Thảm bại của chiến dịch nhảy dù lớn nhất lịch sử

Market - Garden được xem là chiến dịch đổ bộ quy mô lớn nhất lịch sử với sự tham gia của 35.000 lính dù Đồng minh nhưng lại kết thúc bằng thất bại cay đắng.

Chiến dịch Market Garden được nguyên soái Anh Bernard Montgomery vạch ra để đánh thọc sườn tuyến phòng ngự tăng cường của phát xít Đức qua ngả Hà Lan, nơi địa hình bị chia cắt bởi các con sông. Đây được xem là chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất mọi thời đại, với sự tham gia của 3 sư đoàn đủ quân số và một lữ đoàn đổ bộ sau phòng tuyến địch, theo War History.

Player Loading...

Phim màu về chiến dịch Market - Garden

Theo chuyên gia quân sự Michael Peck, trong những ngày cuối tháng 9/1944, quân Đồng minh đã cân nhắc việc tung đòn đánh quyết định vào phát xít Đức, sau khi đổ bộ lên Normandy tháng 7/1944 và đẩy lùi Đức khỏi Pháp, Bỉ.

Nhiều lính Mỹ tin rằng chiến thắng đã cận kề, bắt đầu hy vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc và được trở về nhà trước lễ Giáng sinh năm 1944.

Tuy nhiên, khó khăn về hậu cần đã cản trở đà tiến công của lực lượng viễn chinh Mỹ. Khi các xe tăng Sherman tiến gần tới Berlin, khoảng cách với kho hậu cần ở Normandy lại càng xa. Đạn dược, lương khô và xăng đều phải vận chuyển bằng tàu đến Pháp. Tuy nhiên, các cảng biển của Pháp đều bị phát xít Đức phá hủy hoàn toàn, trong khi các tuyến đường sắt bị cả hai phe oanh tạc không thể sử dụng.

Cách duy nhất để tiếp tế cho tiền tuyến là vận chuyển hàng hóa bằng xe tải. Nhưng đây cũng là nhiệm vụ bất khả thi bởi họ không có đủ xe tải và lái xe để tiếp tế cho một chiến dịch tiến công tổng lực.

Câu hỏi đặt ra lúc này là lực lượng nào sẽ nhận được nguồn tiếp tế. Tướng Dwight Eisenhower của Mỹ ủng hộ chiến lược tổng lực với các cuộc tấn công liên tục vào phòng tuyến Đức. Ngược lại, nguyên soái Montgomery muốn triển khai lực lượng tấn công mũi nhọn đánh thẳng vào Berlin.

Sau đó, Montgomery đề xuất một kế hoạch tấn công táo bạo. Một quân đoàn Anh sẽ đánh thọc sườn vào tuyến phòng thủ Đức ở Siegfried sau khi tiến quân qua Hà Lan và băng qua sông Rhine, cứ điểm phòng thủ tương đối mỏng. Vấn đề là Hà Lan có rất nhiều con sông và kênh rạch, khiến đường tiến quân có thể bị cắt đứt nếu quân Đức cho nổ tung các cây cầu quan trọng.

Giải pháp của Montgomery là sử dụng một lực lượng đổ bộ  lớn nhất từ trước tới nay với 35.000 lính dù tham chiến. Theo kế hoạch, quân Đồng minh sẽ nhảy dù rải thảm (chiến dịch Market) để chiếm các cây cầu dọc hàng lang dài 102 km từ điểm tập kết đến thị trấn Arnhem ở khu vực hạ lưu sông Rhine. Nhóm quân này đóng vai trò cảnh giới để Quân đoàn 30 của Anh tổ chức lực lượng thiết giáp hành quân tiến đánh đến Arnhem (chiến dịch Garden).

Thảm bại của chiến dịch nhảy dù lớn nhất lịch sử ảnh 1

Hai mũi tiến công trong chiến dịch Market và Garden. Đồ họa: Skynet

Kế hoạch này tập trung vào khả năng triển khai của lính dù. Năm 1940, Mỹ mới chỉ có một trung đội đổ bộ đường không. Đến năm 1944, quân Đồng minh đã có một quân đoàn dù đầy đủ gồm 3 sư đoàn Mỹ, hai sư đoàn Anh và một lữ đoàn đổ bộ đường không của Ba Lan. Quân Đồng minh đã học được chiến thuật sử dụng lính dù của Đức trong chiến dịch đổ bộ táo bạo ở Crete năm 1941.

Chiến dịch Market - Garden bắt đầu vào ngày 17/9/1944, đợt đổ bộ đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Khác với các trận đánh ban đêm ở Sicily và Normandy, chiến dịch này diễn ra vào ban ngày, hầu như không vấp phải sự kháng cự của pháo phòng không và tiêm kích Đức.

Tuy nhiên, sau thành công ban đầu, mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ. Thời tiết xấu và sự thiếu hụt vận tải cơ đã cản trở việc triển khai quân chi viện và hàng tiếp tế cho lính dù. Người Đức nhanh chóng nắm được toàn bộ kế hoạch từ một sĩ quan Đồng minh tử trận, khiến lợi thế bất ngờ của chiến dịch bị phá vỡ.

Thảm bại của chiến dịch nhảy dù lớn nhất lịch sử ảnh 2

Lính dù Đồng minh đổ bộ xuống Hà Lan. Ảnh: Pinterest.

Quân Đức hối hả lập tuyến phòng thủ mạnh trước tuyến tập kết của Quân đoàn 30, trong đó có hai sư đoàn SS Panzer gần Arnhem, mục tiêu của chiến dịch. Trong ngày đầu tiên, Quân đoàn 30 không thể chọc thủng tuyến phòng thủ Đức và chỉ tiến quân đến thành phố Eindhoven gần đó.

Chiến dịch mắc sai lầm cơ bản từ khâu lập kế hoạch. Sư đoàn đổ bộ đường không của Anh có quy mô nhỏ hơn sư đoàn Mỹ, nhưng lại được giao nhiệm vụ chiếm Arnhem, mục tiêu xa nhất và dễ bị tấn công nhất. Các chỉ huy phe Đồng minh bỏ qua tin tình báo cho biết hai sư đoàn SS Panzer Đức đã được tăng cường đến khu vực, trong đó có sư đoàn SS Panzer số 9 được trang bị rất tốt.

Trong ngày đầu tiên, hầu hết các đơn vị lính dù đều không bảo vệ được mục tiêu dự kiến. Sư đoàn 101 đổ bộ xuống gần Eindhoven nhưng vẫn phải chứng kiến cây cầu ở Son bị nổ tung, cũng như bất lực trong việc cảnh giới ở Eindhoven.

Sư đoàn lính dù số 1 cũng đổ bộ xuống địa điểm quá xa Arnhem, chỉ một tiểu đoàn có thể chiếm cầu. Tuy nhiên, họ nhanh chóng bị bộ binh và thiết giáp Đức bao vây. Thiết bị liên lạc vô tuyến lạc hậu và bị thiết lập sai tần số, khiến các đơn vị trực thuộc không thể liên lạc với nhau hoặc gọi chi viện.

Ở Nijmegen, Sư đoàn 82 nhanh chóng chiếm được phần lớn cây cầu bắc qua sông Maas gần Grave, nhưng không chiếm được cầu đường sắt qua sông Waal. Mọi thứ trở nên xấu đi do quân chi viện đến muộn, các sư đoàn Mỹ đã đổ bộ không thể phát huy sức mạnh đầy đủ trong 6 ngày giao tranh.

Ở Arnhem, mọi thứ nhanh chóng biến thành thảm họa. Quân Đức được huấn luyện chống đổ bộ đã nhanh chóng thiết lập một loạt tuyến phòng ngự vững chắc. Các xe tăng, thiết giáp Đức được điều đến Arnhem để tăng cường, khiến quân Đồng minh không thể tiếp cận cây cầu dẫn đến khu vực này.

Trong ba ngày giao tranh ác liệt, Sư đoàn lính dù số 1 gần như bị xóa sổ. Những thành viên còn lại phải co cụm phòng thủ ở ngôi làng Osterbeek để chờ tiếp viện từ Quân đoàn 30.

Theo chuyên gia Peck, tốc độ là yếu tố thiết yếu để giải vây cho lính dù. Nhưng lực lượng bộ binh lại triển khai hàng nghìn xe trên một tuyến cao tốc duy nhất, dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông trầm trọng. Xe tăng không thể thoát ra khỏi tuyến đường do địa hình lầy lội, các xe dẫn đầu bị quân Đức liên tiếp phục kích phong tỏa toàn bộ đội hình. Bởi vậy, tuyến cao tốc này được gọi là "cao tốc tử thần".

Quân Anh giữ chắc cây cầu bắc qua sông Rhine nhưng quân Đức liên tục tăng cường xe tăng và pháo binh. Sau 4 ngày đêm chiến đấu mà không có chi viện, lính Anh buộc phải đầu hàng.

Thảm bại của chiến dịch nhảy dù lớn nhất lịch sử ảnh 3 Lính Anh đầu hàng sau khi cạn kiệt nhu yếu phẩm. Ảnh: War History.
Trong những ngày còn lại của chiến dịch, lính dù Mỹ cố gắng trong tuyệt vọng để kết nối với lực lượng Anh và Ba Lan ở Oosterbeek. Tuy nhiên, quân Đức phát động cuộc phản công chia cắt thành công tuyến đường dẫn đến Arnhem, buộc phía Đồng minh phải rút toàn bộ Sư đoàn lính dù số 1 về.

Kết thúc chiến dịch Market - Garden, phe Đồng minh có 15.000-17.200 lính tử trận, bị thương hoặc bị bắt, trong khi con số thương vong của Đức chỉ khoảng 7.500-10.000 quân. Dù phần lớn Hà Lan được giải phóng, chiến dịch vẫn là thất bại nặng nề của quân Đồng minh khi họ không thể vượt qua sông Rhine, khiến cuộc chiến ở Tây Âu kéo dài thêm 8 tháng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG