Sức mạnh khủng khiếp của tàu ngầm 'Quái vật biển' Yasen

Tàu ngầm Severodvinsk, lớp Yasen K-560 của Nga. Ảnh: Sputnik.
Tàu ngầm Severodvinsk, lớp Yasen K-560 của Nga. Ảnh: Sputnik.
Dù đang sở hữu dàn phương tiện và vũ khí săn ngầm bậc nhất thế giới nhưng Mỹ vẫn e ngại trước sức mạnh của lực lượng tàu ngầm Nga. Đặc biệt, những “quái vật biển” thế hệ mới lớp Yasen dường như đang thách thức sự thống trị của hạm đội tàu ngầm Mỹ.

Không thể theo dấu

Cách đây không lâu, kênh truyền hình CNN phát phóng sự về cán cân tàu ngầm Nga-Mỹ và đưa ra nhận định rằng, hạm đội tàu ngầm Nga đang thách thức sự thống trị đại dương của hạm đội tàu ngầm Mỹ. 

Phát biểu trên CNN, Phó đô đốc Hải quân Mỹ Ollie Lewis nói: "Chúng ta lại quay lại thời kỳ khi chúng ta phải cân nhắc tới sự hiện diện của đối phương có khả năng thách thức chúng ta dưới nước. Ưu thế được đảm bảo dưới nước (của chúng ta) không còn nữa". 

Trong khi đó, chuyên gia Michael Kofman thuộc Trung tâm Wilson tại Mỹ lưu ý: "Trong số tất cả các tàu ngầm của nước khác, đối với Mỹ thì Yasen là loại có độ ồn thấp nhất". Theo ông, "Hải quân Mỹ không hoàn toàn chắc chắn họ có thể theo dõi được chúng". Bên cạnh đó, giới quân sự Mỹ cũng đề cập đến sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm Nga, đặc biệt trên Đại Tây Dương, vốn là hành lang đường biển quan trọng cho sự tăng cường lực lượng của Mỹ tại châu Âu.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ thừa nhận “không thể theo dấu” được tàu ngầm Nga. Và sự thừa nhận này là hoàn toàn có cơ sở bởi Oa-sinh-tơn chắc chắn chưa quên bài học với tàu ngầm Akula của Hải quân Nga hồi năm 2012 trên Vịnh Mê-hi-cô. 

Theo trang web The Washington Free Beacon và trang Daily Mail của Anh, tàu ngầm hạt nhân hạng nặng Akula của Nga, được trang bị tên lửa hành trình, đã tuần tra gần căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Kings Bay trên Vịnh Mê-hi-cô của Mỹ gần 1 tháng trời mà không bị phát hiện. 

Được biết, căn cứ này là nơi đóng đô của 8 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Nguồn tin trên đã cáo buộc hệ thống cảm biến âm thanh siêu mạnh của Mỹ triển khai ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, được hỗ trợ bằng các vệ tinh quân sự mạnh, không thể phát hiện được một tàu ngầm Nga đã triển khai từ cách đây hai thập niên.

Tăng cả về chất và lượng

Tờ Asia Times mới đây đăng tải bài viết của chuyên gia David Isenberg nhận định, sở hữu những tính năng độc nhất vô nhị như công nghệ tàng hình tiên tiến và được trang bị hỏa lực mạnh chính là hai yếu tố khiến tàu ngầm Nga thu hút được sự quan tâm đặc biệt. 

Hiện Nga có những tàu ngầm đạt đến trình độ kỹ thuật hoàn hảo và sức mạnh ấn tượng, điển hình là tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới của dự án 941-lớp Akula với 20 ống phóng tên lửa đạn đạo, với độ lặn sâu 500m, thời gian hoạt động liên tục suốt 180 ngày đêm. Ngoài ra còn phải kể đến lớp Borey- lớp tàu hiện đại nhất Hải quân Nga hiện nay. 

Theo kế hoạch đến năm 2020, Hải quân Nga sẽ đưa vào biên chế tổng cộng 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey và Borey-A, làm nòng cốt trong bộ 3 răn đe hạt nhân, cùng với máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất.

Trong khi đó, các tàu lớp Yasen của Nga được các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá là một mối đe dọa lớn với Anh và Mỹ. Một nguồn tin tình báo hải quân Anh nhận định rằng có thể phương Tây “chỉ nắm được phân nửa về những loại vũ khí được trang bị trên tàu ngầm lớp Yasen”. Năm 2014, Hải quân Nga chính thức đưa vào biên chế tàu Severodvinsk-chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ thứ tư Yasen. Dự kiến, lớp tàu ngầm này sẽ trở thành xương sống của lực lượng tàu ngầm Hải quân Nga.

Trang CNN mới đây dẫn lời Đô đốc Mark Ferguson, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu cho biết, Nga đang triển khai một số lượng lớn tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công, với tầm hoạt động và khả năng tác chiến mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.

Ông Ferguson nhận định những chiếc tàu ngầm của Nga hiện nay đã cải tiến khả năng tàng hình hơn rất nhiều. “Chúng ta cũng thấy họ (Nga) trang bị hệ thống vũ khí tối tân hơn, ngoài ra hệ thống tên lửa của họ có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền từ một phạm vi rất xa, chưa kể đến khả năng tác chiến ngày càng tinh nhuệ khi họ mở rộng phạm vi hoạt động tại các vùng biển xa”, ông Ferguson nói thêm.

Theo Theo Quân Đội Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.