Syria có gì để 'đấu' với Mỹ, NATO?

Syria có gì để 'đấu' với Mỹ, NATO?
TPO - Trung tâm phân tích buôn bán vũ khí thế giới (TSAMTO-Nga) vừa công bố thông tin về những khả năng tiềm tàng của Syria trong việc đánh trả cuộc xâm lược từ bên ngoài.

> Khi thanh gươm chiến tranh đã tuốt khỏi vỏ
> Thanh sát LHQ rút khỏi Syria, Mỹ sẵn sàng tấn công

Vì các sự kiện mới dồn dập xảy ra và không ngừng biến chuyển, TSAMTO công bố thêm tư liệu bổ sung cho chủ đề này.

TSAMTO nhận định uuu thế hiển nhiên trong trường hợp tiến hành chiến dịch trên bộ sẽ thuộc về quân đội được tổng động viên của Syria, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến đấu với phe đối lập vũ trang, kể cả trong những điều kiện thành phố. Có thể nhiều căn cứ, nơi cất giữ đạn dược và các hạng mục hạ tầng cơ sở quân sự sẽ bị thiệt hại. Vì các hoạt động tác chiến với phe đối lập trên thực tế được tiến hành trên khắp lãnh thổ đất nước, nên các chiến binh và những lực lượng bảo trợ nước ngoài đều biết rõ địa điểm bố trí các mục tiêu hạ tầng cơ sở quân sự của Syria.

Về khả năng sẵn sàng chiến đấu của không quân Syria trong quá trình đấu tranh vũ trang với phe đối lập, không quân tiêm kích được sử dụng rất hãn hữu. Thông tin về hiệu quả sử dụng trực thăng vũ trang hiện chưa có (một số máy bay lên thẳng của quân đội chính phủ bị bắn hạ bằng các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai).

Các phương tiện phòng không hiện có hoàn toàn chưa được sử dụng, trong trường hợp bị can thiệp từ bên ngoài sẽ phải đảm đương vai trò then chốt (vì hiển nhiên trong giai đoạn đầu tiên sẽ diễn ra các đòn tiến công tập trung bằng tên lửa hành trình và tiếp đó là sử dụng không quân đánh phá những mục tiêu hạ tầng cơ sở quân sự quan trọng nhất).

Vũ khí phòng không

Những năm gần đây Nga đã thực hiện một số hợp đồng cung cấp vũ khí cho Syria. Trong số đó các chương trình quan trọng nhất nằm trong lĩnh vực phòng không:

- Cung cấp 6 tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Tuguska (ký kết năm 2004, thực hiện xong vào khoảng năm 2008);

- Cung cấp 18 tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2E (ký kết năm 2007, chuyển giao năm 2008);

Tổ hợp Buk M2E của Syria triển khai chiến đấu
Tổ hợp Buk M2E của Syria triển khai chiến đấu.

- Cung cấp 36 tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1 (ký kết năm 2006, bắt đầu chuyển giao năm 2008, được cho là sẽ thực hiện xong trong năm nay, với đợt cung cấp cuối cùng gồm 6 bộ);

Syria đã có trong tay tổ hợp phòng không Panshir của Nga
Syria đã có trong tay tổ hợp phòng không Panshir của Nga.

- Cung cấp một lô lớn tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Igla gồm các modul phóng Strela (đặt hàng từ năm 2005, chuyển giao trong các năm 2005-2006, số lượng không rõ);

- Cung cấp đồng bộ 2 tiểu đoàn trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora-2M (đặt hàng từ năm 2008, chuyển giao trong các năm 2011 và 2012, đồng bộ mỗi tiểu đoàn 4 bộ trang bị, tổng cộng-8 bộ).

Tên lửa Pechora của Syria khai hỏa
Tên lửa Pechora của Syria khai hỏa.

Kế hoạch mua sắm, nâng cấp vũ khí trang bị phòng không trong tương lai gần gồm:

- Nâng cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Neva (vài chục hệ thống). Tình trạng kỹ thuật của các tổ hợp và cấp độ sẵn sàng chiến đấu của chúng không rõ. Nhu cầu hiện đại hóa S-125 theo phương án S-125 Pechora-2M đã nhận được từ lâu, hiện trạng của chương trình không rõ;

- Mua tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M1 (đơn đặt hàng nhận được từ lâu, hiện trạng của chương trình không rõ);

- Mua tổ hợp tên lửa phòng không S-300 (không có thông tin về việc chuyển giao).

