Tàu sân bay đầu tiên của thế giới như thế nào?

Tàu sân bay đầu tiên trên thế giới có đường băng dài chỉ 17 m, phi công sẽ cất cánh nhờ vào lực nâng khi tàu di chuyển với tốc độ 20 hải lý/giờ. Ảnh: Dailymail.
Tàu sân bay đầu tiên trên thế giới có đường băng dài chỉ 17 m, phi công sẽ cất cánh nhờ vào lực nâng khi tàu di chuyển với tốc độ 20 hải lý/giờ. Ảnh: Dailymail.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của thế giới chỉ mang theo một máy bay và đường băng dài vỏn vẹn 17 m, vậy máy bay sẽ cất cánh như thế nào?

Tàu sân bay là phương tiện chiến tranh hạng nặng đầy uy lực cho phép quân đội sở hữu nó có thể triển khai lực lượng ở những khu vực xa xôi. Hải quân Mỹ là lực lượng sở hữu hạm đội tàu sân bay hùng mạnh nhất thế giới nhưng ít ai biết rằng Anh mới là quốc gia đầu tiên phát triển khái niệm hàng không mẫu hạm.

Theo Daily Mail, trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức thường xuyên sử dụng các khinh khí cầu mang theo bom tấn công nước Anh. Cho dù bị bắn hạ, những quả bom mà chúng mang theo vẫn rơi xuống đất và phát nổ gây nhiều thiệt hại.

Cách duy nhất để ngăn chặn các khí cầu là bắn hạ chúng trên biển, nhưng các máy bay thời đó không có tầm bay đủ xa để thực hiện điều đó. Hải quân Hoàng gia Anh đã đưa ra một giải pháp vô cùng độc đáo là dùng một chiếc tàu làm đường băng cho máy bay cất cánh.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên trên thế giới chỉ dài có 17 m, nó mang theo một máy bay Sopwith Camel. Chiếc tàu không có động cơ và được một tàu khác kéo ra biển. Để đưa máy bay lên không, người ta sử dụng một tàu khác kéo tàu chứa máy bay di chuyển với tốc độ 20 hải lý/giờ.

Phi công sẽ kích hoạt động cơ trong khi chiếc tàu đang được kéo đi, một nhóm thủy thủ sẽ giữ chiếc máy bay trên mặt boong cho đến khi nó đạt tốc độ và lực nâng cần thiết để cất cánh. Với chiều dài đường băng 17 m, các phi công chỉ có một cơ hội duy nhất để cất cánh hoặc rơi xuống biển.

Ngay cả khi phi cơ đã bay lên không trung thì cách duy nhất để phi công có thể quay trở lại là hạ cánh xuống biển và chờ người tới cứu. Tàu sân bay đầu tiên của thế giới thực sự là một ý tưởng có phần điên rồ, phi công cất cánh từ tàu sân bay này phải là người rất dũng cảm.

Cơ hội để bay lên trời và rơi xuống biển gần như ngang nhau. Phi công còn phải đối mặt với rất nhiều mối hiểm nguy đến tính mạng khi hạ cánh xuống biển.

Tàu sân bay đầu tiên của thế giới như thế nào? ảnh 1

Trung tá Stuart Culley đã tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của tàu sân bay về sau khi đã thực hiện chuyến cất cánh thành công từ một tàu đang di chuyển trên biển. Ảnh: Dailymail

Ngày 10/8/1918, trung tá Stuart Culley thực hiện chuyến cất cánh đầu tiên từ tàu sân bay và thành công. Culley bay lên độ cao 5,7 km trước khi bắn hạ khí cầu Zeppelin L53 và biến nó thành một quả cầu lửa rơi xuống biển Bắc. Phi vụ đầu tiên đã thành công một cách tốt đẹp và buộc Đức phải dừng các cuộc tấn công bằng khinh khí cầu vào nước Anh.

Mặc dù chiếc tàu sân bay đầu tiên chỉ là một dạng sơ khai nhưng nó đã chứng minh những máy bay cánh cố định có thể cất cánh từ một tàu đang di chuyển trên biển. Ông Dave Morris, chuyên gia của Bảo tàng hàng không Anh, nói: “Thật khó để so sánh nó với các tàu sân bay hiện tại, nhưng cho dù bạn tin hay không thì đây vẫn là nơi mọi thứ bắt đầu”

Năm 1996, người ta đã tìm thấy những gì còn lại của tàu sân bay đầu tiên trên bờ sông Thames. Các chuyên gia Bảo tàng hàng không Anh đã tiến hành phục chế con tàu này trong 12 năm. Người ta đưa nó vào bảo tàng như một minh chứng cho lịch sử hàng không hải quân thế giới.

Những phi công lái tiêm kích trên hạm ngày nay cất cánh từ những tàu sân bay có chiều dài hàng trăm mét với sự hỗ trợ của máy phóng. Họ có lẽ còn mắc nợ những người dám đương đầu với thử thách nguy hiểm để thử nghiệm những cách thức mới nhằm triển khai máy bay trên biển như trung tá Culley.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG