Thách thức của tấm lá chắn phòng vệ AEGIS

Lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở căn cứ không quân thuộc Deveselu, miền Nam Romania.
Lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở căn cứ không quân thuộc Deveselu, miền Nam Romania.
Câu chuyện về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại châu Âu đã trở thành đề tài nóng thời gian qua, và làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ đang rất lạnh lẽo giữa phương Tây và nước Nga.

Trên thực tế, hệ thống phòng thủ này của Mỹ đã gây bất đồng gay gắt giữa Nga, Mỹ, cùng các nước thuộc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) suốt nhiều năm kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Giữa các đời tổng thống Mỹ, hệ thống này đã từng bị đình trệ rồi lại được tiếp tục, và cuối cùng, đến tháng 5/2016, hệ thống phòng thủ trên bộ đã chính thức được kích hoạt với việc những căn cứ đầu tiên được triển khai tại Romania và sắp tới là Ba Lan, rất gần với nước Nga.

Tấm lá chắn đặc biệt “bảo vệ châu Âu” của Mỹ đang được tỏa rộng sát với nước Nga vào thời điểm không hề thuận lợi cho các cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang không mấy ôn hòa, động thái “phớt lờ Nga” của Mỹ càng khiến cho tình hình thêm phức tạp. 

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, việc Mỹ khởi động lá chắn tên lửa tại châu  Âu là một mối đe dọa an ninh và vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), được ký kết năm 1987. Trong khi đó, Mỹ khẳng định hệ thống phòng thủ này nhằm bảo vệ NATO khỏi các tên lửa tầm xa và không đe dọa Nga.

“Chiếc ô phòng vệ” khổng lồ

Ngày 12-5, Mỹ chính thức kích hoạt lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở căn cứ không quân thuộc Deveselu, miền Nam Romania. Lá chắn tên lửa sử dụng một mạng lưới các radar để theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng trong bầu khí quyển, trước khi phóng tên lửa đánh chặn từ một căn cứ trên bộ hoặc từ một tàu chiến. Khi lá chắn tên lửa được kích hoạt, tên lửa của đối phương đang bay đến sẽ bị phá hủy ngay trên không trung, trước khi nó vào lại bầu khí quyển của trái đất.

Sau đó một ngày, Mỹ tiếp tục buổi lễ động thổ tại Redzikowo (Ba Lan), cách Kaliningrad (Nga) 250km, nhằm lắp đặt tiếp một lá chắn tên lửa Aegis. Dự kiến, hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải. 

Khi hoàn thành, “chiếc ô phòng vệ khổng lồ” sẽ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương, với trung tâm chỉ huy được đặt tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.

Trên thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu  Âu được Mỹ khởi xướng từ thời Tổng thống Ronald Reagan với mục tiêu chính là chống lại Liên Xô. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, kế hoạch bị gián đoạn và chỉ được nối lại dưới thời cựu Tổng thống George Bush. 

Nhiều năm qua, Mỹ cũng đã thử nghiệm hệ thống Aegis trên các tàu chiến. Đây là một phần của chương trình Tiếp cận châu Âu thích ứng từng giai đoạn (EPAA), được chính quyền Tổng thống Barack Obama lập ra vào năm 2009 gồm ba giai đoạn từ năm 2011 đến 2018, nhằm bảo vệ các nước NATO trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Trung Đông.

Việc kích hoạt hệ thống phòng thủ tại Romania - một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Âu - cho thấy Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Nga. Nga cho rằng, kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa ở các nước Đông Âu (sát biên giới Nga) là nhằm đe dọa trực tiếp nước này. 

Theo Moscow, lá chắn ở Deveselu đe dọa thế cân bằng chiến lược tại châu  Âu và của bản thân nước Nga. Đáp lời, Washington tuyên bố hệ thống lá chắn tên lửa không nhằm vào Nga và sẽ sớm được bàn giao cho Bộ Tư lệnh NATO.

Aegis đi vào hoạt động trong bối cảnh NATO chuẩn bị triển khai lực lượng mới ở Ba Lan và các nước thuộc vùng Baltic, động thái được thực hiện sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. 

Điện Kremlin cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa có mục đích vô hiệu hoá kho vũ khí hạt nhân của Nga đủ lâu để Mỹ có thể tấn công phủ đầu trước khi đối phương đáp trả trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Nga cảm thấy không hài lòng trước những động thái bị coi là biểu dương sức mạnh của những bên từng là đối thủ trong thời Chiến tranh lạnh tại khu vực Trung Âu. 

Nga cho rằng, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đang tìm cách bao vây nước này bằng cách tiến gần tới khu vực Biển Đen chiến lược - nơi Nga có hạm đội hải quân hùng mạnh và cũng là nơi NATO đang cân nhắc tăng cường hoạt động tuần tra.

Gia tăng nguy cơ đối đầu

Hành động mới của Mỹ tiếp tục làm nảy sinh căng thẳng với Nga. Phía Washington đã ra một tuyên bố lên án các cáo buộc của Moscow là “không thể chấp nhận được và vô trách nhiệm”. Giới chức Mỹ và NATO thanh minh rằng hệ thống được phát triển để theo dõi và đánh chặn các tên lửa bị bắn đi từ một quốc gia “khiêu khích”. 

Trong quá khứ, Iran đã bị đề cập, nhưng Mỹ cũng nhắm tới Triều Tiên. Chưa hết, hệ thống phòng thủ tên lửa không nhằm vào Nga, hay làm tổn hại tới khả năng chiến lược của họ. Từ góc độ địa lý và vật lý, không thể bắn hạ các tên lửa liên lục địa của Nga từ Romania và Ba Lan.

Tuy nhiên, Nga phản ứng rất quyết liệt ngay từ khi kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này mới được đề xuất, lên tiếng cảnh báo rằng động thái này đe dọa hòa bình châu Âu.

Theo đó, hệ thống phóng tên lửa đánh chặn ở Romania và Ba Lan hoàn toàn có thể bí mật chuyển đổi để phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Nga nhấn mạnh rằng, hệ thống tên lửa Mỹ triển khai tại Romania là vi phạm Hiệp ước INF được ký kết vào năm 1987 khi các bên cam kết không triển khai lắp đặt tên lửa hành trình có tầm bắn 500 - 5.500km.

Ngoài ra, việc Mỹ lập các lá chắn tên lửa ở Đông Âu thực chất chỉ là một động thái chính trị nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với các đồng minh trong khu vực. 

Chương trình tên lửa của Iran không đe dọa các nước NATO; trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại Romania cũng chưa đủ sức để bảo vệ hoàn toàn châu Âu, thậm chí “bất lực” trước các đòn tấn công (nếu có) của Nga. Để đánh chặn các tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng thủ này, Mỹ cần trang bị các trạm radar hiện đại ở châu Âu. 

Thách thức của tấm lá chắn phòng vệ AEGIS ảnh 1 Mỹ khẳng định “chiếc ô phòng vệ khổng lồ” nhằm bảo vệ NATO trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Trung Đông và không đe dọa Nga.
Có vẻ như, Mỹ sẽ dựa vào các trạm này để giám sát một phần không phận của Nga. Tất nhiên, Nga sẽ không thoải mái khi NATO có thêm cơ sở dữ liệu tình báo về các hoạt động của máy bay Nga cũng như hoạt động thử nghiệm tên lửa của Nga.

Khi lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu chính thức được kích hoạt thì cũng là thời điểm nước Nga dần hiện thực hóa phản ứng “trả đũa”. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẽ tìm cách để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ việc Mỹ triển khai hệ thống Aegis. 

Nhà lãnh đạo đang tiến hành một loạt các cuộc họp với nhiều cơ quan và ban ngành, đặc biệt là ngành kỹ thuật quân sự, để thảo luận về những vấn đề liên quan đến tăng cường sức mạnh phòng thủ của Nga. 

Thời điểm hiện tại, Nga chuẩn bị hoàn tất việc phát triển hệ thống tên lửa thế hệ mới nhất có khả năng “xuyên thủng” bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào mạnh nhất của Mỹ. Thậm chí, đó là hệ thống tên lửa bất khả xâm phạm đối với vũ khí của NATO.

Nhiều thập niên qua, Nga đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm giảm căng thẳng liên quan đến hoạt động triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ, trong đó có việc triển khai hệ thống radar chỉ giám sát Iran mà không giám sát Nga. Nga cũng yêu cầu cơ chế giám sát, cho phép quân đội Nga đảm bảo rằng không có “sự ngụy trang” xảy ra tại các cơ sở phòng thủ tên lửa ở châu Âu. 

Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối tất cả, buộc Nga phải phản ứng và cảnh báo Mỹ và NATO về cái giá của việc gia tăng căng thẳng, cũng như kích động cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu. 

Với những động thái trên, chắc chắn Nga sẽ toan tính những biện pháp đáp trả trong thời gian tới. Điều này dự báo mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu nay giữa Moscow và Washington sẽ càng trở nên căng thẳng hơn...

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG