Số phận hàng trăm lính Mỹ tại Manbij trong xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd

Binh sĩ Mỹ ở Syria. Ảnh minh hoạ
Binh sĩ Mỹ ở Syria. Ảnh minh hoạ
TPO - Hàng trăm lính Mỹ có nguy cơ bị cuốn vào xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd ở biên giới phía bắc Syria, khi quan chức Ankara tuyên bố sẽ mở rộng chiến dịch quân sự tới Manbij – khu vực mà quân đội Mỹ hợp tác với các lực lượng chống IS địa phương trong gần 1 năm.

Số phận của lính Mỹ ở vùng xung đột

Hôm thứ Năm (25/1, theo giờ địa phương), Lầu Năm Góc nhận được các câu hỏi về tương lai của lính Mỹ được triển khai đến Manbij, phía tây Euphrates, điểm nóng then chốt ở Syria, trong bối cảnh quan chức Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu lực lượng Mỹ rút lui để quân đội Ankara tiến hành chiến dịch chống người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, Trung tướng Kenneth "Frank" McKenzie, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, đã không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này. “Họ sẽ ở lại hoặc sẽ rời đi. Không biết câu trả lời sẽ là gì”, ông McKenzie lấp lửng, và gọi đó là “một quyết định chính sách”.

Ông nói thêm, lực lượng Mỹ sẽ tự bảo vệ mình cho dù có chuyện gì xảy ra, cũng như nhấn mạnh, quân đội Mỹ “phối hợp chặt chẽ” với Thổ Nhĩ Kỳ và không hề giấu giếm vị trí của họ.

Thắc mắc về tương lai lính Mỹ ở Manbij đến sau khi xuất hiện mâu thuẫn giữa tuyên bố của Washington và Ankara, liên quan đến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Tư (24/1).

Theo đó, báo cáo từ Nhà Trắng cho biết, ông Trump kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “thận trọng” và tránh bất kỳ hành động nào có thể gây xung đột giữa lực lượng hai nước.

Tuy nhiên, quan chức Ankara lại không đồng tình với Nhà Trắng. Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói với các phóng viên, ông Erdogan đã yêu cầu Trump rút quân Mỹ khỏi Manbij.

Đáp lại, một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc, Eric Pahon, khẳng định trên CNN: “Tất nhiên, chúng tôi nhận thức được những phát biểu đưa ra sáng nay (25/1). Mỹ đang hợp tác với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển giải pháp nhằm giải quyết mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, và đảm bảo không có sự giảm áp lực đối với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chúng tôi không thảo luận các hành động hoặc kế hoạch quân sự trong tương lai. Chúng tôi thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ xuống tháng, thận trọng và tránh bất kỳ hành động nào có thể gây mâu thuẫn giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ”.

Hồi tuần trước, hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết trên CNN, quân đội Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra với tần suất dày đặc trong khu vực Manbij, với nhiệm vụ chính là ngăn chặn xung đột.

Theo các quan chức, phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong khu vực thường xuyên nã súng vào lực lượng tuần tra, và lực lượng Mỹ thỉnh thoảng đáp trả lại.

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ lan sang Manbij?

Ngày 20/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch chống lực lượng người Kurd, bị Ankara xem là khủng bố, với các cuộc pháo kích và không kích vào các vị trí của người Kurd ở Afrin, khu vực ở tây bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây, ông Erdogan và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý định mở rộng phạm vi tấn công quân sự đến Manbij, sau khi hoàn thành cuộc chiến dịch ở Afrin.

Tuy nhiên, các quan chức của Lầu Năm Góc khẳng định, lực lượng Mỹ ở khu vực Manbij không thấy các cuộc không kích, hay hoạt động quân sự nào, của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. “Chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm này, đang tiến tới Manbij”, ông Pahon xác nhận.

Trong khi đó, phát ngôn viên Dana White cảnh báo, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin đang làm suy yếu cuộc chiến chống IS. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xuống thang. Nhưng một lần nữa, trọng tâm và ưu tiên của chúng tôi là đánh bại IS”, ông White vạch rõ.

Về phía người Kurd, ông McKenzie cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy các chiến binh người Kurd do Mỹ hậu thuẫn từ phía đông Syria đến Afrin để chống lại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông không loại trừ khả năng này.

Ông McKenzie cam kết, sẽ theo dõi chặt chẽ để tránh các động thái làm leo thang tình hình từ Kurd trong trường hợp lực lượng dân quân này bị “gây áp lực” quá mạnh.

Ông cũng nhắc nhở, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd nên tập trung vào lý do tại sao họ có mặt tại Syria – đó là đánh bại IS.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG