử dụng tàu phá băng làm nền tảng thử nghiệm cho việc phát triển lò phản ứng hạt nhân dùng cho tàu sân bay từ những năm 1950”, SCMP dẫn chứng. “Đến khi Liên Xô chuẩn bị đóng tàu sân bay hạt nhân đầu tiên, tàu Ulyanovsk, vào năm 1988, họ đã đóng 5 tàu phá băng hạt nhân. Tuy nhiên, Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và dự án Ulyanovsk đã không được thực hiện tiếp”.

MỚI - NÓNG