Tên lửa Nga 'thách đấu' hệ thống phòng thủ Mỹ

Tên lửa Nga 'thách đấu' hệ thống phòng thủ Mỹ
TPO - Sự hiện diện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa uy lực của bộ đội tên lửa chiến lược Nga cho phép tạo ra hệ thống tên lửa có độ chính xác cao với và tầm bắn tới bất kỳ điểm nào trên trái đất.

Tên lửa Nga 'thách đấu' hệ thống phòng thủ Mỹ

> Những viên tướng Mỹ tử trận tại Việt Nam

> Nga-Mỹ đồng thuận, nhen nhóm hòa bình cho Syria 

TPO - Sự hiện diện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa uy lực của bộ đội tên lửa chiến lược Nga cho phép tạo ra hệ thống tên lửa có độ chính xác cao với và tầm bắn tới bất kỳ điểm nào trên trái đất.

Những điều đã biết về khả năng và cấu trúc tương lai của hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được xây dựng của Mỹ cho tới thời điểm hiện tại còn khá ít ỏi. Là bên đề xuất tiếp tục cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân, nhưng người Mỹ không từ bỏ việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Hệ thống này nguy hiểm tới mức độ nào đối với nước Nga? Những kịch bản phát triển của vấn đề này sẽ như thế nào? Phóng viên nhật báo VPK đã đề cập tới chủ đề này trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu quân sự, thượng tướng-cựu tham mưu trưởng bộ đội tên lửa chiến lược Victor Esin.

Theo quan điểm của ông, diện mạo tương lai của bộ đội tên lửa chiến lược sẽ thế nào? Liệu có sự thay đổi hay không?

- Diện mạo trước đây của bộ đội tên lửa chiến lược hình thành do tác động của đòi hỏi chủ yếu đối với cụm quân xung kích là khả năng thực hiện đòn tiến công bằng tên lửa- hạt nhân mà kẻ thù không thể chịu nổi nếu cụm quân này ra đòn. Đòi hỏi này mặc định việc xây dựng cụm quân xung kích 2 hợp phần, có trong trang bị 2 kiểu tổ hợp tên lửa- giếng lò và di động. Kiểu thứ nhất có tiềm năng chủ yếu tham gia đòn trả đũa tức thì, kiểu thứ 2 phối hợp với tàu ngầm mang tên lửa chiến lược tạo ra tiềm lực đánh trả của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.

Hiện nay tỷ suất của bộ đội tên lửa chiến lược trong lực lượng hạt nhân chiến lược Nga về phương tiện mang là hơn 60%, về lượng nổ hạt nhân là 2/3. Nhưng đóng góp của binh chủng này vào việc thực hiện nhiệm vụ kiềm chế hạt nhân được xác định không phải chỉ bằng tiêu chí đó. Cụm quân xung kích của bộ đội tên lửa chiến lược có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất được tính bằng đơn vị phút, có thể giải quyết nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện thời tiết. Về những tiêu chí này, cụm quân xung kích vượt tất cả các thành phần khác của lực lượng hạt nhân chiến lược.

Nhiều lần việc tiến hành mô hình hóa các kịch bản dự kiến khác nhau của giai đoạn khởi đầu cuộc chiến tranh hạt nhân đã chứng tỏ việc xây dựng cụm quân xung kích 2 hợp phần là phương án tối ưu. Nó thể hiện sinh động, bảo đảm sự ổn định đồng đều và khả năng của cụm quân đáp trả hợp lý cuộc xâm lược hạt nhân chống nước Nga trong bất kỳ tình huống nào. Vì vậy trong tương lai gần cũng như dài hạn không cần thiết phải thay đổi diện mạo của bộ đội tên lửa chiến lược. Điều này được khẳng định trong các kế hoạch xây dựng và phát triển binh chủng này, đã được thảo luận vào tháng 5 vừa qua tại Sochi và được tổng thống Nga Vladimir Putin tán thành

Tên lửa Nga 'thách đấu' hệ thống phòng thủ Mỹ ảnh 1
 

Ông đánh giá thế nào về tiến trình tái vũ trang bằng các tổ hợp tên lửa mới của bộ đội tên lửa chiến lược?

