Sứ mệnh Syria làm sống dậy niềm kiêu hãnh của quân đội Nga

Một phi công Nga trở về từ Syria được các sĩ quan quân đội tung hô như người hùng. Ảnh: Tass
Một phi công Nga trở về từ Syria được các sĩ quan quân đội tung hô như người hùng. Ảnh: Tass
Thành công của sứ mệnh quân sự ở Syria giúp quân đội Nga hồi sinh lại niềm kiêu hãnh đồng thời có được sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút quân khỏi Syria, nhóm phi công đầu tiên đã trở về nước vào ngày 15/3 trên những giai điệu của các hành khúc oai hùng, tiếng hoan hô vang dội và những lời tán dương đón chào họ, theo Guardian.

Sứ mệnh mạo hiểm ở Syria, như cách mà truyền hình nhà nước Nga miêu tả, đã khắc họa nên một lực lượng quân đội Nga đầy mới mẻ và tự tin. Hàng triệu người Nga mỗi đêm đều dán mắt vào màn hình TV để theo dõi những bản tin nói về các phi công anh hùng của họ thả những quả bom định hướng chính xác xuống những mục tiêu khủng bố.

Chuyên gia nhận định, động thái can dự quân sự ở Syria đã nâng cao hình ảnh của quân đội trong lòng dân chúng Nga và gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát chính trị quốc tế.

"Chúng tôi từng nghĩ sau một đợt hoạt động rầm rộ ban đầu, chúng tôi sẽ phải chứng kiến các chiến đấu cơ rút dần khỏi bầu trời Syria hoặc về nước để sửa chữa. Nhưng họ đã nỗ lực duy trì kế hoạch chiến đấu và giữ chuỗi cung ứng hậu cần vận hành thông suốt. Đó là một phong cách Nga điển hình với một chút gai góc, một chút ngẫu hứng nhưng đầy hiệu quả", giáo sư nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Mark Galeotti từ Đại học New York nhận định.

Sứ mệnh Syria làm sống dậy niềm kiêu hãnh của quân đội Nga ảnh 1

Một phi công Nga trở về từ Syria được chào đón theo cách truyền thống với bánh mỳ và muối. Ảnh: AP

Bình luận viên Shaun Walker của Guardian cũng ghi nhận cuộc can thiệp quân sự ở Syria đã cho thấy một quân đội Nga hoàn toàn mới, khác xa với hình ảnh có phần ảm đạm cách đây vài năm.

Cải cách

Các cải cách trong quân đội Nga được khởi động trong nhiệm kỳ của bộ trưởng quốc phòng Anatoly Serdyukov, sau cuộc chiến tranh với Georgia. Ngay khi nhậm chức, ông Serdyukov lập tức cắt giảm đội ngũ sĩ quan khổng lồ và tiến hành những thay đổi đã được chờ đợi quá lâu.

Nhưng với xuất thân từ dân sự, ông không được lòng bộ máy tướng lĩnh quân đội và cuối cùng bị cách chức trong một vụ bê bối tham nhũng. Song, giới phân tích nhận định các cải cách do ông chủ trì đã mở đường cho sự hình thành của một lực lượng quân đội Nga với diện mạo hoàn toàn đổi khác trong hai năm qua.

Theo chuyên gia phân tích quân sự độc lập Alexander Golts, Serdyukov đã xây dựng thành công một nhóm 30 - 40 đơn vị tinh nhuệ có khả năng triển khai chỉ trong vòng hai tiếng. Điều này tương phản với mô hình truyền thống của quân đội Nga với hàng triệu lính dự bị và phải mất nhiều tuần để huy động cho một cuộc chiến lớn.

Nhiều thay đổi khác, thậm chí dù chỉ là hình thức, cũng góp phần giúp quân đội Nga tạo ra một làn gió tươi mới và tân tiến hơn. Trong đó phải kể đến một trung tâm kiểm soát vừa đi vào hoạt động nằm bên bờ sông Moscow cùng một cơ sở đầu não chỉ huy với những bản đồ và các thông tin quân sự được hiển thị trên nhiều màn hình hiện đại. Ở đấy, hàng trăm quân nhân ngồi thành những dãy thẳng hàng, chăm chú dõi vào màn hình máy tính để theo sát từng bước di chuyển quân sự của Nga, Walker nhận xét.

Tổng thống Putin từng thảo luận tình hình chiến trường với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov tại trung tâm này trong quá trình Nga tham chiến ở Syria.

Giữa bầu không khí chủ nghĩa dân tộc dâng cao, Nga còn chú trọng đến cả việc giáo dục tinh thần yêu nước cho trẻ em. Một công viên với chủ đề quân sự được khai trương ở ngoại ô thủ đô Moscow vào năm ngoái.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng có nhiều bước phát triển đáng kể về mặt truyền thông với việc các buổi họp báo được tổ chức thường xuyên hơn. Diễn biến về tình hình chiến sự Syria luôn cập nhật từng ngày. Một tài khoản mạng xã hội Twitter của Bộ đều đặn đăng tải về những chiến tích gần đây của quân đội ở Syria kèm theo các đoạn video ghi lại cảnh chiến đấu cơ Nga dội bom trúng các mục tiêu khủng bố.

Cựu thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Viktor Baranets cho hay quân đội Nga đang dần bắt kịp với quân đội phương Tây trên mặt trận công nghệ.

"Chúng tôi từ lâu đã nghe câu chuyện về một anh trung sĩ John nào đó của Mỹ, ngồi tại tầng hầm Lầu Năm Góc và nhấn nút phóng tên lửa trong khi uống cà phê sau đó lên xe đi một mạch về nhà vì biết chắc rằng tên lửa đã trúng mục tiêu", Baranets chia sẻ. "Giờ đây, chúng tôi bắt đầu chứng kiến những câu chuyện tương tự trong quân đội Nga. Chúng tôi ngồi tại Moscow và thấy rõ những gì đang diễn ra trên mỗi mét vuông ở Syria. Là một người phục vụ quân ngũ 33 năm, khi thấy những hình ảnh trình chiếu từ đoạn băng ghi hình của máy bay không người lái, đó là lúc tôi nhận ra rằng chúng tôi thực sự sở hữu một đội quân vô cùng hiện đại".

Tuy nhiên, ông Baranets cho rằng quân đội Nga cần cải thiện khả năng tình báo để tiếp cận "các bí mật và công nghệ quân sự nước ngoài".

Bình luận viên Walker nhận định tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng và kéo dài sẽ là nhân tố ảnh hưởng đến quá trình cải cách quân sự của Nga. Dù vậy, ông Baranets vẫn đánh giá thay đổi quan trong nhất trong những năm qua nằm ở nhuệ khí của quân đội.

"Dưới thời Serdyukov, nhiều tướng lĩnh tranh thủ ngủ trong giờ làm việc. Nếu đi qua các hành lang của văn phòng tổng tham mưu trưởng, bạn có thể thấy họ khá nhàn rỗi. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã thay đổi hoàn toàn điều này. Tôi trò chuyện với các tướng lĩnh mỗi ngày và thấy rõ sự nhiệt tình, hăng hái trong ánh mắt của họ", Baranets cho biết.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.