Thất bại muối mặt của chiến hạm 'thống trị mọi đại dương'

Khu trục hạm USS Cole "lết" ra khỏi cảng Aden, Yemen, với lỗ thủng lớn bên mạn trái. Ảnh: Wikipedia.
Khu trục hạm USS Cole "lết" ra khỏi cảng Aden, Yemen, với lỗ thủng lớn bên mạn trái. Ảnh: Wikipedia.
USS Cole, khu trục hạm mang biệt danh "Kẻ thống trị mọi đại dương", niềm tự hào của Hải quân Mỹ, suýt bị đánh chìm bởi vụ tấn công cảm tử bằng xuồng chứa 300 kg chất nổ.

Kẻ thống trị mọi đại dương

USS Cole (DDG-67) thuộc lớp khu trục hạm Arleigh Burke mang tên lửa điều khiển chủ lực của Hải quân Mỹ. Tàu được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis. Giới quân sự thế giới đánh giá lớp khu trục hạm này gần như không có đối thủ.

Hải quân Mỹ triển khai hoạt động đầu tiên của tàu vào năm 1991. Hiện tại, có 62 chiếc đang hoạt động trong số 75 chiếc được lên kế hoạch. Với sức mạnh tuyệt đối, nó nhanh chóng chinh phạt mọi đại dương và tham gia vào tất cả các cuộc xung đột quân sự của Mỹ từ thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay.

Mỗi tàu có thể mang theo 90 tên lửa các loại, đặc biệt là tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Ngoài ra, người ta còn trang bị cho nó hàng loạt vũ khí tấn công và phòng thủ khác, biến con tàu thành "pháo đài bất khả xâm phạm".

Hơn 22 năm chinh chiến, không một lực lượng quân đội nào trên thế giới có thể gây hại cho USS Cole. Nhưng ít ai biết rằng, khu trục hạm mạnh của Mỹ từng bị tấn công một cách thê thảm bằng thứ vũ khí tưởng chừng vô hại. Tổ chức khủng bố al-Qaeda sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Thất bại muối mặt của chiến hạm 'thống trị mọi đại dương' ảnh 1

Tàu khu trục Cole đã gặp may khi vụ tấn công không đánh trúng vào khu vực chứa nhiên liệu hay vũ khí. Ảnh: Defencenews.

Suýt chìm với vũ khí đơn giản

Theo CNN, ngày 12/10/2000, tàu khu trục USS Cole do hạm trưởng Kirk Lippold chỉ huy tiến vào cảng Aden, Yemen, để tiếp nhiên liệu. Tàu cập cảng lúc 9h30, quá trình tiếp liệu hoàn thành lúc 10h30.

Các thủy thủ tranh thủ thư giãn sau những ngày lênh đênh trên biển mà không thể ngờ rằng bị kịch sắp ập đến. Một chiếc xuống nhỏ di chuyển trong khu vực cảng bất ngờ tăng tốc lao thẳng vào mạn trái của tàu rồi phát nổ.

Chiếc xuồng mang theo 300 kg thuốc nổ, sức mạnh từ vụ nổ xé toạc mạn trái một lỗ lớn có kích thước đến 12x12 m. Vụ nổ phá hỏng phòng máy và thổi bung khu vực nhà bếp. Lúc đó đang có rất nhiều thủy thủ tập trung ăn trưa.

Vụ tấn công khiến 17 thủy thủ thiệt mạng và 39 thủy thủ khác bị thương. Khu vực phòng máy ngập chìm trong nước. Thủy thủ đoàn phải vật lộn để kiểm soát thiệt hại trong vòng 3 ngày sau đó. Đây là thiệt hại nặng nhất của Hải quân Mỹ kể từ sau vụ bắn nhầm của tàu khu trục USS Stark vào năm 1987.

Do thân tàu được thiết kế kiểu module hiện đại với các khoang kín nước, thủy thủ đoàn cô lập được khu vực thiệt hại, ngăn nước tràn sang các khu vực khác. Vụ nổ không gây hại cho cấu trúc lườn nên con tàu không bị chìm dù phải hứng chịu một lỗ thủng rất lớn.

Nếu vụ nổ đánh trúng vào khu vực chứa nhiên liệu hay vũ khí, khu trục hạm có thể đã bị phá hủy. 2 tàu khu trục USS Donald Cook và USS Hawes ở gần đó mở máy chạy hết tốc lực đến hỗ trợ. Một ngày sau, các tàu hỗ trợ và tàu hậu cần khác trong khu vực nhanh chóng đến khu vực tàu Cole gặp nạn để hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Ngày 30/10/2000, tàu vận tải hạng nặng MV Blue Marlin chở DDG-67 về Pascagoula, Mississippi để sửa chữa. Quá trình khôi phục hoạt động cho tàu khu trục USS Cole kéo dài đến 16 tháng. Vụ nổ gây thiệt hại với khối lượng vật liệu phải thay thế có tổng tải trọng tới 550 tấn.

243 triệu USD là số tiền mà Hải quân Mỹ phải bỏ ra để khắc phục hậu quả. Ngày 19/04/2002, tàu khu trục Cole trở lại hoạt động trong hải quân. Vụ tấn công cho thấy, khủng bố hay tác chiến phi đối xứng là mối đe dọa thường trực ngay cả với cỗ máy chiến tranh mạnh nhất thế giới.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.