Tham vọng hiện đại hóa quân đội Nga có dễ dàng thực hiện?

Siêu tăng Armata T-14 trong lễ tổng duyệt Diễu binh Ngày Chiến thắng ở Moscow. (Ảnh: SputnikNews)
Siêu tăng Armata T-14 trong lễ tổng duyệt Diễu binh Ngày Chiến thắng ở Moscow. (Ảnh: SputnikNews)
TPO - Dành 60 tỷ USD tổ chức lại lực lượng vũ trang; lập kế hoạch phát triển ‘vũ khí bí mật’; hay chế tạo tàu sân bay khủng mang động cơ hạt nhân... Nga đang hé lộ các toan tính hiện đại hóa quân đội trước sức o ép từ các nước Phương Tây. Tuy vậy, tham vọng này có dễ dàng được thực hiện?

Dành 60 tỷ USD tổ chức lại lực lượng vũ trang


Kế hoạch tổ chức lại lực lượng vũ trang trị giá 60 tỷ USD là động thái của Moscow nhằm chống lại các mối đe dọa tên lửa và vũ khí trên không gian của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một trong những động thái đầu tiên là việc thành lập Lực lượng Không gian vũ trụ Liên bang Nga. Lực lượng vũ trang mới nhất của Nga “là sự kết hợp của lực lượng Không quân, Phòng không, lực lượng chống tên lửa và không gian vũ trụ, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2015.

Lực lượng mới sẽ được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có khả năng phá hủy các tên lửa đạn đạo và máy bay trong vòng bán kính 400 km. Bên cạnh đó là hệ thống tên lửa S-500 mới, có khả năng bắn hạ các tên lửa liên lục địa gần bầu khí quyển của trái đất.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trong năm 2015, Nga sẽ tiếp nhận 40 tên lửa đạn đạo hạt nhân xuyên lục địa mới.

Phát triển ‘vũ khí bí mật’ 


Chuyên gia quân sự Blake Franko trong một bài viết đăng trên báo National Interest nhận định: "Nga nhiều khả năng sẽ tập trung nỗ lực chủ chốt vào phát triển các hệ thống quân sự không người lái - mà có thể sẽ trở thành vũ khí bí mật của nước này, như một phần chương trình hiện đại hóa vũ khí quy mô lớn.


Hiện tại, phương tiện chiến đấu Armata tân tiến của Nga được đồn thổi là đang trên đà trở thành loại xe tăng tự động hóa toàn bộ đầu tiên trên thế giới. Và trong khi vũ khí ấn tượng này "vươn đến đích" thì quân đội Nga hiện đã đang vận hành các hệ thống robot.


Một trong số các hệ thống đó, được gọi là Platform-M, mới đây đã được trưng bày ở Crưm. Nó được thiết kế để thực hiện những sứ mệnh bao gồm trinh sát, tuần tra, chuyên chở hàng hóa và cả tham gia chiến đấu.


Các cuộc thử nghiệm trên hệ thống robot khác, có khả năng biến đổi thành nhiều vũ khí chiến đấu thiện nghệ - từ một phương tiện dọn đường đến một hệ thống tác chiến điện tử - được cho là sẽ bắt đầu vào cuối năm 2015.

Chạy đua “chiến hạm khủng” với phương Tây

Nga sẽ phải trả giá nếu chạy đua “chiến hạm khủng” với phương Tây

Điện Kremlin đã công bố kế hoạch xây dựng những chiến hạm khủng của mình, bao gồm cả tàu sân bay trực thăng và tàu sân bay chở chiến đấu cơ phản lực.

Theo các chuyên gia quân sự Nga, tất cả những lớp chiến hạm này đều có tính năng vượt trội tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp, ví dụ như tàu sân bay thế hệ mới và tàu đổ bộ trực thăng lớp Lavina.

Dự án này sẽ do Phòng thiết kế Nevsky đảm nhận. Theo định hướng ban đầu, những hàng không mẫu hạm đáp ứng yêu cầu của hải quân Nga sẽ được trang bị động cơ và trạm năng lượng điện hạt nhân.

Ông Sergey Vlasov - lãnh đạo Phòng thiết kế Nevsky nêu ý tưởng là mẫu tàu sân bay mới có thể thực hiện theo hai phiên bản.

Phương án đầu tiên dự tính trang bị module năng lượng hạt nhân, cho phép con tàu có lượng giãn nước 80.000 - 85.000 tấn, đủ sức tiếp nhận khoảng 70 máy bay. Kích thước và số lượng máy bay của nó sẽ gần bằng tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ.

Còn phiên bản tàu sân bay không có động cơ hạt nhân sẽ mang được khoảng 55 máy bay trên boong, với tổng trọng tải là 55.000 - 65.000 tấn, tương đương với tàu sân bay duy nhất của hải quân Nga hiện nay là chiếc Đô đốc Kuznetsov.

Cục Đồ án thiết kế Neva (PKB) cũng đang bắt tay vào thiết kế tàu đổ bộ thế hệ mới thuộc lớp Priboy. Theo giới thiệu, tàu đổ bộ mới sẽ có chiều dài 165 m, rộng 25 m, lượng giãn nước khoảng 14.000 tấn. Tàu có phạm vi hoạt động khoảng 6.000 hải lý với tốc độ hành trình 20 hải lý/h và thời gian làm nhiệm vụ liên tục trên biển là 60 ngày.

Trong khi đó, tàu đổ bộ trực thăng Lavina của Trung tâm khoa học quốc gia Krylov có lượng giãn nước đầy tải 24.000 tấn, lớn hơn Priboy những 10.000 tấn và nhỉnh hơn Mistral (giãn nước 21.300 tấn), tốc độ tối đa của Lavina sẽ là 22 hải lý/h (Mistral có tốc độ tối đa 19 hải lý/h).

Về tàu sân bay, ngay từ năm ngoái hải quân Nga đã công bố dự định chế tạo siêu tàu sân bay hạt nhân lớn nhất thế giới, sánh ngang hàng không mẫu hạm tương lai của hải quân Mỹ thuộc lớp Gerald Ford, vượt tàu sân bay hiện đang sử dụng thuộc lớp Nimitz.

Tham vọng hiện đại hóa quân đội Nga có dễ dàng thực hiện? ảnh 2

Các thách thức phải đối mặt

Việc Pháp quyết định ngừng bàn giao tàu chở trực thăng Mistral đã nói lên thách thức đầu tiên, đó là sự cô lập của Nga đối với thị trường quốc tế, đặc biệt là về khả năng mua bán và nền tảng mà Nga hiện không thể có được từ nền công nghiệp trong nước.

Sự hợp tác quốc phòng với các công ty Ý và Đức cũng bị đe dọa bởi NATO đã kêu gọi các thành viên hạn chế hợp tác quốc phòng với Moscow.

Hơn nữa, ngay cả với những sự kiện đã diễn ra, quân đội Nga vẫn tiếp tục phụ thuộc vào các linh kiện được các công ty Ukraine sản xuất để trang bị.

Còn về một số những lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm hệ thống tự lái và thiết bị điện tử để chỉ huy và điều khiển quân đội tốt hơn, Nga đã quay sang các đối tác như Israel, hiện là những người dẫn dầu trong lĩnh vực này.

Vậy nhưng theo nguồn tin từ Israel, dưới sức ép từ phía Mỹ, Israel đã từ bỏ những hợp động phụ trợ bằng việc giới hạn những thứ có thể bán cho quân đội Nga.

Ngay cả Ấn Độ, đối tác lâu năm của Nga, nơi hợp tác song phương đã có những kết quả đáng kinh ngạc như tên lửa hành trình BrahMos, cũng đang xem xét liệu thiết lập quan hệ lâu dài với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ có lợi hơn hay không.

Theo một số chuyên gia quân sự, hơn chục năm qua, các viện thiết kế và doanh nghiệp đóng tàu của Nga chưa chế tạo nổi một chiến hạm nào quá 10.000 tấn, thậm chí là 7.000 - 8.000 tấn. Vì vậy, hiện nay kinh nghiệm đóng các chiến hạm hiện đại “hàng đầu thế giới”, có lượng giãn nước “khủng” của Nga gần như là con số không. 

Do đó, hải quân Nga không nên chạy theo số lượng và ý tưởng quá cao siêu nếu không sẽ lãnh đủ hậu quả từ những thiết kế “chạy đua” theo số lượng và độ lớn.

Bên cạnh đó,  các chuyên gia quốc phòng Nga đều nhận thấy việc thực thi chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với người dân không đưa đến một lực lượng quân sự hiệu quả.

Đó là lý do vì sao người ta đã thấy sự chuyển đổi nhanh chóng tới việc chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang bằng cách thúc đẩy các công ty quân sự tư nhân.

Mục tiêu hiện tại của Nga là kêu gọi mỗi năm được 50.000 lính chuyên nghiệp với mục đích có được một nửa lực lượng quân đội hiện có là lính chuyên nghiệp vào năm 2017.

Tuy nhiên, để làm được việc này, lương và phúc lợi phải tăng lên, không chỉ để đạt được mục tiêu tuyển quân hiện tại, mà còn để những hợp đồng của binh lính hiện có, cụ thể là các hạ sĩ quan, có động cơ để tái ký hợp đồng.

Bản thân chính phủ cũng cần phải xây dựng hình ảnh rằng, nhập ngũ không phải chỉ là một nghĩa vụ quốc gia, mà là một hướng đi sự nghiệp đáng chú ý. Vậy nhưng, vào thời điểm chính phủ Nga đang tìm cách cắt giảm chi phí xã hội; gia tăng phúc lợi để thúc đẩy đi lính tự nguyện sẽ đi ngược lại mong muốn của Chính phủ.

MỚI - NÓNG