- Hiện nay tỉ lệ các tổ hợp tên lửa kiểu mới và kiểu cũ trong trang bị của bộ đội tên lửa chiến lược là 28%/72%. Tư lệnh bộ đội tên lửa chiến lược, thượng tướng Sergei Karakaev đã tuyên bố tới cuối năm 2016, tỷ suất của các tổ hợp tên lửa mới sẽ tăng lên gấp đôi, và vào năm 2021 sẽ hoàn tất quá trình cải tổ cụm quân xung kích trên thực tế (không dưới 98%).

Để thực hiện được những kế hoạch này cần phải đẩy nhanh tốc độ đưa vào trang bị chiến đấu của bộ đội tên lửa chiến lược các tổ hợp tên lửa mới. Điều này đã được xác định trong chương trình vũ trang quốc gia, nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có những khó khăn nhất định. Đó là sự chậm trễ trong việc cải tạo mặt bằng sản xuất của những nhà máy chế tạo các tổ hợp tên lửa cũng như năng lực yếu kém của các đơn vị xây dựng đảm nhiệm việc tái trang bị các trận địa chiến đấu và khu kỹ thuật tại các binh đoàn tên lửa.

Bộ đội tên lửa chiến lược hoặc Bộ quốc phòng Nga không đủ khả năng đơn độc giải quyết những vấn đề này. Cần phải có hoạt động phối hợp nhịp nhàng của tất các các cơ quan chính phủ tham gia thực hiện đơn đặt hàng quốc phòng.

Trong 10 năm qua bộ đội tên lửa chiến lược đã thử nghiệm tổ hợp tên lửa nhiên liệu rắn 3 lần. Việc này liên quan tới điều gì?

- Trước hết cần phải hiểu rằng, các tổ hợp tên lửa Topol-M, Iars và Iars cải tiến cùng thuộc họ các tổ hợp tên lửa nhiên liệu rắn. Về bản chất chúng là sản phẩm của quá trình cải tiến triệt để tổ hợp tên lửa Topol nổi tiếng theo từng giai đoạn.

Về mặt này nước Nga tuân theo thực tiễn của thế giới. Chẳng hạn, người Mỹ đã nhiều lần nâng cấp hệ thống tên lửa tương tự Minuteman của mình, ban đầu từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman-2 lên Minuteman-3, sau đó chế tạo nhiều phiên bản, được phân loại chủ yếu bằng đầu đạn của Minuteman-3. Không cần phải giấu giếm, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M và Iars của Nga về mặt nguyên lý chỉ khác nhau bởi đầu đạn.

Nhu cầu hoàn thiện tổ hợp tên lửa đã chế tạo không phải là ý tưởng khác thường của nhà thiết kế mà là đòi hỏi khách quan do nhiều yếu tố đặt ra. Chẳng hạn, đòi hỏi nâng cao các phẩm chất chiến đấu của tổ hợp, trong đó có khả năng tiêu diệt những mục tiêu đặc thù, tạo ra cho tổ hợp một số khả năng mới về cơ động, giữ bí mật hành động hoặc khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương một cách an toàn. Riêng yếu tố cuối cùng đặc biệt đòi hỏi phải cải tiến tổ hợp tên lửa Iars.

Tên lửa Nga 'thách đấu' hệ thống phòng thủ Mỹ ảnh 2
 

Tổ hợp tên lửa Iars cải tiến có gì khác với phiên bản trước nó?

-Có thể khẳng định tổ hợp tên lửa Iars cải tiến sẽ được trang bị đầu đạn hoàn thiện hơn và có những khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa cao hơn. Trong phương án triển khai di động, tổ hợp tên lửa này có khả năng cơ động lớn và giữ bí mật hành động tốt.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo nặng nề Voevoda có còn được sử dụng lâu dài? Liệu nước Nga có kịp chuẩn bị cho nó sự thay thế xứng đáng?

-Thời hạn có thể sử dụng của tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Voevoda là 25 năm, trong khi đó thời hạn bảo đảm là 15 năm. Thực tế có khả năng gia hạn sử dụng tối đa tới 30 năm. Nếu thực hiện được dự kiến gia hạn thì tổ hợp tên lửa có thể được giữ lại trong trang bị chiến đấu của bộ đội tên lửa chiến lược tới năm 2022.

Hiện nay Nga đã thông qua và đang thực hiện quyết định về việc chế tạo tổ hợp tên lửa mới (công trình thiết kế thử nghiệm Sarmat) nhằm thay thế tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Voevoda. Tổ hợp tên lửa mới này dự kiến được đưa vào trang bị năm 2018. Sau đó bắt đầu được triển khai trong các binh đoàn tên lửa hiện nay đang sử dụng các tổ hợp tên lửa Voevoda. Nếu các kế hoạch này được hiện thực hóa thì Voevoda sẽ được thay thế một cách xứng đáng.

Tên lửa nhiên liệu lỏng có trọng tải hiệu dụng lớn hơn so với tên lửa nhiên liệu rắn trước kia. Nhưng liệu đó có phải nguyên nhân duy nhất làm cho chúng ta cần những tên lửa hạng nặng?

- Khả năng của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu lỏng cho phép thực hiện được nhiều phương pháp đa dạng và hiệu quả hơn để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu do người Mỹ xây dựng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu Washington quyết định triển khai một thê đội các phương tiện tiến công vũ trụ trong biên chế hệ thống phòng thủ tên lửa.

Theo lời tư lệnh bộ đội tên lửa chiến lược, thượng tướng Sergei Karakaev, sự hiện diện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu lỏng uy lực trong trang bị chiến đấu cho phép hiện thực hóa những khả năng chế tạo hệ thống tên lửa chính xác cao mang đầu phi đạn hạt nhân có tầm bắn thực tế tới bất cứ điểm nào trên trái đất. Điều này sẽ là sự đáp trả thích đáng dành cho người Mỹ, nếu họ không từ bỏ chương trình chế tạo những hệ thống tên lửa như thế của mình.

-Có cảm tưởng, ban đầu chúng ta đã cắt giảm tiềm lực hạt nhân chiến lược của mình theo đề xuất của người Mỹ và bây giờ lại khôi phục, tốn kém rất nhiều tiền bạc. Liệu có đúng như vậy không?

Điều này không đúng với bản chất của vấn đề. Sự thực là, vào cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này nước Nga đã chủ định cắt giảm các lực lượng hạt nhân chiến lược của mình, kể cả trong trường hợp từ bỏ việc thực hiện Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược START-1 mà Liên Xô đã ký với Mỹ năm 1991. Trong giai đoạn nói trên phần lớn những phương tiện mang vũ khí hạt nhân mà nước Nga tiếp thu sau khi Liên Xô sụp đổ đã kết thúc thời hạn cho phép sử dụng và quá cũ cần phải loại ra khỏi trang bị chiến đấu. Nhiều loại trong số đó tạo ra mối đe dọa với môi trường sinh thái. Việc cắt giảm ồ ạt lực lượng hạt nhân chiến lược của nước Nga không bù đắp nổi bằng cách đưa vào trang bị chiến đấu các phương tiện mang vũ khí hạt nhân mới. Do hậu quả sụp đổ của nền kinh tế, trong thập niên 1990 nước Nga chỉ có thể đưa vào trang bị một tổ hợp tên lửa mới duy nhất là Topol-M bố trí kiểu giếng lò. Tất cả các chương trình tái vũ trang cho lực lượng hạt nhân chiến lược còn lại đều bị đình hoãn. Người Mỹ không liên quan gì tới điều này.

Theo lập luận của một số chuyên gia, nếu chúng ta không ký kết Hiệp ước START-1 thì ưu thế về sức mạnh hạt nhân chiến lược của Mỹ ít nhất cũng vẫn được giữ nguyên, nếu không muốn nói là gia tăng. Do đó việc ký kết vào tháng 4/2010 tại Praga Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược mới có lẽ làm lợi cho chúng ta hơn so với người Mỹ. Hiện nay tình hình phát triển hơi khác thường. Để phù hợp với mức giới hạn của Hiệp định START mới, tới tháng 1/2018 người Mỹ phải cắt giảm lực lượng tiến công chiến lược của mình, còn chúng ta cần phát triển số lượng phương tiện mang triển khai sẵn.

