Tết sớm nơi đầu sóng

Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh gói bánh chưng đón Tết.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh gói bánh chưng đón Tết.
TP - Ðang gói bánh chưng giữa sân, bỗng có tiếng hô to: “Báo động phòng không!”. Tiếng bước chân rầm rập, các chiến sĩ đến vị trí sẵn sàng chiến đấu. Không phải diễn tập, có máy bay đang bay qua đảo Phan Vinh...

Khóc vì trôi... mất lá dong

Xuồng vừa cập cảng đảo Phan Vinh (Trường Sa, Khánh Hòa), ai cũng chú ý đến mấy gốc cây trơ cành, trụi lá bên đường dẫn vào đảo. Đón đoàn, Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo kể, hôm bão vào, sóng đánh đến tầng 2 hội trường, nước ngập khắp nơi, gió mạnh, làm gãy, đổ một số cây. Từng chống chọi với 5 – 7 cơn bão trong quãng thời gian công tác tại đảo Phan Vinh, anh Xuyên bảo, Tembin là cơn bão khiến đảo bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dù công tác chuẩn bị phòng chống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất tốt.

Tuy để lại nhiều thiệt hại, nhưng cũng có những niềm vui nhỏ nhoi cơn bão mang lại. Những cơn mưa bão, gió giật khiến nhiều chú chim cắt vào đảo không bay đi đâu được. Anh em lính đảo giữ lại 2 con, nuôi trong lồng, hàng ngày cho ăn thịt, dù cán bộ, chiến sĩ phải tiết kiệm lương thực, thực phẩm. Cạnh lồng chim có thêm bể cá, trong có san hô và vài con cá cảnh bắt dưới biển. Người gọi cá ma, cá chó, người gọi cá mú, cá mô. Anh em cán bộ, chiến sĩ ngồi uống nước với khách, nhìn cá và tranh luận khá thú vị. Nhân chuyện nuôi cá, bắt cá, một cán bộ Lữ đoàn 146 kể, có đợt, ở đảo Nam Yết có cơn bão đi qua, sóng “dâng” cả một đàn mực lên đảo. Anh em không mất công đi bắt lại có đồ ăn. Đảo trưởng đảo Phan Vinh kể, bão Tembin hôm trước cũng kém gì, sóng cũng đánh lên đảo khá nhiều cá, thành ra, anh em có dịp bắt cá ngay trên đảo... Vừa lúc anh em chiến sĩ khênh 2 cây quất từ tàu vào đảo. Anh Xuyên bảo, năm nay thấy quất vẫn có quả chứ năm ngoái không còn quả nào, ra đến đảo chỉ còn lá. Dù thế, anh em vẫn rất trân quý tình cảm của đất liền gửi ra.

Nhìn thấy bộ đội khiêng mấy bịch lá dong vào đảo, anh Xuyên chia sẻ, kinh nghiệm ở đảo, lá dong sau khi mang ra, phải cho vào trong bao theo từng lớp, sau đó buộc vào cột nhà rồi tưới nước thường xuyên hoặc cho vào túi, chôn xuống đất thì lá không bị héo, đến Tết Nguyên đán vẫn có thể gói bánh chưng được. Vừa nói anh vừa cười. Anh kể, mấy năm trước, có người ra đảo mang theo lá dong để gói bánh chưng, rồi quấn chặt đem chôn dưới lớp cát ven đảo để giữ tươi. “Ban đêm, sóng tràn lên cuốn trôi mất một nửa, anh ấy cứ khóc mãi vì tiếc. Anh em gói bánh chưng số lá còn lại, gạo nếp thừa thì nấu xôi ăn chứ biết làm sao”, anh Xuyên cười. Lân la hỏi chuyện gia đình, anh Xuyên kể ngoài đảo chống bão, trong nhà cũng chống bão. Nhà anh ở Khánh Hòa, bị ảnh hưởng cơn bão số 13, sập mất một góc mái chưa có tiền sửa. Hôm trước, gọi điện về, con gái hỏi “bao giờ bố về?”, anh đùa con “nếu học kém là bố không về”. Nói thế mà con gái giận, gọi điện không thèm nghe máy nữa.

Tết sớm nơi đầu sóng ảnh 1
Tết sớm nơi đầu sóng ảnh 2 Các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Trường Phong.

Không để Tổ quốc bất ngờ

Hơn 11 giờ, bữa ăn “tất niên” đãi đoàn công tác và các phóng viên đã có các món như thịt rán, sườn xào chua ngọt. Đảo cũng có thêm những món đặc trưng như cá mú sốt cà chua, ốc nhảy xào giá. Thượng tá Phạm Văn Thường, Chính trị viên đảo Phan Vinh bảo, sau bão, anh em hạn chế rau xanh, nhưng có cách làm giá đỗ nhanh thay thế. Chỉ cần cho đỗ xanh xuống cát biển, sau đó ủ bao đay lên rồi tưới nước là có đủ giá ăn. Hai đĩa rau mầm và giá đỗ vèo cái đã hết. Cánh phóng viên mới đi tàu 2 ngày trên biển đã thèm rau đến thế chứ đừng nói là lính ở trên đảo. Sau bữa ăn, một phóng viên phát hiện, những món rau xanh quý giá trên bàn ăn lúc trưa là đảo “nhịn miệng, đãi khách”. Những vườn rau nằm cạnh bờ đã bị sóng biển thổi bay hết. Cũng may, 40 tấn rau, củ, quả của thành phố Đà Lạt tặng đã được mang ra trao tận tay cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Thấy rau xanh, mắt anh em lính đảo nào cũng sáng lên.

Sau giờ trưa, lãnh đạo đảo phân công người đi nhặt lá dong, người chẻ lạt, người vo gạo, người ướp thịt để chuẩn bị gói bánh chưng. Vài cậu lính cặm cụi, hì hục dùng chai thủy tinh để “vỡ đỗ”. Một chiếc chiếu được trải giữa sân đảo, Trung tá Hoàng Văn Ánh được giao nhiệm vụ cao cả là gói bánh chưng, đồng thời hỗ trợ các tân binh mới lên đảo học gói bánh và làm quen với cấp trên cho đỡ ngượng. Anh Ánh từng 8 lần ăn Tết ở các đảo trên Trường Sa, dĩ nhiên, có cách một vài năm chứ không liên tục. Vừa gói được vài chiếc bánh, tiếng kẻng báo động vang lên. Thượng tá Phạm Văn Thường chạy vào sân hô to: “Có báo động phòng không”. Cánh phóng viên ngơ ngác. Anh em chiến sĩ vội buông các công việc dang dở, ngay lập tức lao vào phòng lấy súng và di chuyển sang vị trí chiến đấu. Phóng viên bất ngờ vì mấy ngày trước đã đề nghị lãnh đạo đoàn công tác cho ghi hình, chụp ảnh diễn tập phòng thủ phòng không mà không được. Phóng viên Tiền Phong theo chân anh Thường leo lên nóc tòa nhà trên đảo. Theo lời của một vài cán bộ, có một chiếc máy bay đang bay qua khu vực này. Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Phan Ngọc Quang cũng có mặt để quan sát. Phía dưới, các chiến sĩ đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. 5 phút trôi qua, báo động qua đi, Chỉ huy trưởng đảo bảo, thỉnh thoảng, vẫn có vài chiếc máy bay bay qua đây. Anh em quen với việc báo động rồi, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu nhanh nhất có thể. Ngoài nội dung phòng thủ đối không, anh em cũng thường xuyên có nội dung huấn luyện liên quan đến đối hải... với quyết tâm không để Tổ quốc bất ngờ.

Ðừng thắc mắc khi Tết không có rượu!

Đó là câu nói của Đại tá, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Nguyễn Công Sơn trong cuộc gặp với phóng viên trước khi các chuyến tàu xuất bến, mang hàng Tết ra Trường Sa. Theo ông Sơn, khi ra Trường Sa vui xuân, đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ, phóng viên đừng thắc mắc tại sao mâm cỗ cúng giao thừa lại không có rượu, bởi đó đã là quy định, là quy chế, thực hiện nghiêm ngặt. Trong bữa cơm “tất niên” ở Phan Vinh, Thượng tá Đặng Văn Tám, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo cũng nói: Trên đảo, kể cả đón Tết hay ngày gì đi chăng nữa, trên mâm cơm chỉ có nước ngọt. Từ lãnh đạo đảo trở xuống, không ai được uống rượu trong bất kỳ trường hợp nào.

MỚI - NÓNG