Tàu ngầm hạt nhân Mỹ gặp nạn ở Bắc Cực?

SSN-21 Seawolf hoạt động ở Bắc Cực.
SSN-21 Seawolf hoạt động ở Bắc Cực.
Ngày 4/6, trên nhiều diễn đàn quân sự Nga và quốc tế đã xuất hiện hình ảnh tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf của Hải quân Mỹ hoạt động tại Bắc Cực bị trực thăng Nga phát hiện. Theo nguồn tin trên, tàu ngầm lớp Seawolf bị một máy bay trực thăng Mi-8 của Nga phát hiện khi nổi lên trên bề mặt băng giá tại Bắc Cực. 

Theo nhiều nguồn tin, sự việc trên xảy ra từ năm 2015, nhưng tới tận thời điểm hiện tại mới được công khai. 

Trong đoạn clip do kíp điều khiển trực thăng Mi-8 ghi lại, tàu ngầm lớp Seawolf nổi lên mặt băng và phát tín hiệu khói màu đỏ. Đây là tín hiệu cấp cứu khẩn cấp thường thấy của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, do các thông tin chi tiết về vụ việc không được tiết lộ nên rất khó xác định tình trạng của tàu ngầm hạt nhân Mỹ thời điểm đó.

Những hình ảnh ghi lại cho thấy rõ, phần thượng tầng của tàu ngầm lớp Seawolf có nhiều hư hỏng đáng kể có thể do va chạm với các tảng băng khổng lồ ở Bắc Cực. Phần mũi tàu bị biến dạng do va chạm mạnh với băng đá. Giới chuyên gia nhận định, những hư hại trên có thể do chiếc tàu ngầm lớp Seawolf phải tiến hành nổi khẩn cấp lên mặt băng.

Trong khi đó, theo nguồn tin từ Hải quân Mỹ, trong giai đoạn xuân hè năm 2015, tàu ngầm SSN-21 Seawolf thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng tại Bắc Cực. Con tàu rời quân cảng Kitsap, Washington; vào Bắc Băng Dương qua eo biển Bering và hoạt động liên tục dưới lớp băng dày ở Bắc Cực liên tục trong 2 tháng. Trong thời gian hoạt động, SSN-21 không báo cáo bất kỳ sự cố nào.

Đoạn clip cũng tạo ra nghi vấn về hoạt động của trực thăng Mi-8 tại khu vực phát hiện ra tàu ngầm lớp Seawolf do căn cứ không quân Nga gần nhất nằm cách đó 900km tại Nagurskoe trên đảo Alexandra, trong khi đó tầm hoạt động của máy bay Mi-8 chỉ khoảng 600km. Không loại trừ khả năng chiếc Mi-8 trên đang tham gia một hoạt động đặc biệt nào đó.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf hiện là một trong những dòng tàu ngầm tấn công hiện đại nhất trên thế giới. Với thiết kế nhỏ gọn, hoạt động yên lặng và động cơ hạt nhân cho phép kéo dài tầm hoạt động không giới hạn đã biến tàu ngầm lớp Seawolf thành “sát thủ dưới nước”.

Tàu ngầm lớp Seawolf được đánh giá có hiệu năng tác chiến cao hơn 20-30% so với lớp tàu ngầm Los Angeles và là đối thủ đáng gờm của lớp tàu ngầm Akula (Yasen) của Nga.

Trang bị điện tử hiện đại; mang 8 ống phóng ngư lôi cỡ 660mm cho phép tàu ngầm Seawolf có thể sử dụng nhiều loại ngư lôi hạng nặng lẫn tên lửa phóng qua ống ngư lôi để tiêu diệt đối phương. Hải quân Mỹ hiện có 3 chiếc lớp Seawolf là: Seawolf, Connecticut và Jimmy Carter.

Theo Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG