Sư đoàn 324: Khi trái tim, khối óc hướng về phía biển

Thượng úy Bùi Thanh Hiếu chính trị viên Đại đội Trinh sát 20, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 với các chiến sỹ
Thượng úy Bùi Thanh Hiếu chính trị viên Đại đội Trinh sát 20, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 với các chiến sỹ
TP - Những ngày này, hàng triệu trái tim đang hướng về biển Đông và tuổi trẻ Sư đoàn 324 (Đoàn Ngự Bình), Quân khu 4 đang sống trong tình cảm đặc biệt đó.

Sẵn sàng cho mọi tình huống

Chúng tôi về Sư đoàn 324 một ngày nắng như đổ lửa. Nhưng đi đến đâu cũng đều cảm nhận không khí thi đua sôi nổi, mỗi cán bộ, chiến sỹ quyết tâm lập thành tích cao nhất hướng tới chào mừng kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Sư đoàn.

Khi hỏi đến tình hình biển Đông, trung tá Đoàn Xuân Bường - Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc cho cán bộ, chiến sỹ hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc và các thế lực phản động trong vấn đề biển Đông, 100% cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc và tuyệt đối tin tưởng quan điểm, lập trường đấu tranh chính nghĩa của Đảng, Nhà nước. Các đơn vị vẫn duy trì nghiêm chế độ ngày tuần và trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chặt chẽ, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời có hiệu quả các tình huống”.

Đến Trung đoàn 335, đơn vị đăng cai tập huấn cho cán bộ Quân đội Lào, đang vào giai đoạn nước rút nên cán bộ, chiến sỹ trong toàn Trung đoàn đang phơi mình trên thao trường, mặc cho nắng nóng gay gắt, mỗi cán bộ, chiến sỹ người cuốc, người xẻng hì hục đào hầm, hào chiến đấu chạy dài từ chân đồi lên đến trên đỉnh…

Đại úy Nguyễn Công Lương - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, đơn vị đảm nhiệm làm thao trường cho lớp tập huấn, cho biết: “Khi được giao nhiệm vụ này, chúng tôi thấy đây là vinh dự, song cũng rất vất vả, khối lượng công việc nhiều, thời tiết nắng nóng, cán bộ một số vị trí thiếu vắng song với phương châm “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” để đảm bảo tiến độ, chất lượng và đúng ý định chiến thuật của lớp tập huấn".

Tình nguyện ra đảo

Trong số gần chục cán bộ quân y (Sư đoàn 324), viết đơn tình nguyện ra Trường Sa, Hoàng Sa đợt này chúng tôi ấn tượng với thiếu úy Chu Văn Thông (y sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 335). Anh là người viết đơn đầu tiên. Đứa con trai đầu lòng của anh mới 13 tháng tuổi. Anh Thông bộc bạch: “Mặc dù vợ chưa có việc làm, con còn nhỏ, hai vợ chồng đang ở trọ song nếu như ai cũng nhận phần dễ về mình thì việc khó để cho ai. Tôi viết đơn xin tình nguyện ra đảo để góp phần nhỏ bé của mình giữ vững chủ quyền đất nước”.

Thiếu úy Trần Văn Tiến (sinh năm 1990, quê ở Long Sơn, Anh Sơn, Nghệ An), vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng y tế Nghệ An viết đơn xin vào quân ngũ. Anh Tiến mong được ra đảo đợt đầu. Anh tâm sự: “Để được đóng góp công sức của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo tôi có thể viết thư bằng máu”...

MỚI - NÓNG