Su-30MK2 Việt Nam trang bị vũ khí 'chọc mù mắt thần'

Su-30MK2 Việt Nam trang bị vũ khí 'chọc mù mắt thần'
Tiêm kích hiện đại nhất Việt Nam Su-30MK2 được trang bị loại tên lửa tối tân có khả năng tiêu diệt các loại radar đối phương trên bộ, trên biển.

> SU-30MK2 Việt Nam thao luyện chiến đấu
> Một ngày với phi công Su 30MK2

Tiêm kích Su-30MK2 trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam thiết kế với hệ thống điện tử hiện đại, vũ khí đa năng có thể thực hiện mọi nhiệm vụ tiến công mục tiêu trên không, trên bộ, trên biển bằng vũ khí chính xác cao.

Ngoài các nhiệm vụ đó, Su-30MK2 còn có khả năng thực hiện nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương (SEAD). Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất kỳ lực lượng không quân nào trên thế giới.

Hiện nay, tên lửa đất đối không ngày càng được cải tiến mạnh mẽ hơn, tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao, khả năng kháng nhiễu mạnh. Để khống chế các loại tên lửa đối không, cần phải loại bỏ, tiêu diệt trạm radar trinh sát, radar điều khiển hỏa lực tên lửa. Mất đi những “mắt thần” này, tên lửa dù tối tân đến đâu cũng hoàn toàn vô dụng.

Công nghiệp quốc phòng thế giới đã sáng chế ra loại vũ khí “chọc mù mắt thần” – tên lửa chống radar. Loại vũ khí này từng được sử dụng rất rộng rãi trên chiến trường Việt Nam, khi đó Mỹ đã sử dụng tên lửa loại này để đối phó với hệ thống SAM-2 phòng không miền Bắc Việt Nam. Bộ đội ta đã rất vất vả tìm cách hạn chế thiệt hại tới mức nhỏ nhất mà tên lửa chống radar gây ra.

Ngày nay, Không quân Nhân dân Việt Nam cũng sở hữu một số loại tên lửa chống radar. Trong đó, Kh-31P là loại hiện đại nhất mà chúng ta có hiện nay, trang bị trên tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom, năm 2009 Việt Nam đã ký với Nga mua một số lượng nhỏ tên lửa chống radar Kh-31P cho Su-30MK2.

Tên lửa chống radar tầm trung tốc độ cao Kh-31P do Tập đoàn Tên lửa Chiến dịch – Chiến thuật sản xuất. Nó được dùng để tiêu diệt mọi hệ thống radar của tên lửa phòng không tầm trung – xa (hoặc radar dẫn bắn pháo phòng không) đặt trên mặt đất hoặc trên chiến hạm.

Kh-31P sử dụng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối. Nguyên lý chung của loại vũ khí này là, bám theo cánh sóng radar để đánh vào đài anten máy phát.

Đạn tên lửa Kh-31P dài 4,7m, đường kính thân 360mm, nặng 600kg. Đạn được kết cấu 2 tầng động cơ đẩy gồm: động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ tĩnh phản lực trong hành trình bay.

Tiêm kích Su-30 Không quân Nga phóng tên lửa Kh-31P
Tiêm kích Su-30 Không quân Nga phóng tên lửa Kh-31P.

Khi phóng, phi công sẽ ấn nút thả tên lửa ra khỏi giá treo, cách máy bay một khoảng an toàn, động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn ở đuôi được kích hoạt đưa tên lửa đạt tốc độ Mach 1,8.

Cháy hết nhiên liệu, động cơ này sẽ tách ra khỏi thân tên lửa. Khi đó, 4 cửa hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng trở thành buồng đốt động cơ tĩnh phản lực dùng nhiên liệu lỏng giúp tên lửa tăng tốc tới Mach 2,9 (gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh).

Với tốc độ cực cao, kích thước nhỏ, Kh-31P là “bài toán khó” đối với hệ thống đánh chặn đối phương. Dù radar địch có phát hiện được sự có mặt của Kh-31P cũng khó lòng đối phó kịp.

Tên lửa chống radar tốc độ siêu thanh Kh-31P có khả năng tấn công mục tiêu ở tầm bắn tối đa tới 110km. Với đầu đạn nặng 87kg, nó đủ sức phá hủy làm ngừng hoạt động mọi đài radar đối phương.

Trong chiến đấu, Su-30MK2 sẽ mang Kh-31P phá hủy trạm radar trên bộ (hoặc tàu chiến), qua đó khống chế hệ thống phòng không đối phương. Tiếp đó, đơn vị bạn sẽ vượt qua được lưới phòng không tầm xa, áp sát tiêu diệt mục tiêu bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí chính xác cao.

Theo Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG