45 năm Hiệp định Paris

Tết vui của người lính Sài Gòn trong bức ảnh 'Hai người lính'

TP - Thời điểm này năm 2016, tôi viết trên báo Tết: “Hai người lính giờ còn một, may mà còn một” (bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính). Cuộc đời vẫn có những chuyện kỳ diệu như vậy. Xuân này, anh lính Sài Gòn trong ảnh “Hai người lính” không chỉ còn sống mà lại có cái tết vui hơn mọi năm.

Chữ duyên

Bây giờ, hai vợ chồng ông Bùi Trọng Nghĩa - người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính hay gọi cuộc hạnh ngộ giữa chúng tôi là “duyên”. Duyên đó xuất phát từ sự quan tâm của tôi với bức ảnh trứ danh của Chu Chí Thành.

Nhớ cảm giác hồi hộp hồi tháng 4-5/2017 lần theo manh mối người lính Sài Gòn trong ảnh, thoạt tiên là trên mạng xã hội, khi mà trước đó từng nghe người trong cuộc kể ông đã chết năm 1973. Cuối cùng cũng có số điện thoại của ông nhưng được biết nhân vật không có ý định nghe máy lạ, càng chẳng muốn gặp ai. Nên phải loại bỏ kênh liên lạc này.

Có trong tay tấm ảnh chụp chứng minh thư của ông Nghĩa do con trai ông đưa lên Facebook cá nhân (khi cậu đang tương tác với một vài người chứ không chia sẻ ở dòng trạng thái - nghĩa là không dễ mò ra), tôi rủ đồng nghiệp báo Công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp truy tìm dấu vết ông Nghĩa. Nhưng địa chỉ ở chứng minh thư (do chính quyền mới cấp cho) - đường Phan Đăng Lưu quận Phú Nhuận là địa chỉ cũ, nhà cũ của mẹ ông còn ông đã chuyển, không biết đi đâu. Đồng nghiệp báo Công An nhận được sự giúp đỡ của một số cán bộ trong ngành nhưng họ đề nghị giấu tên bởi e ngại vi phạm quyền nhân thân dù biết chúng tôi đang làm việc tốt mà thôi.

Có cả số điện thoại của con trai ông nhưng tôi cũng không gọi hỏi vì biết thanh niên này nếu có muốn cũng không dám qua mặt cha. Đến Chu Chí Thành- người trong cuộc, nổi tiếng, có cuộc gặp lịch sử với ông Nghĩa, người chụp bức ảnh lịch sử mà họ còn từ chối cung cấp địa chỉ nữa là người xa lạ như mình.

Tết vui của người lính Sài Gòn trong bức ảnh 'Hai người lính' ảnh 1
Tết vui của người lính Sài Gòn trong bức ảnh 'Hai người lính' ảnh 2 Một số ảnh của Bùi Trọng Nghĩa được đưa lên mạng xã hội - là căn cứ để phóng viên  Tiền Phong  tìm ra ông.

Google số điện thoại của Nhân - con trai ông Nghĩa, tôi tìm ra công ty cậu làm việc. Gọi hỏi thì được trả lời là vừa chuyển rồi, không làm ở đây nữa, còn địa chỉ thì không biết. Gọi để “khai thác” địa chỉ nhà riêng qua người cùng sở làm chứ không phải để liên lạc với Nhân, đương nhiên.

Trong khi chờ tôi bay vào, đồng nghiệp báo Công An quyết định điện thoại cho ông Nghĩa để kiểm tra xem địa chỉ mới ở quận 12 tức Hóc Môn cũ mà anh lần được qua mấy đầu mối bên chính quyền có khớp không. Phóng viên này mẹo mực phết - điện thoại cho ông Nghĩa, anh không xưng phóng viên mà là công an hộ khẩu, nói sao chuyển nhà nhiều lần vậy, muốn xác minh địa chỉ mới vì “có việc”. Bên kia ậm ừ trả lời rằng nhà ông bây giờ ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, số nhà thì đúng như vậy. Và nói ông bây giờ đi làm ở Bình Dương vài ngày mới về Sài Gòn một lần.

“Tôi cũng là người lính cùng thời với bức ảnh Hai người lính. Chúng tôi rất muốn hai nhân vật gặp nhau và chụp lại bức hình thời nay. Tôi tin chắc đó là những bức ảnh vô cùng ý nghĩa, đầy nhân văn”.

Một bạn đọc bình luận dưới loạt bài "Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính"

Phóng viên trẻ báo tin vui ra Hà Nội cho tôi: “Ít ra ông ấy bước đầu xác nhận từng đi lính Thủy quân Lục chiến chị nhé. Còn có đúng là nhân vật trong ảnh không thì ta phải gặp được đã”. Tuy nhiên, dù từng hành nghề xe ôm nhưng ông Nghĩa đã nghỉ hơn năm nay do bị ngã xe, đau chân, và không hề ở Bình Dương. Ông đã lừa anh phóng viên, rắp tâm làm cho anh ngại, nản. (Sau này khi chúng tôi mò được nhà, ông hỏi anh: Cậu là cái người bữa qua kia gọi cho tôi chớ gì? Hihi). Tôi mới nghe cũng tưởng thật, định “căn” ngày nghỉ cuối tuần bay vào mới hy vọng gặp ông từ Bình Dương về.

Còn nhà ông cũng có phải ở Nguyễn Ảnh Thủ đâu, làm chúng tôi mất buổi chiều tìm đỏ mắt!

Đường Nguyễn Ảnh Thủ này đã dài lại đứt khúc kiểu rất oái oăm. Chúng tôi mò mãi, làm gì có số nhà như thế ở trong hẻm như thế. Cuối cùng đành xông vào tất cả những nhà có hẻm, ngách, “xuyệc” mà vẫn không tăm tích.

Trước đó, hai chúng tôi lò dò đến công an phường và ủy ban phường định dò hỏi nhưng cuối tuần, họ toàn họp là họp. Vả lại tự đi tìm có cái thú của nó.

Cuối cùng, hóa ra là một đường gần đó, cũng dài ngoẵng như Nguyễn Ảnh Thủ. Mò được vào con hẻm và đứng trước số nhà chính xác rồi, hỏi một bà ngồi gần đó cho yên tâm, thì được gật đầu xác nhận. Mừng. Chấm dứt một buổi chiều tìm kiếm có lúc tưởng vô vọng.

Lại nói chuyện tìm được nhà rồi nhưng chủ nhà có chịu tiếp hay là hai phóng viên tẽn tò ra về. Đã lặn lội từ Hà Nội vào đến đây.

Có lúc, anh chàng phóng viên trẻ bàn, hay là nhờ chính quyền nói giúp, may ra ông lính Sài Gòn nể nang mà mặn nồng hơn chăng. May mà chúng tôi không làm như vậy. Vì ông Nghĩa, với bản tính khá ngông, chắc không nghe ai đâu và như thế cũng mất hay.

Đứng trước nhà, không gõ cửa mà réo tên ông ời ời. “Chú Nghĩa ơi mở cửa cho con”. (Là chàng kia gọi).

Cửa sắt lạch xạch mở. Hai người, một đàn ông một đàn bà hiện ra, ánh mắt rất chi “cảnh giác”. Anh bạn trẻ xưng tên và nghề nghiệp của hai chúng tôi, thật thà trình bày mục đích gặp. Chủ nhà: “Chuyện qua rồi, có gì mà nói, lâu quá tôi quên hết rồi”. Tôi bước lên một bước, nói: “Em ở Hà Nội vào, muốn gặp anh vì em quan tâm đến anh, muốn biết có đúng anh còn sống khỏe mạnh không, còn chuyện viết bài không quan trọng. Em có thể viết cũng có thể không”. Ông và người phụ nữ - sau này được biết là bà Xuân vợ ông, nhìn nhau rồi ông dịu giọng “Thôi cô đã mất công vào đây thì cứ ngồi chơi nhưng tôi không có gì nhiều để kể đâu”.

Hai người họ bước vào nhà, bọn tôi theo sau. Anh bạn trẻ đi cùng nhìn tôi ra dấu hỏi “Có đúng ông ấy không”. Tôi đáp nhỏ: “Còn ai vào đây nữa”.

Tết vui của người lính Sài Gòn trong bức ảnh 'Hai người lính' ảnh 3 Tấm thẻ căn cước chụp năm 16 tuổi mà ông Nghĩa cho phóng viên xem tại nhà ông hồi tháng 5/2017.

Trong bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính hồi tháng 5/2017, tôi có viết rằng phút đầu tiên nhìn thấy Bùi Trọng Nghĩa, tôi chỉ chực phì cười nhưng cố nhịn. Sợ cất tiếng cười sớm quá khi vừa xáp mặt họ thì có vô duyên quá không. Nhưng không thể không thú vị khi nhìn nhận ra các đường nét giống hệt trong bức ảnh chụp bốn mươi mấy năm trước, nhất là ánh mắt cà lơ, thần thái hơi ngông dù nhân vật nay đã ngoại 60 rồi. Lúc đó, giây phút đầu tiên nên chú mục, soi rất ghê, chứ ngồi trong nhà ba tiếng đồng hồ thì quen dần, vả lại về sau gần như không thấy cái thần thái ngang tàng đó nữa mà lại có phần hồn hậu.

Thỉnh thoảng, đang trò chuyện tôi lại giở Ipad chìa cho ông xem vài tấm ảnh nhặt được trên mạng, do một anh có nick là Bảo Lộc Nguyễn Đức, sư phụ của con trai ông và nick Trung Hiếu Phạm đưa lên. Hỏi “có phải chàng đây không”, “đây nữa, có phải không”. Ông và vợ trố mắt, không hề biết ảnh mình đã được phát tán như vậy dù chỉ có vài bức thôi. Ông có vào mạng bao giờ đâu và thằng con cũng có nói cho đâu.

“Tôi đọc loạt bài về những câu chuyện chưa từng được kể phía sau bức ảnh biểu tượng của tinh thần hòa giải, vô cùng xúc động. Phóng viên đã đi đến tận cùng câu chuyện và đem lại cho người đọc những chi tiết chân thực về số phận những người lính sau khi ra khỏi cuộc chiến. Loạt bài rất có ý nghĩa. Cảm ơn”. 

Bạn đọc Lê Thoa, nhà báo

Ông kể trước đó hơn một năm đã nghe con trai nói về bài báo viết rằng mình đã chết, cũng xem cả kênh Phố Bolsa của Việt kiều bên Mỹ - ghi hình nhà báo Vũ Hoàng Lân phỏng vấn Chu Chí Thành về bức ảnh Hai người lính. Cuối chương trình này, nhân vật được phỏng vấn đưa thông điệp hòa giải còn nhà báo kêu gọi người lính Sài Gòn trong ảnh nếu còn sống hãy liên hệ với Phố Bolsa. Thế mà ông Nghĩa cứ lờ tăng tít, không định lên tiếng hoặc đính chính gì cả.

Trong túi tôi hôm ấy có số báo 30/4/2017 in chùm ảnh Ngày hòa bình đầu tiên trên đất lửa Quảng Trị của Chu Chí Thành. Một trong 5 ảnh in trong đó là bức Tay bắt mặt mừng, chụp cùng thời điểm với Hai người lính, cũng có ông Nghĩa và Nguyễn Huy Tạo - anh bộ đội. Trong ảnh này Tạo cũng khoác vai Nghĩa thân mật như ảnh Hai người lính. Và tôi mang theo cả bài báo của mình in trước khi bay vào Sài Gòn, tít là Xuất hiện người lính còn lại trong bức ảnh Hai người lính.

Cầm sẵn hai tờ báo nhưng cảm thấy ngại không đưa ông Nghĩa ngay vì chưa biết ông sẽ đón nhận thế nào, có buồn xem bài không, có trân trọng bức ảnh cũ của chính mình không. Sau ba giờ ám hai vợ chồng, không khí càng lúc càng thân mật, khách cuối cùng ra về trong thỏa mãn, thì tôi mới mạnh dạn tặng tờ báo có bài ông Thành và bài mình, nói là anh chị rỗi rãi thì đọc không thì thôi.

Trở ra Hà Nội, viết loạt ba kỳ Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính, tôi vẫn e ngại không thông báo cho họ. Hàng tuần sau mới gửi thư điện tử cho con trai ông, gửi cả đường dẫn các bài báo, kể cả bài in năm ngoái tít là Những tình tiết mới trong bức ảnh Hai người lính trong đó có hồi ức của Nguyễn Huy Tạo tưởng người lính Sài Gòn đã chết. Ngại không thông báo cho vợ chồng ông ngay bởi dù họ đã đồng ý xuất hiện trên báo nhưng biết đâu văn phong miền Bắc của mình họ không quen thì sao. Trong câu chuyện ở ngôi nhà nhỏ quận 12 hôm đó, ông kể các cô văn công hồi 1973 mà ông được xem, đẹp lắm nhưng hát nhanh quá trong khi “tụi tôi trong này quen nghe bolero” làm mình khi trò chuyện cũng như điện thoại đều phải phanh bớt tốc độ bắn thổ ngữ Bắc bộ lại.

Tết vui của người lính Sài Gòn trong bức ảnh 'Hai người lính' ảnh 4 Người lính Sài Gòn ngắm bức ảnh chụp hơn 40 năm trước của mình tại nhà riêng, tháng 5/2017. Ảnh: DPV.

Mùa xuân nay khác rồi

Nói tết này Bùi Trọng Nghĩa vui hơn mọi năm, đầu tiên là vì ông đã sửa được căn nhà 40m2 cũ nát tứ bề, thấp hơn mặt đường, hễ mưa là ngập, dột. Việc mà ông định làm bao lâu nay nhưng không thể do không có tiền. Thì mùa xuân nay khác rồi. (Thơ Nguyễn Đình Thi: Mùa thu nay khác rồi).

Số tiền sửa nhà do chính bạn đọc báo Tiền Phong tặng, họ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 22/6/2017, vẫn còn không khí kỉ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nghĩa đến tòa soạn ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để nhận chiếc ti vi do một doanh nghiệp điện tử tặng, và số tiền 90 triệu đồng quà của bạn đọc hai miền. Trong khi cuộc gặp diễn ra, các đồng nghiệp sớm gửi cho tôi đoạn phim quay khung cảnh giản dị cảm động này.

Sau đó ông báo tin vui sẽ tiến hành việc sửa nhà bằng toàn bộ số tiền bạn đọc tặng chứ không bớt lại chút nào dù cảnh nhà vẫn đang neo bấn. “Phải sửa đàng hoàng để đón cô Vinh và anh Thành (NSNA Chu Chí Thành) vào chơi chớ”- ông nói. Và “ai hỏi tôi cũng nói tiền sửa nhà của bạn đọc báo Tiền Phong giúp, tôi không giấu gì cả”. Nhà sửa xong, con trai ông gửi cho tôi những bức ảnh cũ và mới - trước và sau khi sửa, đúng là không nhận ra thật. Tôi nói với ông Nghĩa, anh biết cách sửa nhà đấy, đẹp lắm. Còn Trọng Nhân con trai ông nói “Dạ như mơ luôn cô”. Ông Nghĩa nói vui lắm vì nhà sửa xong khác hẳn trước nhưng cũng kêu “mệt đứt hơi” vì phải trông thợ, lo đủ thứ và phải tá túc hàng xóm.

Tết vui của người lính Sài Gòn trong bức ảnh 'Hai người lính' ảnh 5 Nụ cười của ông Bùi Trọng Nghĩa tại Ban đại diện báo Tiền Phong ở TPHCM, tháng 6/2017. Ảnh: Ngô Bình.

Chàng thanh niên Nhân cũng được nhận vào làm công việc giám sát camera ở siêu thị Co.op Mart. Số là nhà báo Đại Dương ở ban đại diện báo Tiền Phong tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhờ lãnh đạo Co.op Mart bố trí cho con trai người lính Sài Gòn trong bức ảnh nổi tiếng Hai người lính công việc phù hợp ngành học của cậu. Siêu thị ở trung tâm trong khi nhà tận ngoại vi, đi làm mất hàng tiếng đồng hồ. Nhưng Nhân nói cậu muốn học thêm và làm thêm nên ở trung tâm cũng tiện. Hiện giờ Nhân là lao động chính trong nhà, một mình nuôi ba mẹ già cả đau yếu. Mẹ của Nhân bị nhiễm độc thai sản từ khi sinh con, hai mấy năm nay mắt nhìn không rõ đường nên gần như không ra khỏi nhà, thêm những bệnh khác nữa nên bị mất sức lao động, ngày càng yếu. Hai cha con ông Nghĩa tỏ ra rất yêu thương bà. Ông Nghĩa thì ngày chỉ ăn một bữa cơm, thói quen bao năm nay. Ngoài ra ông bị bệnh mất ngủ, cả đêm chong chong cũng suốt bao năm nay.

Trong buổi chiều đầu tháng 5 năm ngoái, giữa cái nắng Sài Gòn gay gắt, ngồi ở quán giải khát xa trung tâm để giải lao lấy sức tìm tiếp (nhà của người lính Sài Gòn), tôi cứ nghĩ về những ngày hòa hợp ngắn ngủi cách nay bốn mươi mấy năm. Nghĩ về một cái kết có thể có hậu cho bức ảnh Hai người lính nhưng để hoàn hảo thì vẫn khó. May mà cả hai đều còn sống, sống là quan trọng nhất. Và may mà cuối cùng tôi đã thuyết phục ông Nghĩa thay đổi phần nào quan niệm. Buồn cười, hồi tháng 6/2017 đến báo Tiền Phong nhận tấm lòng của bạn đọc, xong rồi đọc bài báo của đồng nghiệp tôi tả lại cuộc đó, ông hỏi: “Rồi những người mà tôi từng từ chối, đọc bài báo này họ có giận tôi không”. (Ý nói báo chí và những người quan tâm ở trong nước cũng như hải ngoại từng muốn gặp và tặng quà nhưng ông từ chối). Tôi cười lớn: “Bọn em cũng xứng đáng để anh mở lòng đó chứ, ai giận. Mà anh chị cũng không nên quá giữ kẽ nữa, anh thấy đấy, cuộc sống có bất ngờ mới vui”. 

Danh bạ điện thoại của tôi ghi Bùi Trọng Nghĩa là “Nghĩa (một người lính)” để phân biệt với các loại Nghĩa khác, và để nhớ rằng đó là một trong hai người lính bất đồ nổi tiếng gần đây, với thông điệp hòa giải mà hẳn đa số chúng ta đều mong mỏi, khát vọng. Và tôi đồng ý với vợ chồng ông, giữa chúng tôi có cái “duyên”. Chính từ báo Tiền Phong mà hai người lính Hà Nội, Sài Gòn đều lần lượt xuất hiện khiến nhiều bạn đọc rất đỗi vui mừng trong khi có giả thiết họ đã chết, mà ngay cả khi còn sống khá khỏe mạnh thì họ cũng từng không định công khai điều đó.

Lại nói chuyện loạt ba kỳ “Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính” in ra nhưng hai tuần sau tôi mới dám thông báo cho cậu con, bảo đưa ba mẹ đọc xem có phàn nàn gì không nhé. Cuối cùng, họ nói hoàn toàn hài lòng, nói cô viết đúng những gì tôi nói, thật mộc mạc chân tình. Nhà báo Hữu Ước, nhà văn Lê Minh Khuê, bạn bè  và một số người nhà tôi đọc, bảo “Tay lính Sài Gòn hay quá nhỉ, đọc thấy dễ mến”. Nhiều bạn đọc cũng bày tỏ vui mừng việc Bùi Trọng Nghĩa còn sống và phát biểu: đây là câu chuyện hòa giải hay nhất họ được đọc và được biết.  

MỚI - NÓNG