Phải nói rằng, cho tới thời điểm hiện tại không có thông tin chính xác về loại tổ hợp tên lửa phòng không S-300 mà Syria đã đặt mua vào năm 2010 (theo nhiều nguồn tin thì đó là loại S-300PMU-1).

Nga đã bàn giao tổ hợp phòng không khét tiếng S-300 cho Syria hay chưa hiện vẫn đang là một ẩn số
Nga đã bàn giao tổ hợp phòng không khét tiếng S-300 cho Syria hay chưa hiện vẫn đang là một ẩn số.

Theo dự tính, thì việc giao hàng theo hợp đồng này được hoàn tất không sớm hơn giữa năm 2014. Sau khi chuyển giao, hiệu chỉnh và kiểm tra hoạt động đồng bộ của tất cả các khí tài bộ phận trong tổ hợp ZRK S-300, ít nhất cần phải có nửa năm huấn luyện cho các thành phần chuyên môn của Syria kể cả nếu như họ đã được thực hành luyện tập ở Nga. Vì thế, nếu phía Syria quả thật đã nhận được trang bị mới thì các tổ hợp S-300 cũng chỉ có thể sẵn sàng chiến đấu không sớm hơn cuối năm 2014-đầu năm 2015.

Tổ hợp Bastion đáng gờm

Trong số những chương trình lớn khác với Syria mà tới thời điểm hiện nay đã được thực hiện tại, phải kể đến việc nâng cấp toàn bộ số xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 ngang với phiên bản T-72-M1 (gần 1.000 xe). Nga còn chuyển giao 2 tổ hợp tên lửa bờ biển di động “Bastion-P”, một lô lớn vũ khí hàng không, sửa chữa đội máy bay tiêm kích Mig-23, nâng cấp một số máy bay tiêm kích Mig-29S, cung cấp thiết bị luyện tập cho máy bay lên thẳng Mi-17, Mi-24 và nhiều chương trình khác.

Về các dự án tương lai đã thảo luận kế hoạch mua tàu ngầm diesel-điện, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S, nhiều loại chiến hạm nổi các loại và một số vũ khí trang bị khác.

Hiện tại các hợp đồng với Syria đang trong giai đoạn thực hiện là chuyển giao một số hệ thống vũ khí gồm 24 máy bay tiêm kích Mig-29M/M2 và 36 máy bay Yak-130 UBS, nhưng các hợp đồng này đang bị tạm hoãn do các nước phương Tây trên thực tế đang phong tỏa các tuyến đường vận tải.

Ngoài Nga, có thể Iran và cả CHDCND Triều Tiên cũng là nguồn cung cấp cho Syria nhiều hệ thống vũ khí trang bị.

Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga và Syria bắt đầu từ năm 1956. Trong suốt giai đoạn từ đó tới nay, phía Nga đã chuyển giao cho các lực lượng vũ trang Syria khoảng 65 tổ hợp tên lửa chiến thuật và tác chiến-chiến thuật, gần 5.000 xe tăng, hơn 1.200 máy bay chiến đấu, 4.200 khẩu pháo và súng cối, 70 tàu chiến, và các loại vũ khí, khí tài khác.

Hậu quả với Nga

Từ góc độ bảo đảm ảnh hưởng địa chính trị của mình trong khu vực, việc duy trì trạm bảo đảm vật chất- kỹ thuật của hải quân Nga tại cảng Tartus có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước Nga. Đây là điểm tựa duy nhất ở Địa trung hải của hải quân Nga. Việc triển khai thường trực cụm hải quân của Nga ở Địa Trung Hải sẽ trở nên khó khăn khi bị mất Tartus.

Trong trường hợp chế độ của ông Bashar Asad bị sụp đổ, nước Nga trên thực tế sẽ bị mất đồng minh duy nhất vào thời điểm hiện tại ở Trung Đông là Syria và sẽ bị mất đi nguồn lợi do phải chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Damascus trị giá hàng tỷ USD.

Nếu vì cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài mà chính quyền Syria hiện nay bị lật đổ, bước đi dự báo tiếp theo sẽ là chiến dịch quân sự của Mỹ và Israel chống Iran. Và chiến trường sẽ mở rộng tới sát các đường biên giới của nước Nga.

Đỗ Ngọc Inh
Theo Bình luận quân sự- Nga

Theo Viết
MỚI - NÓNG