Liệu nước Nga có cần phải đạt được sự ngang bằng với Mỹ về số lượng phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến lược như thời Liên Xô hay không?

- Không cần thiết phải làm việc này. Điều chủ yếu đối với lực lượng hạt nhân chiến lược Nga là có được tiềm lực đủ khả năng bảo đảm kiềm chế chiến lược hạt nhân đúng nghĩa, mà nhiệm vụ này có thể giải quyết được cả khi không có sự đồng đẳng với Mỹ về số lượng phương tiện mang. Nói cho cùng thì các lượng nổ tiêu diệt mục tiêu chứ không phải những phương tiện mang.

Dù người Mỹ có tiềm lực khôi phục các lực lượng tiến công chiến lược lớn. Nhưng điều này không làm ảnh hưởng đáng kể tới sức mạnh kiềm chế hạt nhân Nga, bởi vì không bên nào có thể lợi dụng tiềm năng khôi phục trong khuôn khổ Hiệp định START mới.

Các triển vọng trong cuộc đối thoại về hệ thống phòng thủ tên lửa như thế nào? Lẽ nào phát triển vũ khí tiến công là sự đáp trả phi đối xứng duy nhất của nước Nga?

- Không có triển vọng đạt được sự thỏa hiệp mà cả 2 bên cùng chấp nhận về vấn đề phòng thủ tên lửa. Nước Nga kiên quyết đòi Mỹ phải đưa ra những cam kết đảm bảo về mặt pháp lý, hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ xây dựng không nhằm chống lại các lực lượng hạt nhân chiến lược Liên bang Nga. Những cam kết đó phải bao gồm các tiêu chí chuẩn xác và được khảo nghiệm, khẳng định điều này. Bản thân nước Mỹ năm 2002 đã bỏ tham gia Hiệp định vô thời hạn về phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô năm 1972, không muốn có bất cứ hạn chế nào được áp dụng cho hệ thống phòng thủ tên lửa do họ xây dựng.

Trong hoàn cảnh này Nga không có cách nào khác là phải hoàn thiện về chất sức mạnh của các lực lượng hạt nhân chiến lược của mình, tạo cho lực lượng này khả năng chắc chắn vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà người Mỹ xây dựng một cách an toàn. Đây chính là phương pháp ít tốn kém nhất, và điều chủ yếu đây là sự đáp trả phi đối xứng hiệu quả nhất cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của người Mỹ.

Điều này hoàn toàn không có nghĩa là, nước Nga không phải hoàn thiện hệ thống phòng thủ không gian-vũ trụ của mình. Nhưng vì không thể bảo đảm phòng không và phòng thủ tên lửa toàn bộ lãnh thổ nước Nga, nên phải xác định nhiệm vụ ưu tiên. Nước Nga hoàn toàn có khả năng chi trả cho nhu cầu kiềm chế hạt nhân nhằm loại trừ các mối đe dọa trực tiếp của những cuộc chiến tranh quy mô lớn. Do đó nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là bảo đảm phòng không và phòng thủ tên lửa một cách vững chắc cho đội hình chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, và bằng chính cách đó nâng cao độ ổn định trong chiến đấu của họ.

Nhiệm vụ ưu tiên thứ 2 là hoàn thiện và phát triển khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa cho các cụm quân của lực lượng vũ trang có nhiệm vụ hoạt động trên các chiến trường dự kiến.

Và nhiệm vụ ưu tiên thứ 3 là khi có các nguồn lực dôi dư thì cần phải tập trung các nỗ lực vào nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa cho các mục tiêu quốc gia quan trọng khác như những trung tâm hành chính-chính trị, công nghiệp lớn và hạ tầng cơ sở thiết yếu.

Những điểm đề xuất đã nêu trong việc giải quyết các nhiệm vụ phòng thủ không gian-vũ trụ cho phép xây dựng tại nước Nga, với chi phí nguồn lực có thể chấp nhận được, trong tương lai gần hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa mà nếu kết hợp với sức mạnh kiềm chế hạt nhân sẽ có khả năng ngăn chặn cuộc xâm lược quy mô lớn.

Hệ thống phòng thủ tên lửa mà người Mỹ xây dựng nguy hiểm với nước Nga tới mức độ nào?

Không đáng phải lo sợ, đến năm 2020 người Mỹ mới hoàn tất việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa nước Nga không quan tâm gì tới vấn đề phòng thủ tên lửa.

Với kiểu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ như hiện nay, tới giai đoạn 2020-2025 hệ thống này chưa có khả năng ảnh hưởng đáng kể tới tiềm lực kiềm chế hạt nhân của nước Nga.

Liệu chúng ta có nằm trong gọng kìm của hệ thống phòng thủ tên lửa?

Sức mạnh phòng thủ tên lửa to lớn thuộc về các chiến hạm hạng nhất của Mỹ là các tuần dương hạm và khu trục hạm được trang bị hệ thống chiến đấu đa nhiệm Aegis với các tên lửa đánh chặn kiểu Standart-3M các phiên bản khác nhau. Có được tiềm năng chống tên lửa di động như thế, trong những điều kiện nhất định người Mỹ có thể bố trí các chiến hạm này ở những vùng biển tiếp giáp với nước Nga. Như vậy nước Nga có nguy cơ nằm trong gọng kìm của hệ thống phòng thủ tên lửa. Cần phải tính toán trong các kế hoạch quân sự và dự kiến những biện pháp, mà khi thực hiện có thể cho phép tránh được điều này và phá tan thế gọng kìm trong trường hợp thực sự có mối đe dọa chiến tranh.

Các kịch bản phát triển vấn đề phòng thủ tên lửa như thế nào?

Các nhà nghiên cứu dự đoán trong tương lai gần vấn đề phòng thủ tên lửa sẽ nóng lên, hy vọng điều này không dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng rất có thể sẽ bắt đầu một chặng mới của cuộc chạy đua vũ trang. Và nếu Mỹ triển khai trong vũ trụ hệ thống chống tên lửa xung kích thì quy mô cuộc chạy đua vũ trang sẽ vô cùng lớn. Khi đó quá trình này sẽ không những chỉ liên quan tới Nga và Mỹ, mà cả các quốc gia chủ đạo khác, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Liệu hiện nay đã có thể đưa ra dự đoán nào đó cho hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ liên quan tới vụ thử nghiệm tên lửa đánh chặn thất bại hồi đầu tháng 7?

- Hệ thống phòng thủ tên lửa do người Mỹ xây dựng chưa hoàn thiện. Không chỉ riêng các nghị sỹ quốc hội mà ngay Cục phòng thủ tên lửa cũng khẳng định điều này. Để đánh chặn đầu đạn được che chở bằng một tổ hợp phương tiện, có khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa cần phải sử dụng 7-8 tên lửa đánh chặn GBI được triển khai ở Alaska và California. Ngoài ra người Mỹ tới thời điểm hiện tại vẫn chưa tiến hành thử nghiệm lần nào việc thực hành đánh chặn đầu đạn tên lửa xuyên lục địa. Họ chỉ mới giới hạn ở việc đánh chặn tên lửa bia.

Nếu nói về việc thử nghiệm tên lửa đánh chặn GBI, được phóng từ căn cứ không quân Mỹ Vandenberg ở California hồi đầu tháng 7 thì vụ thử nghiệm này mới chỉ nhằm kiểm tra tính hiệu quả của việc hoàn thiện tầng đánh chặn. Phiên bản đầu tiên của tầng này ở tên lửa GBI đã không làm hài lòng người Mỹ. Tên lửa đã được hoàn thiện và cuộc thử nghiệm không thành công- tên lửa đánh chặn bắn trượt mục tiêu. Hình như điều kiện tình huống bia quá phức tạp. Nhưng cũng có nhiều vấn đề khác, ví dụ liên quan tới việc, tầng đánh chặn không phân biệt được các mục tiêu giả với đầu đạn thật. Theo báo cáo của Cục thống kê Mỹ công bố tháng 4/2012, các nhà nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ mới chỉ giải quyết được 7 trong số 39 vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất. Đã xác định được các phương pháp giải quyết 15 vấn đề, nhưng 17 vấn đề còn lại hiện nay chưa tìm được giài pháp kỹ thuật.

Dựa vào ý kiến của chính các nhà nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ khả năng của hệ thống này trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ trước một cuộc tiến công tập trung bằng tên lửa.

Nếu người Mỹ triển khai thê đội vũ trụ phòng thủ tên lửa xung kích, thì việc quyết định rất đơn giản. Nhưng điều này sẽ phát động một cuộc chạy đua vũ trang mới trong vũ trụ.

Điều gì sẽ diễn ra?

- Không quá khó để dự đoán. Ban đầu người Mỹ sẽ có ưu thế nhất định, triển khai được các hệ thống tiến công của mình trong khoảng không ngoài trái đất. Nhưng ưu thế sẽ không tồn tại được lâu. Sau đó Nga, Trung Quốc và các nước khác sẽ theo gương. Kết quả là thay vì tăng cường khả năng bảo vệ an ninh, nước Mỹ phải tiêu hao những nguồn lực khổng lồ và phải chịu hiệu ứng ngược- mức độ nguy hiểm của các mối đe dọa tăng lên. Ý tưởng nâng cao khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các mối đe dọa tên lửa hạt nhân gây ra sự bất ổn chiến lược toàn cầu.

Mỹ sẽ không thực hiện bước đi đầy mạo hiểm này. Hiện nay bản dự thảo hiệp định cấm đưa bất kỳ loại vũ khí tiến công nào vào trong vũ trụ do Nga và Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva vẫn chưa được thảo luận. Tuy nhiên nhiều nước ủng hộ một hiệp định như thế về vũ trụ. Người Mỹ hiện nay vẫn lừng khừng chưa nói tán thành cũng không phản đối. Họ nghiêng về ủng hộ bộ quy tắc ứng xử trong vũ trụ do các nước thành viên Liên minh châu Âu đề xuất không có giá trị pháp lý. Điều này không làm vừa lòng đa số các nước khác. Dầu sao hiện nay đã có Công ước cấm bố trí vũ khí sát thương hàng loạt trong vũ trụ. Nó cần được bổ sung những gì cần thiết đề cấm bố trí trong vũ trụ bất kỳ một loại vũ khí tiến công nào.

Cần phải nhận thấy một sự thật, hiện nay nước Mỹ đã đột ngột giảm hăng hái trong việc tiến hành những nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chế tạo các hệ thống tiến công vũ trụ. Nhưng đối với họ đây là biện pháp bắt buộc do những khó khăn về tài chính mà Bộ quốc phòng Mỹ đang gặp phải.

Liệu có phải đã bắt đầu một chặng mới của cuộc chạy đua vũ trang trong việc nâng cấp vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Lầu năm góc đã tham gia?

- Chưa thể nói về bất kỳ một chặng mới nào của cuộc chạy đua vũ trang về vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngược lại, Lầu năm góc đang hướng tới việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng nguyên nhân không phải vì người Mỹ yêu chuộng hòa bình mà vì vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đã mất hết ý nghĩa quân sự của nó. Trong kho vũ khí của Mỹ nó đã bị vũ khí chính xác cao chiếm hết vị trí. Về lĩnh vực vũ khí loại này, Mỹ vượt mặt tất cả các khác nước trên thế giới.

Liệu có thể dự báo những thay đổi nào đó nào trong phân bố lực lượng của “câu lạc bộ hạt nhân”?

Nga và Mỹ trong khuôn khổ của những hiệp ước song phương đang hạn chế và cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân của mình, Anh, Pháp cũng theo gương hai nước Nga-Mỹ. Thực ra, còn phải kể tới các quốc gia hạt nhân khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và cả CHDCND Triều Tiên đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân của họ. Tình hình đang biến chuyển theo hướng đó gây ra sự quan ngại cho ban lãnh đạo quân sự-chính trị Nga. Vì vậy Moscow kiên quyết đòi hỏi để vòng đàm phán tiếp theo về hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân phải tiến hành đa phương với sự tham gia theo khả năng tối đa của các nước sở hữu loại vũ khí này.

Đỗ Ngọc Inh
Theo VPK, Nga

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG