Thổ Nhĩ Kỳ rầm rộ chuẩn bị kéo quân vào Syria

Đại bác của Thổ Nhĩ Kỳ được đặt ở biên giới và hướng sang Syria. (Ảnh: Reuters)
Đại bác của Thổ Nhĩ Kỳ được đặt ở biên giới và hướng sang Syria. (Ảnh: Reuters)
TPO - Quân Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân đồng minh của họ ở Syria sẽ vượt qua biên giới sau thời gian không lâu nữa, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị để tiến vào vùng đông bắc Syria từ khi quân Mỹ bắt đầu rời khỏi khu vực này trong một sự thay đổi đột ngột về chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất chấp việc ông bị nhiều người ở Washington chỉ trích là phản bội các lực lượng dân quân đồng minh người Kurd. 

Hôm 8/10, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng quân đội của họ vừa tấn công vùng biên giới Syria – Iraq nhằm ngăn các lực lượng người Kurd dùng tuyến đường này để củng cố lực lượng ở khu vực, nhưng chi tiết về cuộc tấn công vẫn mơ hồ. 

 Ankara nói rằng họ định lập ra một “vùng an toàn” nhằm đưa hàng triệu người tị nạn trở về Syria, nhưng kế hoạch này khiến nhiều đồng minh ở phương Tây lo ngại sẽ gây ra nhiều rủi ro. 

 Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, với quan điểm coi các tay súng người Kurd ở đông bắc Syria là khủng bố vì họ có quan hệ với những người nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ, một dòng người Syria không có thành phần người Kurd sẽ giúp tạo nên một vùng đệm an toàn giữa hai nước để phòng ngừa một mối đe dọa an ninh lớn. 

 Ông Fahrettin Altun, giám đốc truyền thông của văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, nói rằng các tay súng thuộc lực lượng người Kurd YPG hoặc sẽ phải bỏ đi hoặc Ankara sẽ phải “ngăn chặn họ phá hoại” cái mà ông gọi là cuộc đấu tranh của Thổ Nhĩ Kỳ trước các tay súng Hồi giáo. 

“Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Quân đội Syria tự do, sẽ sớm vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria”, ông Altun viết trên Tweeter và trong một bài viết ý kiến riêng vừa đăng trên báo Washington Post.

“Thổ Nhĩ Kỳ không có tham vọng ở đông bắc Syria ngoài việc trung lập hóa mối mối đe dọa từ lâu đối với các công dân Thổ Nhĩ Kỳ và giải phóng người dân địa phương khỏi tay các lực lượng côn đồ có vũ trang”, ông Altun viết. Hãng tin Demiroren của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng lực lượng phiến quân Syria đã đi từ tây bắc Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị cho chiến dịch tiến vào đông bắc Syria. 

Họ sẽ đặt căn cứ tại thị trấn biên giới Ceylanpinar của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên kia biên giới là làng Ras al-Ain của Syria, với 14.000 người sẽ từ từ tham gia chiến dịch. 

Các tay súng của Lữ đoàn Hamza, thuộc Quân đội quốc gia – lực lượng phiến quân chính mà Thổ Nhĩ Kỳ đang hậu thuẫn ở tây bắc Syria, đang đi thành từng đoàn xe buýt và được hộ tống bởi các xe tải chở vũ khí đạn dược, hãng tin cho biết.

Một đoàn xe buýt chở các phiến quân Syria và xe tải chở trang thiết bị đã đến thị trấn biên giới Akcakale của Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm nay, một nhân chứng nói với Reuters. 

Tại Akcakale, nhiều đại bác được đặt sau kè đất và hướng về phía Syria, một nhân chứng nói với Reuters. Nhiều bệ phóng đa tên lửa đã được đặt vào vị trí ở Suruc, nơi cách thị trấn 60km về phía tây, nhân chứng cho biết.

Khả năng xảy ra một chiến dịch tấn công quân sự khiến các thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo, rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8. 

Ông Ergogan sắp thăm Mỹ

Ông Erdogan sẽ thăm Mỹ vào ngày 13/11 theo lời mời của ông Trump, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết. Hôm 8/10, ông Erdogan nói rằng lực lượng Mỹ đã bắt đầu rút sau khi ông có cuộc điện đàm với ông Trump, và rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bàn với nhau về vấn đề này. 

“Không may là Thổ Nhĩ Kỳ chọn cách hành động đơn phương. Kết quả là chúng tôi đã di chuyển lực lượng Mỹ ở đông bắc Syria ra khỏi tuyến đường đội quân của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi qua nhằm bảo đảm an toàn cho họ”, phát ngôn viên Lầu Năm góc Jonathan Hoffman nói.

Quyết định của ông Trump về việc rút quân khỏi đông bắc Syria khiến cả đồng minh của Mỹ như Pháp thất kinh. Pháp là một trong những đối tác chính của Mỹ tham gia liên quân do Mỹ dẫn đầu để tiêu diệt lực lượng Hồi giáo tự xưng IS. 

Còn Nga, đồng minh nước ngoài quan trọng nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nói rằng họ không được  Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trước về bất kỳ thỏa thuận nào về việc Mỹ sẽ rút quân. 

Giữa những quan ngại gia tăng về vấn đề nhân đạo, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres thúc giục các bên ở đông bắc Syria kiềm chế tối đa và bảo vệ thường dân. 

Còn lực lượng người Kurd lên án sự chuyển dịch chính sách của Mỹ là “đâm sau lưng”. 

Một dấu hiệu về khả năng thay đổi cân bằng sức mạnh ở khu vực là việc lực lượng người Kurd nói rằng họ sẽ có thể bắt đầu đối thoại với chính phủ Syria và Nga để lấp vào khoảng trống an ninh sau khi Mỹ rút hoàn toàn. 

Ông Trump phủ nhận rằng ông vừa bỏ rơi lực lượng người Kurd sau khi họ sát sánh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Nhưng ông chủ Nhà Trắng vừa ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác thương mại, một cách hạ giọng đáng kể chỉ vài giờ sau khi ông dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara “đi quá giới hạn” ở Syria.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG